Hiệu quả từ công tác chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi

Cập nhật ngày: 24/05/2013 03:34:20

Hiện huyện Thanh Bình có 24.300ha đất sản xuất, trong đó diện tích lúa hơn 20.000ha, hoa màu và cây công nghiệp ngắn ngày khoảng 3.600ha và đất vườn cây ăn trái 700ha. Do làm tốt công tác tuyên truyền vận động nên việc thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi của huyện đã có chuyển biến tích cực.

Thực tế cho thấy những năm qua, do yêu cầu của thị trường nên việc gieo trồng các giống lúa có phẩm chất cao được người dân áp dụng. Qua khảo sát của ngành nông nghiệp, vụ đông xuân và hè thu vừa qua, diện tích trồng lúa phẩm chất kém chất lượng chỉ còn khoảng 10%, hầu hết diện tích trong huyện đều gieo sạ các loại giống nằm trong 20 bộ giống đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận và phổ biến như: IR 64, NTL 250, OM 6976, OM 4900, OM 5451, OMCS 2000. Đặc biệt, là các loại giống lúa thơm cao cấp như Jasmine 85, VĐ 20 đã được người dân sử dụng đại trà. Ngoài các giống lúa trên, giống nếp đùm truyền thống cũng phát triển mạnh.

Anh Nguyễn Thanh Việt ở ấp Tân Phong, xã Tân Huề xuống giống 5 công nếp trong vụ hè thu cho biết: “Do thời gian sinh trưởng của nếp chỉ 90 ngày, ngắn hơn lúa, ít sâu bệnh, nhẹ công chăm sóc, năng suất từ 7, 5 - 8 tấn/ha. Hiện giá nếp ở mức từ 7.000 đồng đến 7.500kg, trừ chi phí lợi nhuận từ 3 - 4 triệu đồng/công và rất dễ tiêu thụ ”.

Cùng với cây lúa, việc chuyển dịch cơ cấu cây màu cũng đạt hiệu quả, diện tích trồng bắp lai cho năng suất cao cũng tăng dần theo từng vụ. Nếu như vụ đông xuân năm ngoái nông dân ở Thanh Bình gieo trồng khoảng 300ha thì vụ đông xuân năm nay trồng hơn 400ha. Anh Lê Văn Thắng, ấp Tân Thạnh xã Tân Long cho biết: “Vụ đông xuân vừa rồi tôi đã trồng 5 công bắp lai loại giống NK 66, năng suất đạt gần 10 tấn/ha. Hiện giá bắp từ 6.000 đến 6.500 đồng/kg, trừ chi phí còn lãi hơn 40 triệu đồng/ha, tăng gấp 2 lần so với làm lúa. Mùa này tôi tiếp tục xuống giống bắp, hy vọng sẽ được mùa”.

Ngoài cây bắp, huyện cũng đang phát triển vùng chuyên canh rau muống lấy hạt với diện tích hơn 100ha. Bên cạnh đó, cây ớt cũng được phát triển mạnh trong vài năm trở lại đây. Hiện diện tích trồng ớt hơn 2.000ha, tăng hơn 1.000ha so vụ mùa năm ngoái, mỗi năm đạt sản lượng từ 20 đến 25.000 tấn. Tập trung nhiều ở 5 xã cù lao Tân Hòa, Tân Huề, Tân Long và Tân Quới. Tuy nhiên năm nay, do giá ớt ở mức thấp nên người trồng ớt không đạt lợi nhuận cao, nhưng bù lại bà con rất phấn khởi vì được Cục sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu ớt Thanh Bình.

Chuyển đổi cây trồng, huyện Thanh Bình còn gắn liền với chuyển đổi vật nuôi, nhất là việc phát triển nuôi cá tra vùng đất bãi bồi, tạo vùng nguyên liệu phục vụ cho việc xuất khẩu thủy sản tại cụm công nghiệp Bình Thành. Đến nay, diện tích nuôi trồng thủy sản trong huyện là 632ha, trong đó có 402ha nuôi cá tra theo hình thức khép kín của các công ty. Qua 3 tháng đầu năm sản lượng ước đạt 30.000 tấn, đạt 30% so với kế hoạch năm, góp phần tăng trưởng kinh tế quý I/2013 của huyện.

Ông Lê Văn Hoàng - Phó Phòng nông nghiệp huyện Thanh Bình cho biết: “Chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả; phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung đi vào thâm canh, ứng dụng công nghệ sinh học. Chọn cây, con giống có chất lượng để tăng năng suất cây trồng vật nuôi và gắn với việc xây dựng nông thôn mới ”.

Trần Bảnh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn