Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao

Vì sao chưa thu hút doanh nghiệp Đồng Tháp

Cập nhật ngày: 12/11/2014 05:40:53

Một số doanh nghiệp Đồng Tháp tỏ ra chưa thật sự sẵn sàng để tham gia Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) - một hội chợ được xem là rất uy tín là có nhiều nguyên nhân, không thể khẳng định nguyên nhân chính là công tác tổ chức, mời gọi doanh nghiệp tham gia của địa phương chưa tốt. Ngay từ khi được UBND tỉnh chấp thuận cho Sở Công Thương phối hợp Hội Doanh nghiệp HVNCLC tổ chức hội chợ lần đầu tiên tại tỉnh Đồng Tháp, Sở Công Thương đã trực tiếp làm việc với các địa phương và doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất (DN, HTX, CSSX) kinh doanh sản phẩm đặc trưng của Dõng Tháp triển khai tinh thần chỉ đạo này và có văn bản mời DN, HTX, CSSX tham gia hội chợ. Trong đó, nêu cụ thể nội dung về quyền lợi khi tham gia (miễn phí thuê gian hàng)...

Qua tìm hiểu được biết, đa phần các DN, HTX, CSSX kinh doanh sản phẩm đặc trưng của Đồng Tháp chưa sẵn sàng và mặn mà với sự kiện được xem là cơ hội này, có thể quy về hai nguyên nhân sau:

Nguyên nhân khách quan: Hội chợ HVNCLC diễn ra lần đầu tiên tại tỉnh Đồng Tháp, chưa phải là hội chợ thường niên và lại diễn ra vào thời điểm gần cuối năm, nên công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Dương lịch cũng như Tết Nguyên đán của các DN, HTX, CSSX kinh doanh sản phẩm đặc trưng của Đồng Tháp rất nhiều. Vì vậy, họ chưa thật sự quan tâm và tranh thủ để sẵn sàng tham gia hội chợ.

­- Nguyên nhân chủ quan: Đa phần các DN, HTX, CSSX kinh doanh sản phẩm đặc trưng của Đồng Tháp có quy mô nhỏ, mang tính chất truyền thống gia đình là nhiều, chưa có kỹ năng về marketing, về tầm nhìn chiến lược, lực lượng lao động mỏng... nên họ còn có ngộ nhận “Hội chợ là để bán được hàng, doanh số tại hội chợ thấp xem như là không thành công”. Tuy nhiên, dưới góc độ quản lý nhà nước, cũng như cách nhìn của các chuyên gia thì hội chợ không phải là nơi bán hàng mà thông qua hội chợ sẽ là cơ hội tốt để giới thiệu, quảng bá sản phẩm, thương hiệu của mình đến người tiêu dùng. Hơn nữa, là điều kiện để trao đổi kinh nghiệm, tìm kiếm và mở rộng thị trường, giúp các doanh nghiệp học hỏi nghệ thuật marketing của nhau...

Từ những hạn chế như trên, có thể nói đến lúc tỉnh ta phải nhìn nhận lại để cho công tác tổ chức quản lý và tham gia hội chợ lần sau được tốt hơn. Về phía cơ quan quản lý nhà nước, cần tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin thường xuyên cho các doanh nghiệp nhận thấy được lợi ích thiết thực sau khi tham gia hội chợ; phối hợp tổ chức các lớp về khởi sự doanh nghiệp, kỹ năng bán hàng, marketing để doanh nghiệp tham gia; hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ kinh phí tham gia hội chợ để họ yên tâm tham gia. Về phía doanh nghiệp, không nên có suy nghĩ luôn luôn trông chờ vào sự hỗ trợ từ phía Nhà nước để xúc tiến bán hàng dùm doanh nghiệp. Phải biết tự vươn lên trong nền kinh tế thị trường, cạnh tranh là sự sống còn của doanh nghiệp, nên tự mình phải lo cho mình. Vì vậy, các doanh nghiệp cần có chiến lược Marketing cụ thể theo chiến lược 4P: Sản phẩm (product), Giá (price), Xúc tiến thương mại hay Truyền thông (promotion) và Kênh phân phối (Place). Nếu “sản phẩm và giá” là 2 khâu quan trọng trong chiến lược marketing của doanh nghiệp thì việc “xúc tiến bán hàng và phân phối” là 2 khâu để đi đến sự thành công của doanh nghiệp.

Do đó, làm thế nào để doanh nghiệp trong tỉnh có cái nhìn đúng về tham gia hội chợ, không thể ngộ nhận theo lối mòn từ trước đến giờ là “Hội chợ là để bán được hàng, doanh số tại hội chợ thấp xem như là không thành công”. Đây là vấn đề cốt lõi và cũng là những hạn chế của việc tham gia hội chợ Hội chợ HVNCLC lần này. Nếu khắc phục được những tồn tại, hạn chế này; hy vọng rằng trong thời gian tới doanh nghiệp Đồng Tháp sẽ tham gia các kỳ hội chợ trong và ngoài tỉnh tổ chức trong tư thế sẵn sàng và tích cực hơn.

Trúc Tươi

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn