Nông dân Tháp Mười đặt nhiều kỳ vọng với mô hình sen lấy củ

Cập nhật ngày: 04/04/2024 10:12:25

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240404101313dt2-4.mp3

 

ĐTO - Với mong muốn giúp nông dân địa phương tạo ra nguồn nguyên liệu đa dạng từ cây sen, tăng thu nhập từ sen, đáp ứng nhu cầu chế biến và xuất khẩu của doanh nghiệp, tháng 7/2023, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tháp Mười triển khai thí điểm mô hình trồng sen lấy củ với diện tích 3ha ở xã Trường Xuân. Sau gần 8 tháng canh tác, bước đầu mô hình này đạt một số tín hiệu tích cực, nhận được sự quan tâm của nông dân tại địa phương.


Nông dân tham gia mô hình trồng sen lấy củ tại xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười

Phát triển theo chiều sâu

Từ lâu, huyện Tháp Mười được biết đến là một trong những địa phương có diện tích sen lớn nhất tỉnh Đồng Tháp, với diện tích sản xuất hàng năm trên 500ha, sản lượng bình quân trên 1.700 tấn/năm. Các xã có diện tích canh tác sen lớn của Tháp Mười gồm: Trường Xuân, Tân Kiều, Mỹ Hòa, Thạnh Lợi, Hưng Thạnh... Sen là 1 trong 6 ngành hàng thế mạnh được huyện Tháp Mười lựa chọn triển khai trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Sau gần 10 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ngành hàng sen của huyện Tháp Mười đã đạt được một số kết quả tích cực. Hiện sen là một trong những ngành hàng có số lượng sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao và 4 sao nhiều nhất huyện (22 sản phẩm).

Để ngành hàng sen phát triển toàn diện và bền vững hơn, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của nông dân, nhu cầu chế biến và xuất khẩu của doanh nghiệp, thời gian qua, ngành nông nghiệp huyện Tháp Mười thực hiện nhiều giải pháp đưa ngành hàng sen phát triển theo chiều sâu. Trong đó, năm 2023, huyện phối hợp với một số đơn vị liên quan, doanh nghiệp triển khai thí điểm mô hình trồng sen lấy củ quy mô 3ha ở xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười. Địa phương kỳ vọng mô hình sẽ góp phần mở ra hướng sản xuất mới phù hợp cho người nông dân; giúp nông dân có nhiều lựa chọn trong phát triển sản xuất nông nghiệp và có điều kiện gắn kết tiêu thụ tốt hơn với các doanh nghiệp chế biến...

Ông Đinh Hồng Thái - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tháp Mười, cho biết: “Sau thời gian triển khai mô hình, chúng tôi nhận thấy cây sen lấy củ có nhiều triển vọng phát triển tốt ở vùng đất Tháp Mười. Trong vụ sen 2023 - 2024, Trung tâm chỉ trồng thí điểm 3ha. Kết thúc vụ mùa này, chúng tôi dự kiến sẽ nâng tổng diện tích của mô hình lên đến hơn 7,5ha. Theo đó, khi tham gia mô hình trồng sen lấy củ, nông dân sẽ được hỗ trợ 50% chi phí vật tư và cây giống, được cán bộ nông nghiệp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trong quá trình canh tác”.

Nhiều triển vọng để nhân rộng

Là nông dân trực tiếp thực hiện mô hình trồng sen lấy củ đầu tiên của địa phương, anh Đào Thanh Ngài ngụ ấp 6B, xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười, chia sẻ: “Sau khi nghe địa phương thông tin triển khai mô hình trồng sen lấy củ, tôi mạnh dạn đăng ký trồng thử nghiệm. Mặc dù buổi đầu có nhiều khó khăn, nhưng khi nắm vững về kỹ thuật, tôi nhận thấy cây sen lấy củ phát triển phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng tại địa phương. So với trồng sen lấy hạt, sen lấy ngó thì trồng sen lấy củ ít tốn công chăm sóc và giảm chi phí đầu tư hơn. Song, để mô hình sản xuất mới phát triển bền vững hơn, tôi nghĩ nên thực hiện hiệu quả liên kết chuỗi, trong đó, các doanh nghiệp chế biến thực hiện đặt hàng sản xuất với nông dân. Nếu được đảm bảo về khâu tiêu thụ, tôi tin rằng mô hình trồng sen lấy củ sẽ có nhiều triển vọng để nhân rộng tại địa phương”.

Ông Nguyễn Minh Thiện - Giám đốc Nhà máy Công ty CP thực phẩm Sen Đại Việt, cho biết: “Hiện nay, ngoài các sản phẩm hạt sen tươi và hạt sen chế biến, công ty còn phát triển thêm các dòng sản phẩm củ sen tươi và củ sen chế biến cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Chúng tôi nhận thấy, bên cạnh tiềm năng về thị trường đối với hạt sen, thị trường sen củ còn rất nhiều dư địa để phát triển, đặc biệt là thị trường xuất khẩu. Trong tháng 4 này, Công ty CP thực phẩm Sen Đại Việt sẽ chính thức xuất khẩu lô củ sen đầu tiên sang thị trường Nhật Bản. Với việc mở rộng thị trường sẽ là một tín hiệu tích cực để nông dân huyện Tháp Mười có thể phát triển thêm mô hình trồng sen lấy củ. Chúng tôi cũng đặt nhiều kỳ vọng cây sen lấy củ sẽ phát triển tốt tại vùng đất Tháp Mười, bởi đây không chỉ là cơ hội cho người nông dân mà còn là thuận lợi cho doanh nghiệp chúng tôi khi có được vùng nguyên liệu tại chỗ”...

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn