Vài chia sẻ về “nghề” tuyên giáo

Cập nhật ngày: 31/07/2015 12:36:38

Công tác tuyên giáo là một nghề tổng hợp, phong phú, đa lĩnh vực. Làm công tác tuyên giáo là làm công tác tư tưởng, tuyên truyền, nắm bắt diễn biến tâm trạng, tâm lý, dư luận xã hội, văn hóa văn nghệ, thông tin, báo chí, xuất bản... Nhân kỷ niệm 85 năm Ngày truyền thống ngành tuyên giáo của Đảng (1/8/1930 - 1/8/2015), Báo Đồng Tháp ghi nhận chia sẻ của một số cán bộ làm công tác tuyên giáo về nghề của mình.

Đồng chí Lê Minh Trung - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Tháp: Đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo phải là những chiến sĩ xung kích đi đầu trên mặt trận tư tưởng.

Công tác tuyên giáo được Đảng ta xác định là bộ phận quan trọng của công tác tư tưởng. Ôn lại truyền thống vẻ vang của ngành 85 năm qua, có thể thấy ở mỗi giai đoạn, yêu cầu và nhiệm vụ tuyên giáo luôn được các cấp ủy đảng xem như một sức mạnh, vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và xây dựng Đảng. Tuyên giáo là cơ quan tham mưu cho các cấp ủy Đảng, vừa chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan, vừa trực tiếp tác nghiệp nhằm chuyển tải những chủ trương, chính sách của Đảng đến các tầng lớp nhân dân; đồng thời là cầu nối giữa Đảng với nhân dân. Trước hết, cán bộ tuyên giáo cần nâng cao hơn nữa năng lực dự báo và tham mưu cho các cấp ủy Đảng ở lĩnh vực công tác được giao; chủ động nắm bắt tình hình, phân tích, dự báo, phát hiện, xử lý các vấn đề tư tưởng chính trị, nhất là dư luận, tâm trạng xã hội của nhân dân trước mỗi chủ trương, sự kiện có tác động lớn. Bên cạnh đó, cán bộ tuyên giáo cần rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, tâm huyết, gương mẫu trong đạo đức, lối sống; tinh thông nghiệp vụ, sắc sảo về chuyên môn; biết cách chuyển tải đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới cán bộ, đảng viên và nhân dân bằng nội dung đúng đắn, phong phú, sáng tạo, có sức truyền cảm, lan tỏa. Mỗi cán bộ tuyên giáo phải là một tấm gương tuyên truyền sống động việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; có kỹ năng nói hay và đúng, viết thạo, am hiểu lý luận và thực tiễn, lời nói đi đôi với việc làm.

Đồng chí Nguyễn Chánh Tâm - Phó Ban Tuyên giáo Huyện ủy Cao Lãnh: Nói và làm, sống gương mẫu, trách nhiệm là tố chất cần thiết của cán bộ tuyên giáo.

Am hiểu sâu về chuyên môn nghiệp vụ; không ngừng học tập nâng cao trình độ; bản lĩnh chính trị vững vàng; năng lực tư duy khoa học; tác phong quần chúng; kỹ năng nói và viết... đều là những yêu cầu quan trọng đối với cán bộ tuyên giáo. Trong đó, nói và làm, sống gương mẫu, trách nhiệm là tố chất cần thiết nhất. Nói là để chuyển tải những tư tưởng, tình cảm, nguyện vọng của nhân dân với Đảng và Nhà nước để từ đó Đảng và Nhà nước hoạch định đường lối, chính sách phù hợp với quy luật, với thực tiễn, với ước vọng lớn lao của nhân dân. Nói là để tạo sự đồng thuận, tạo khối đoàn kết nhất trí, tạo niềm phấn khởi, tạo hành động tích cực đối với người đọc, người nghe, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Tuyên truyền thông qua lời nói là vũ khí sắc bén, là kênh thông tin tuyên truyền bậc nhất của cán bộ tuyên giáo. Trọng tâm tuyên truyền của cán bộ tuyên giáo hiện nay là học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và tuyên truyền các chương trình, đề án lớn của tỉnh. Mỗi cán bộ tuyên giáo là một tấm gương mẫu mực tuyên truyền về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, bởi lẽ người làm công tác tuyên giáo, mọi lời nói sẽ có ý nghĩa nếu sống mẫu mực và trách nhiệm với mọi người. Làm được như vậy chính là truyền cảm hứng cho người nghe, lan tỏa tình cảm của mình đến mọi người, làm cho công tác tuyên truyền càng có sức thuyết phục cao, là thực hiện lời Bác Hồ dạy lúc sinh thời: nói chung người Phương Đông sống rất giàu tình cảm, một tấm gương sống có giá trị hơn trăm bài diễn văn tuyên truyền.

Đồng chí Huỳnh Kim Thuần - Bí Thư Đảng ủy kiêm Trưởng Ban Tuyên giáo xã Hòa An, TP.Cao Lãnh: Cần nâng cao năng lực chuyên môn và trình độ mọi mặt cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo.

Trong giai đoạn bùng nổ thông tin đa chiều như hiện nay, những người làm công tác tuyên giáo phải thực hiện tốt hơn nữa vai trò định hướng về chính trị và tư tưởng trong đời sống xã hội. Phải tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức công tác tư tưởng theo hướng bám sát thực tiễn, sát đối tượng, kịp thời giải quyết những vấn đề do thực tiễn đặt ra; nâng cao năng lực nghiên cứu, tham mưu, chỉ đạo, kiểm tra và tính chiến đấu của công tác tư tưởng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao theo sự phát triển của đất nước trong tình hình mới. Muốn làm được điều này, trước hết đòi hỏi đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo phải có trình độ ngang tầm, phải có kiến thức tổng hợp và sự hiểu biết sâu, rộng trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội để tăng sức thuyết phục trong công tác tư tưởng. Chính vì vậy, vấn đề cần quan tâm đầu tiên và trước hết đó là phải nâng cao năng lực chuyên môn và trình độ mọi mặt cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo.

Kim Ngân (Tổng hợp)

Gửi bình luận của bạn