PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG SẠCH TẠI ĐỒNG THÁP

Tiềm năng và thách thức

Cập nhật ngày: 20/09/2020 06:21:38

ĐTO - Nằm trong khu vực ảnh hưởng bức xạ mặt trời mạnh, có số giờ nắng trung bình trong ngày là 6-8 giờ/ngày, liên tục trong suốt cả năm, ước tính khoảng 2.500 giờ. Do đó, tiềm năng phát triển và ứng dụng năng lượng mặt trời trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp rất lớn, nhất là điện mặt trời áp mái.


Ông Nguyễn Dương Tiễn điều khiển hệ thống điện mặt trời

Đồng Tháp là tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, có địa hình thấp và bằng phẳng, dòng sông Tiền chảy qua 132km chia Đồng Tháp thành 2 vùng: vùng Đồng Tháp Mười phía bắc sông Tiền, dọc theo hướng Tây Bắc-Đông Nam; vùng phía Nam, nằm kẹp giữa sông Tiền và sông Hậu, có địa hình lòng máng dốc từ hai phía sông vào giữa với độ cao phổ biến 0,8-1,0m. Với thuận lợi về mặt địa hình, Đồng Tháp đang có những điều kiện rất tốt để phát triển nguồn năng lượng sạch như điện mặt trời, điện gió, điện mặt trời nối lưới...

Về điện mặt trời áp mái, hiện tại trên địa bàn tỉnh có 1.042 tổ chức, cá nhân lắp hệ thống điện mặt trời áp mái với tổng công suất khoảng13,454 MWp. Triển khai Kế hoạch số 22/KH-UBND ngày 30/1/2020 của UBND tỉnh về việc triển khai Chương trình quốc gia về Quản lý nhu cầu điện và Chương trình thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến năm 2030, hiện tại tỉnh đang lập thủ tục xây dựng mô hình điểm đối với 10 cơ quan Nhà nước lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà của trụ sở, với tổng kinh phí 2,2 tỷ đồng.

Đối với điện mặt trời nối lưới tiềm năng, hiện tại trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp không có các vùng đất hoang hóa để phát triển điện mặt trời, tuy nhiên ở những khu vực trong tỉnh có các vùng đất trồng cây nông nghiệp năng suất thấp, đất mặt nước, ao nuôi thủy sản có tiềm năng để phát triển điện mặt trời kết hợp với nông nghiệp.


Hệ thống điện mặt trời tại Homstay “Ngôi nhà hoa và ếch” giúp cung cấp nguồn năng lượng sạch phục vụ du khách

Theo số liệu khảo sát của Sở Công Thương, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp có khoảng 9.000ha đất trồng cây nông nghiệp năng suất thấp, 150ha đất mặt nước, 1.633ha ao nuôi thủy sản. Nếu triển khai thực hiện trên toàn bộ diện tích trên thì tổng công suất lắp đặt khoảng 10.783 MW, dự kiến lượng điện năng sản xuất trung bình hàng năm là 26,8 triệu MWh/năm. Hiện tại, UBND tỉnh đã có chủ trương phát triển điện mặt trời kết hợp với nông nghiệp trồng các cây con phù hợp và nuôi trồng thủy sản mục đích làm tăng hiệu quả sử dụng đất và không làm mất diện tích đất nông nghiệp.

Cụ thể, tỉnh hiện có 2 dự án điện mặt trời đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương gồm: Dự án Đầu tư phát triển điện mặt trời trên diện tích mặt nước tại xã Phú Cường, huyện Tam Nông với công suất 13MW, diện tích sử dụng đất là 18,85ha, chủ đầu tư là Công ty CP Phát triển Kỹ thuật Xây dựng; Dự án Phát triển điện mặt trời trên vùng trồng lúa và hồ nước tại xã Bình Thạnh, TX.Hồng Ngự với công suất 20MW, diện tích sử dụng đất 22ha, chủ đầu tư là Công ty CP Phát triển Kỹ thuật Xây dựng và Công ty CP Máy tính Truyền thông Hồng Nam. Đến nay, các dự án trên còn đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, chưa triển khai thi công do chưa được Bộ Công Thương chấp thuận bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2016 – 2025, có xét đến năm 2035 (Hợp phần I).

Về điện gió, theo Quy hoạch phát triển điện lực của Đồng Tháp giai đoạn 2016-2025, có xét đến năm 2035 – Hợp phần Quy hoạch chi tiết phát triển lưới điện trung và hạ áp sau các trạm 110kV (Hợp phần II) ban hành kèm Quyết định số 1461/QĐ-UBND-HC ngày 26/11/2018 của UBND tỉnh Đồng Tháp về việc phê duyệt có đề cập phát triển lĩnh vực này. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 1 nhà đầu tư lắp trụ đo gió để khảo sát đo đạc về chỉ số bình quân tốc độ gió tại huyện Lai Vung để phân tích, tính toán công suất để lập dự án cho phù hợp trong phát triển điện gió trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh các dự án đã và đang triển khai, thực hiện chương trình sản xuất sạch hơn trong công nghiệp giai đoạn 2016-2020; kế hoạch về việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2016 – 2020. Sở Công Thương Đồng Tháp đã phối hợp với các sở, ban, ngành huyện thị, các đơn vị truyền thông thực hiện chuyên trang, chuyên mục tổ chức hội thảo, tập huấn về giải pháp tiết kiệm năng lượng. Qua đó, đã hỗ trợ nhiều hộ gia đình, cơ sở thí điểm các mô hình điện mặt trời áp mái hiệu quả.

Cụ thể, giai đoạn 2016-2020, đã hỗ trợ kinh phí gần 299 triệu đồng cho 7 hộ gia đình và cơ sở sản xuất hoa kiểng-homestay đầu tư lắp thí điểm mô hình điện mặt trời trên mái nhà với tổng công suất là 31,24kWp. Đến nay, toàn tỉnh có 876 hộ gia đình và tổ chức tự đầu tư lắp điện mặt trời trên mái nhà, với tổng công suất là 9,5 MWp đã tạo bước tiến mới trong ứng dụng các nguồn năng lượng sạch, thân thiện với môi trường sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt, góp phần tiết kiệm điện, giảm tải nhu cầu ngày càng tăng về năng lượng cho Quốc gia.


Cơ sở bột Tư Nương sử dụng điện mặt trời giúp tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất

Theo lãnh đạo Sở Công Thương, thời gian tới, tỉnh Đồng Tháp đặt mục tiêu chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững, chọn các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch là một trong những lĩnh vực ưu tiên khai thác, sử dụng gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương có lợi thế. Theo đó, khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái và trên mặt nước.

Tuy nhiên, việc tổ chức triển khai thực hiện các dự án điện sạch vẫn còn một số hạn chế, khó khăn, thách thức. Cụ thể, Quy hoạch phát triển điện lực trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp chưa dự báo hết công suất hòa lưới của nguồn năng lượng sạch trên địa bàn tỉnh, dẫn đến khả năng lưới điện không đảm bảo hấp thụ hết toàn bộ sản lượng điện phát của các nguồn năng lượng sạch trong tương lai, dẫn đến khả năng quá tải lưới điện cục bộ, tổn thất điện năng, ảnh hưởng đến độ tin cậy cung cấp điện cho phụ tải điện của tỉnh; chưa có hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục đầu tư phát triển Dự án nguồn năng lượng sạch cũng như các trình tự, thủ tục lập, thẩm định phê duyệt quy hoạch...


Mô hình sử dụng điện mặt trời phục vụ tưới vườn của ông Nguyễn Dương Tiễn (xã Thanh Mỹ) giúp tiết kiệm nhân công, tăng hiệu quả sản xuất

Cùng với đó, cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển năng lượng sạch còn hạn chế, chưa khuyến khích nhiều việc phát triển các dự án điện mặt trời trên mặt đất; chưa có quy chuẩn chung về thiết bị, vật tư hệ thống điện mặt trời; chi phí đầu tư cho điện mặt trời áp mái tương đối cao (khoảng 15 - 20 triệu đồng/1kWp). Vì vậy, số lượng các dự án điện mặt trời trên mái nhà được đầu tư trên địa bàn tỉnh tuy nhiều nhưng chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh.

Thời gian tới, ngoài những cơ hội và thách thức, Đồng Tháp sẽ tiếp tục tăng cường công tác tổ chức tuyên truyền và triển khai Chương trình hỗ trợ tư vấn phát triển năng lượng sạch, nhất là hệ thống điện mặt trời trên mái nhà, nhằm nâng cao nhận thức cho các hộ dân và các tổ chức trong việc đầu tư lắp đặt hệ thống này; tổ chức triển khai tốt Chương trình thúc đẩy phát triển điện mặt trời trên mái nhà tại Việt Nam giai đoạn 2019 - 2025 (theo Quyết định số: 2023/QĐ-BCT, ngày 5/7/2019 của Bộ Công Thương). Cùng với đó, phát triển các dự án điện mặt trời nối lưới theo hướng kết hợp với trồng cây nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản để làm tăng hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp mà không làm mất diện tích đất nông nghiệp.

Mẫn Nhy

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn