Trồng lúa gạo giảm phát thải khí nhà kính

Cập nhật ngày: 21/03/2024 09:08:28

ĐTO - Vừa qua, tại TP Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị tham vấn về ý tưởng đề xuất Dự án hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật cho lúa carbon thấp sẽ được triển khai ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).


Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Dự án sẽ do Bộ NN&PTNT chủ trì, triển khai ở 12 tỉnh ĐBSCL (An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An, Sóc Trăng, Cần Thơ, Bạc Liêu, Trà Vinh, Hậu Giang, Cà Mau, Tiền Giang và Vĩnh Long). Thời gian thực hiện trong 5 năm, từ năm 2026 - 2031 (giai đoạn chuẩn bị dự án trong hai năm 2024 và 2025), gồm 3 hợp phần. Theo đó, Hợp phần 1: Phát triển chuỗi giá trị lúa gạo chất lượng cao, carbon thấp; Hợp phần 2: Phát triển và chuyển giao kỹ thuật; Hợp phần 3: Quản lý dự án.

 Tổng kinh phí dự án là 375 triệu USD, trong đó 360 triệu USD từ khoản vay IBRD của Ngân hàng Thế giới, 15 triệu USD vốn đối ứng từ đóng góp của Chính phủ và địa phương. Mục tiêu dự án sẽ được đo lường bằng các chỉ số như tăng năng suất và sản lượng lúa gạo, thu nhập của nông dân, giảm khí nhà kính và thanh toán tín dụng carbon dựa trên kết quả.

Diện tích sản xuất lúa mỗi năm của tỉnh Đồng Tháp dao động khoảng 480.000 - 500.000 ha, sản lượng ước tính trên 3,3 triệu tấn. Năm 2024, tỉnh phấn đấu diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao tham gia Đề án của toàn tỉnh đạt khoảng 20.000 ha, đến năm 2025 sẽ phát triển diện tích lên 50.000 ha và đến năm 2030 là 161.000 ha.

Ông Trần Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, Bộ NN&PTNT đang phối hợp với Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) lựa chọn 5 tỉnh triển khai mô hình điểm, bao gồm 5 loại đất sản xuất lúa khác nhau từ quy trình canh tác lúa cho tới đo được lượng phát thải ra và được Bộ NN&PTNT có văn bản công nhận mức độ khí phát thải (qua 3 vụ), gồm: Cần Thơ, Sóc Trăng, Kiên Giang, Đồng Tháp và Trà Vinh. “Đến tháng 8 hoặc tháng 9 năm nay, coi như chúng ta có được mô hình hoàn chỉnh từ quy trình canh tác đến lượng đo phát thải. Từ đó, mỗi tỉnh sẽ mở rộng ra tại địa phương và lan qua các tỉnh khác, tiến tới xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam phát thải carbon thấp”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh.

Nguyệt Đỗ

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn