Tháp Mười: Tiên phong đẩy mạnh Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, hướng đến tăng trưởng xanh, bền vững

Cập nhật ngày: 10/07/2025 11:10:53

http://baodongthap.com.vn/database/video/20250710111221dt2-3.mp3

 

ĐTO - Với mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị hạt gạo và thích ứng với biến đổi khí hậu, xã Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp đang nỗ lực đi đầu trong việc triển khai “Đề án phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.


Thu hoạch lúa tại mô hình thí điểm canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp 
xã Láng Biển (cũ) - nay là xã Mỹ Quý

Hiện tại, xã Tháp Mười đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, khẳng định vị thế là một trong những địa phương đi đầu trong công cuộc chuyển mình cho ngành lúa gạo.

Tháp Mười là địa phương tiên phong áp dụng mô hình thí điểm canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp. Mô hình được triển khai lần đầu vào vụ thu đông 2024 (tháng 6/2024) tại Hợp tác xã Thắng Lợi (xã Láng Biển cũ). Đến nay, sau 3 vụ canh tác liên tiếp (thu đông 2024, đông xuân 2024 - 2025 và hè thu 2025), mô hình đều cho kết quả tích cực.

Cụ thể, mô hình không chỉ mang lại lợi nhuận cao hơn từ 4.977.700 - 7.050.000 đồng/ha mà còn giảm chi phí sản xuất từ 2.057.000 - 2.816.000 đồng/ha, giảm giá thành từ 525 - 832 đồng/kg so với canh tác truyền thống. Đặc biệt, việc không đốt rơm sau thu hoạch và bán rơm đã giúp nông dân tăng thêm thu nhập 400.000 đồng/ha, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính bình quân 3,13 - 4,92 tấn CO2e/ha/vụ.

Bên cạnh đó, mô hình còn được thực hiện tại Tổ hợp tác Mỹ Nam 2, xã Mỹ Quý (100ha) trong vụ đông xuân 2024 - 2025 cho thấy hiệu quả mang lại vượt trội. Nông dân được hỗ trợ 50% chi phí vật tư thiết yếu như giống, phân bón, Trichoderma phân hủy rơm rạ, cùng với ứng dụng công nghệ cơ giới hóa (máy sạ cụm/sạ hàng khí động học, Drone phun thuốc). Nhờ vậy, chi phí sản xuất giảm 4.386.200 đồng/ha, tổng thu tăng 2.540.000 đồng/ha, dẫn đến lợi nhuận cao hơn 6.926.200 đồng/ha, tăng 47,6% so với ruộng đối chứng.

Từ hiệu quả của các mô hình, trong năm 2025, địa phương dự kiến sẽ triển khai 16 mô hình với tổng diện tích 1.705ha, tập trung vào việc hỗ trợ vật tư, ứng dụng cơ giới hóa và chứng nhận VietGAP, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Song song với việc mở rộng diện tích, công tác đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng chuyên canh cũng được chú trọng. Tháp Mười đang rà soát nhu cầu xây dựng các công trình thuộc Đề án để đăng ký thực hiện nguồn vốn vay WB, hướng đến một hệ thống thủy lợi, giao thông đồng bộ, hiện đại, phục vụ hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp.


Phun thuốc bằng máy bay không người lái tại cánh đồng canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp

Đặc biệt, xã Tháp Mười xác định việc đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản là một chương trình trọng tâm, xuyên suốt. Trong 6 tháng đầu năm 2025, tổng diện tích liên kết tiêu thụ lúa đạt 17.985,2ha. Ước tính cả năm 2025, diện tích liên kết sẽ đạt 30% tổng diện tích xuống giống. Nhiều doanh nghiệp lớn đã tham gia liên kết, tạo đầu ra ổn định cho hạt gạo Tháp Mười, bao gồm: Công ty TNHH lúa gạo Việt Nam (Vinarice), Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, Công ty TNHH Hiếu Nhân...

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả bước đầu, Tháp Mười vẫn còn đối mặt với một số thách thức như: tỷ lệ thu gom rơm rạ còn thấp, thiếu kho trữ rơm lớn, tỷ lệ liên kết tiêu thụ chưa cao và thiếu vốn đầu tư cho cơ giới hóa. Để khắc phục những hạn chế này, xã Tháp Mười đề xuất tỉnh tiếp tục hỗ trợ kinh phí, xây dựng cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp, tăng cường nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao, đồng thời hỗ trợ phát triển hệ thống logistics.

Đến cuối năm 2025, Tháp Mười đặt ra những phương hướng cụ thể: tiếp tục tuyên truyền về lợi ích của vùng lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh; hướng dẫn sản xuất nông sản an toàn, hữu cơ, theo tiêu chuẩn VietGAP, SRP và truy xuất nguồn gốc; đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống thủy lợi và hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác kêu gọi doanh nghiệp liên kết, đảm bảo cung cấp vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm.

Với sự nỗ lực đồng bộ từ chính quyền đến người nông dân, Tháp Mười đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu của Đề án 1 triệu hecta lúa, không chỉ góp phần nâng cao đời sống cho nông dân mà còn xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững, góp phần khẳng định thương hiệu lúa gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Mỹ Nhân

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn