Thực hiện VietGAP cho cá tra vẫn còn nhiều khó khăn

Cập nhật ngày: 13/05/2015 13:53:24

Hiện nay, huyện Châu Thành là một trong những địa phương có diện tích nuôi cá tra tập trung lớn của tỉnh, với hơn 164ha mặt nước. Địa phương phấn đấu đến cuối năm nay, 100% diện tích ao nuôi đạt chứng nhận VietGAP. Tuy nhiên, để hoàn thành được mục tiêu này huyện cũng đang gặp nhiều khó khăn.


Nuôi cá tra theo quy trình VietGAP ở huyện Châu Thành

Giá cá tra xuất khẩu giảm cũng là một trong những nguyên nhân khiến người nuôi không mặn mà khi thực hiện nuôi theo quy trình VietGAP. Hiện nay, bên cạnh bộ phận nông dân ý thức được sự cần thiết của việc thực hiện VietGAP trong nuôi cá tra thương phẩm thì vẫn còn nhiều nông dân vẫn chưa mặn mà. Trong đó, nguyên nhân chính là sự tụt dốc của ngành cá tra xuất khẩu trong những năm gần đây.

Năm 2013, giá cá tra tụt dốc thảm hại, doanh nghiệp thu mua cá thấp hơn giá thành sản xuất khiến nhiều hộ thua lỗ, treo ao, nợ ngân hàng bạc tỷ. Mặc dù, từ giữa năm 2014, giá cá tra bắt đầu phục hồi nhưng số lượng hộ và diện tích ao nuôi cũng chưa được cải thiện, số hộ chăn nuôi được hưởng lợi từ đợt tăng giá này không nhiều. Giá cá tra xuất khẩu những tháng đầu năm 2015 vẫn không có nhiều cải thiện khi các nhà nhập khẩu tiếp tục đặt ra nhiều đạo luật và rào cản kinh tế khiến cho cá tra phi lê của Việt Nam gặp không ít khó khăn khi xuất khẩu sang thị trường EU, Mỹ. Hiện nay, giá cá tra nguyên liệu dao động từ 21.200 - 21.500 đồng/kg. Với mức giá này, người nuôi lỗ từ 1.000 - 1.500 đồng/kg. Bị thua lỗ liên tục, nên rất nhiều hộ chăn nuôi đã treo ao do không còn khả năng tái sản xuất. Vì vậy, việc vận động các hộ này thực hiện chăn nuôi theo quy trình VietGAP là một “nhiệm vụ bất khả thi”.

Bên cạnh đó, do giá cá tra đang xuống thấp, một số đơn vị thu mua lại chiếm dụng vốn dài hạn của người chăn nuôi gây ra nhiều khó khăn trong việc tái đầu tư sản xuất. Ông Lê Đình Châu ngụ ấp Tân Phú, xã An Nhơn, huyện Châu Thành cho biết: “Khoảng tháng 2, tôi xuất bán 4 ao cá tra trên 70 tấn, trị giá khoảng 1,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay tôi chỉ mới nhận được 600 triệu đồng từ đơn vị thu mua, số còn lại doanh nghiệp cứ hẹn lần và đã trễ hẹn so với hợp đồng hơn 2 tháng. Thiết nghĩ, nếu muốn nuôi cá tra theo hướng VietGAP cần phải tính tới chuyện liên kết đầu ra cùng doanh nghiệp. Khi thực hiện liên kết, người chăn nuôi có nhiệm vụ cung cấp nguồn nguyên liệu sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho doanh nghiệp. Còn doanh nghiệp cũng cần giữ uy tính với người chăn nuôi. Có như vậy thì nuôi theo hướng VietGAP mới bền vững và đúng ý nghĩa”.

Hiện nay, theo phản hồi từ bà con chăn nuôi, giá cá nguyên liệu nuôi theo quy trình thông thường và nuôi theo hướng VietGAP chưa có sự khác biệt, do đó chưa khuyến khích người nuôi thực hiện đúng theo tinh thần của Nghị định 36/2014/NĐ-CP ngày 29/04/2014, trong đó tại Điều 4, qui định đến ngày 31/12/2015, các cơ sở nuôi cá tra thương phẩm và doanh nghiệp phải áp dụng và được chứng nhận VietGAP hoặc chứng chỉ quốc tế phù hợp với pháp luật của Việt Nam.

Ông Lê Văn Tiên ngụ tổ 2, ấp Tân An, xã An Nhơn chia sẻ: “Về mặt lý luận, tiêu chuẩn VietGAP rất có lợi cho người tiêu dùng thế giới, kể cả nền công nghiệp chế biến cá tra trong nước hiện nay. Tuy nhiên, việc áp dụng theo quy trình này đòi hỏi người chăn nuôi phải tốn nhiều kinh phí cho đầu tư hạ tầng ban đầu, tốn công và thời gian ghi chép đầy đủ nhật ký sản xuất. Nhưng hiện nay, giá cá tra nuôi theo hướng VietGAP chưa cao hơn so với nuôi bình thường nên rất khó khuyến khích người nuôi thực hiện”.

Ông Lương Thanh Minh, Trưởng Trạm Thủy sản huyện Châu Thành cho biết: “Mặc dù hiện nay vẫn còn một số hộ nông dân chưa mặn mà với việc xây dựng quy trình VietGAP trong chăn nuối cá tra, tuy nhiên, VietGAP là quy phạm thực hành nông nghiệp tốt được xây dựng dựa trên 4 tiêu chí cơ bản là đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn môi trường, an toàn xã hội và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Do đó, việc áp dụng VietGAP là bước đi cần thiết nhằm đưa nghề nuôi cá tra vào khuôn khổ, đồng thời từng bước hướng tới những tiêu chuẩn quốc tế như SQF, GlobalGAP, ASC, BRC... nhằm xây dựng và bảo vệ thương hiệu cá tra Việt Nam trên thị trường quốc tế. Đây là hướng đi tất yếu để xây dựng chuỗi ngành hàng cá tra từng bước phát triển bề vững”.

Mỹ Lý

Đến nay, toàn huyện Châu Thành có 49 hộ với gần 50ha ao nuôi đã được cấp chứng nhận VietGAP. Ngoài ra, hiện nay huyện cũng đang tiến hành tư vấn và thuê công ty tiếp tục thẩm định và công nhận VietGAP cho các diện tích còn lại, chỉ tiêu phấn đấu đến cuối năm có 100% diện tích ao cá tra đạt chứng nhận VietGAP.
< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn