Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám làm việc với lãnh đạo tỉnh về phát triển ngành hàng cá tra

Cập nhật ngày: 16/10/2017 05:50:59

ĐTO - Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) do Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám dẫn đầu vừa có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh về tình hình sản xuất - tiêu thụ và định hướng phát triển bền vững ngành hàng cá tra địa phương. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thanh Hùng và đại diện lãnh đạo các sở, ngành tiếp đoàn.


Quang cảnh buổi làm việc

Đồng Tháp là địa phương sản xuất và chế biến cá tra lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với sản lượng trung bình hàng năm khoảng 400 ngàn tấn.

Toàn tỉnh hiện có trên 1.200 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cá tra, trong đó có 76 cơ sở sản xuất và 1.150 cơ sở ương giống, tập trung tại các huyện Hồng Ngự, Cao Lãnh, Châu Thành. 9 tháng đầu năm 2017, sản lượng giống sản xuất gần 960 triệu con, cá bột 13 tỷ con, đáp ứng được nhu cầu con giống trong tỉnh cũng như các tỉnh lân cận.

Tỉnh có 363 vùng nuôi cá tra xuất khẩu được cấp mã số nhận diện với diện tích mặt nước trên 1.500ha. Hiện toàn tỉnh có 21 doanh nghiệp tham gia hoạt động nuôi cá tra xuất khẩu với diện tích 968ha; hộ nuôi cá thể là 535ha, trong đó liên kết sản xuất với doanh nghiệp được gần 500ha.

Buổi làm việc tập trung bàn về 2 vấn đề địa phương cần giải quyết hiện nay nhằm phát triển bền vững ngành hàng cá tra của tỉnh nhà. Cụ thể là tìm mô hình phù hợp cho tổ chức sản xuất cá giống hiệu quả, chất lượng và những cơ chế chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cá giống.

Buổi làm việc nhận được nhiều ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, xuất khẩu cá tra trên địa bàn tỉnh. Cụ thể như, cần sự quan tâm hơn của Nhà nước về công tác nghiên cứu thẩm định giống; vấn đề về quy hoạch đất, quy hoạch vùng sản xuất; công tác kiểm soát kháng sinh, dịch bệnh trên con giống; những trở ngại, khó khăn từ rào cản kỹ thuật, bảo hộ thương mại trong quá trình xuất khẩu...

Phó Chủ tịch Nguyễn Thanh Hùng khẳng định, cá tra là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh và khâu sản xuất giống là đầu vào vô cùng quan trọng cho chất lượng toàn bộ chuỗi sản xuất ngành hàng này. Nên xã hội hóa khâu sản xuất cá giống thương phẩm, bởi đối với khâu sản xuất cá giống, hiện chỉ có các cơ sở sản xuất của các hộ dân là đảm nhiệm tốt nhất.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đánh giá cao tính năng động của các hộ dân ở Đồng Tháp trong khâu sản xuất giống cá tra.

Thứ trưởng nhấn mạnh, trong thời gian tới, để phát triển ngành hàng cá tra bền vững, nhất là khâu sản xuất giống, tỉnh phải đề ra các giải pháp đột phá tập trung vào vấn đề sản xuất cá tra giống nhằm tạo được giống chất lượng cao, tăng trưởng nhanh, có thể kháng bệnh. Địa phương cần quan tâm thực hiện hiệu quả trong sản xuất chất lượng giống, trong đó bao gồm vấn đề kiểm soát dịch bệnh và các yếu tố khác liên quan đến chất lượng con giống. Cần xây dựng mô hình sản xuất giống, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò chủ động, nòng cốt trên cơ sở phối hợp tốt các hộ sản xuất giống hiện nay để cùng phát triển tốt hơn.

Về chính sách, đề nghị Đồng Tháp rà soát, đánh giá lại tình trạng sản xuất cá giống hiện nay, từ đó UBND tỉnh có những văn bản chính thức đề nghị Bộ NN&PTNT trình Chính phủ để được tạo điều kiện trở thành trung tâm sản xuất giống cá tra tốt nhất ĐBSCL theo hướng địa phương sản xuất giống cá tra chất lượng cao như tỉnh An Giang.

Thứ trưởng cũng lưu ý, địa phương phải có sự kiểm soát tốt trong quá trình phát triển ngành hàng, tránh tình trạng tăng trưởng nóng, cung vượt cầu. Bộ NN&PTNT sẽ sát cánh cùng địa phương, Trung ương sẽ hoàn thiện cơ sở pháp lý về quy hoạch sản xuất giống, các quy chuẩn, điều kiện liên quan đến phát triển sản xuất giống chất lượng cho ngành hàng cá tra.

Thanh Hiền

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn