Thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng cơ bản

Cập nhật ngày: 09/03/2021 05:20:43

ĐTO - Giải ngân vốn đầu tư công cả năm 2020 là 3.475,578 tỷ đồng, đạt 75,35% thấp hơn so với cùng kỳ là 3,31% (năm 2019 đạt 78,66%). Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 của tỉnh là 3.929,809 tỷ đồng. Trong đó, đã phân bổ chi tiết 2.971,201 tỷ đồng (kể cả 34,5 tỷ đồng vốn ODA địa phương vay lại của Trung ương), đạt 76% kế hoạch. Số vốn còn lại chưa phân bổ 958,608 tỷ đồng. Tại hội nghị trực tuyến công tác đầu tư xây dựng cơ bản năm 2020 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2021, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa nhấn mạnh, các chủ đầu tư, các ngành, đơn vị liên quan nâng cao trách nhiệm, thực hiện quyết liệt các giải pháp đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án (DA), giải ngân vốn đầu tư công, nhất là tập trung phối hợp giải quyết các khó khăn.

Một trong những khó khăn hiện nay là theo Quyết định số 2185/QĐ-TTg ngày 21/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2021, do đặc thù năm 2021 triển khai khi chưa có kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được cấp có thẩm quyền thông qua, nên đối với các DA khởi công mới sử dụng vốn ngân sách Trung ương (489,069 tỷ đồng) sẽ được phân bổ sau khi Quốc hội khóa XV quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025. Cụ thể, các chương trình, DA khởi công mới phải hoàn thiện thủ tục đầu tư trước ngày 31/5/2021, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp vào kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định, bảo đảm có thể triển khai được ngay sau khi được cấp có thẩm quyền phân bổ, giao kế hoạch. Hồ sơ, thủ tục của các DA, công trình chưa đủ điều kiện phân bổ vốn (958,608 tỷ đồng) đến nay vẫn chưa đảm bảo theo quy định, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản đôn đốc các chủ đầu tư và danh mục DA dự kiến điều chỉnh theo chỉ đạo UBND tỉnh. Đối với vốn ngân sách tập trung cấp tỉnh quản lý còn lại 469,539 tỷ đồng chưa phân bổ, dự kiến hết tháng 3/2021, sẽ tiếp tục phân bổ cho các DA, công trình đảm bảo thủ tục vốn như: hỗ trợ phát triển đô thị khoảng 221 tỷ đồng, các trạm kiểm soát biên phòng 35 tỷ đồng, các công trình do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh thực hiện 12 tỷ đồng, đầu tư hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật đối với các cụm dân cư vượt lũ giai đoạn 1 trên địa bàn tỉnh 6,7 tỷ đồng, kho hiện vật Bảo tàng tổng hợp Đồng Tháp 6 tỷ đồng...; và các DA khác đang được chủ đầu tư khẩn trương hoàn chỉnh thủ tục để được bố trí kế hoạch vốn năm 2021.

Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, các sở, ban, ngành tỉnh là chủ đầu tư DA, công trình và UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm khẩn trương làm thủ tục với Kho bạc Nhà nước chuyển số vốn còn lại chưa giải ngân đến hết ngày 31/1/2021 sang năm 2021 theo quy định; nhanh chóng hoàn thành thủ tục đầu tư các DA dự kiến bố trí vốn kế hoạch năm 2021 (đợt 2) và triển khai thực hiện DA (kể cả các DA dự kiến sử dụng vốn xổ số kiến thiết nhưng chưa đủ điều kiện bố trí theo dự kiến tại Nghị quyết số 378/NQ-HĐND phải điều chỉnh loại bỏ giảm kế hoạch vốn); lập tiến độ và theo dõi sát tình hình thực hiện và giải ngân từng công trình, DA theo từng tháng, quý và có giải pháp thực hiện kèm theo, nhất là công tác tổ chức bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; thực hiện nghiêm chế độ báo cáo định kỳ và đột xuất để cấp thẩm quyền tháo gỡ khó khăn. Đồng thời đề xuất điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công khi cần thiết để đảm bảo giải ngân cao nhất. Một trong những giải pháp cần chú ý là kiên quyết xử phạt hợp đồng đối với các nhà thầu chậm tiến độ hoặc gia hạn nhiều lần; loại bỏ đơn vị tư vấn yếu kém dẫn đến hồ sơ chỉnh sửa nhiều lần, làm ảnh hưởng đến chất lượng hồ sơ của DA; thường xuyên trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành và địa phương trong quá trình thực hiện kế hoạch, quản lý đấu thầu nhằm bảo đảm tiến độ dự án.

TN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn