Tháo gỡ khó khăn trong phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long và TP.Hồ Chí Minh

Cập nhật ngày: 01/08/2020 23:14:33

ĐTO - Ngày 1/8, tại TP.Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị làm việc với lãnh đạo các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và TP.Hồ Chí Minh nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, giải ngân thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho vùng.

Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, lãnh đạo một số Bộ, ngành trung ương cùng lãnh đạo 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL và TP.Hồ Chí Minh. Về phía tỉnh Đồng Tháp, có Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa tham dự.


Đồng Tháp thành lập Trung tâm Giới thiệu trưng bày Đặc sản và Du lịch Đồng Tháp tại Hà Nội để giới thiệu quảng bá sản phẩm đặc sản địa phương

Phát biểu khai mạc tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, hiện nay, việc thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa đẩy mạnh sản xuất kinh doanh để không đứt gãy nền kinh tế đặt ra càng nặng nề hơn với tất cả chúng ta và vùng ĐBSCL. Càng khó khăn, chúng ta càng phải quyết tâm mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa để thực hiện tốt mục tiêu kép.

ĐBSCL có trên 20 triệu dân, với vị thế chiến lược, điều kiện tốt về kinh tế, Thủ tướng mong muốn ĐBSCL cần phấn đấu quyết liệt để đóng góp cho cả nước và giải quyết đời sống nhân dân. Đây không chỉ là cứ điểm chiến lược về nông nghiệp, vùng sản xuất lúa gạo, trái cây, thủy sản  mà còn là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế cả nước.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu thảo luận thẳng thắn, không chỉ nêu những khó khăn mà còn thông tin giải pháp để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2020 ở địa phương mình, ngành mình một cách bứt phá. Đối với công tác chống dịch, các địa phương không được chủ quan.

6 tháng đầu năm 2020, vùng ĐBSCL phải đối mặt với những khó khăn, thách thức chưa từng có. Tăng trưởng kinh tế trung bình của vùng chỉ đạt 1,2% trong khi cả nước tăng 1,81%. Có 8/13 tỉnh tăng trưởng tương đương, trong đó, Đồng Tháp đạt 3,41%; Bạc Liêu hơn 2%; An Giang, Cần Thơ, Long An, Vĩnh Long tăng trưởng hơn 1%; 5/13 địa phương còn lại tăng trưởng âm. Công nghiệp - xây dựng tăng 6,16%, các sản phẩm chủ lực của vùng chiếm tỷ trọng lớn và tiếp tục đà tăng trưởng. Đến ngày 30/6, giải ngân vốn đầu tư công của vùng ĐBSCL đạt trên 19 ngàn tỷ đồng, đạt 34,9%, cao hơn mức bình quân chung của cả nước là 33,9%.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho rằng, trong điều kiện khó khăn chung, tỉnh giữ mức tăng trưởng kinh tế đạt 3,41%, đứng tốp đầu các tỉnh trong vùng. Đây là sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp (DN) và người dân. Thời gian qua, tỉnh đẩy mạnh kết nối thị trường nội địa theo định hướng của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tỉnh đã khai trương Trung tâm Giới thiệu trưng bày Đặc sản và Du lịch Đồng Tháp tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh. Đây là chủ trương phát triển thị trường nội địa gắn với nắm bắt tín hiệu thị trường, để điều chỉnh sản xuất phù hợp cho các hợp tác xã, DN trong tỉnh. Mặc dù chỉ là bước khởi đầu nhưng doanh số kinh doanh tăng cao, nhiều khoảng đứt gãy chuỗi cung ứng được nhận dạng và khắc phục kịp thời. Từ các trung tâm này, các hợp tác xã, DN tự tin hơn khi ra thị trường lớn, đáp ứng tốt hơn các nhu cầu đa dạng và chủ động cắt giảm chi phí không cần thiết. Đồng thời, tỉnh chuẩn bị kết nối hàng hóa đến các siêu thị, trung tâm thương mại, các chợ đầu mối tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan, trong đại dịch Covid-19 không địa phương nào có thể tự cho mình nằm trong vùng an toàn thì khi giai đoạn phục hồi nhanh và phát triển bền vững cũng không tỉnh nào có thể đóng khung kế hoạch phát triển trong không gian địa lý của riêng mình. Chúng ta đã có chủ trương liên kết phát triển du lịch thì không lý do gì các tỉnh trong vùng không thể liên kết phát triển kinh tế, từng ngành hàng nông sản, liên kết hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực. Trong thời gian tới, Đồng Tháp sẽ tiếp tục thực hiện hóa liên kết tiểu vùng Đồng Tháp Mười và thúc đẩy liên kết với các địa phương xung quanh như An Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long.

Bên cạnh đó, Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan cũng đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề tăng cường hỗ trợ, đẩy mạnh thực hiện các mô hình hợp tác công tư (PPP) trong nông nghiệp nhằm thúc đẩy và phát triển chuỗi liên kết và tiêu thụ nông sản. Theo đó, Chính phủ cần ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể đi kèm với các điều kiện ràng buộc pháp lý chặt chẽ nhằm khuyến khích nông dân, hợp tác xã và DN chủ động, tích cực tham gia liên kết để phát triển bền vững. Đồng thời, vận đồng thành lập các Hiệp hội ngành hàng trái cây nông sản với sự tham gia của DN nông nghiệp, nông dân, nhà khoa học, chuyên gia thị trường, cơ quan quản lý chuyên ngành. Hiệp hội sẽ là nơi dự báo phân tích, thông tin thị trường đưa ra những sáng kiến mới, mô hình nông nghiệp hiện đại, giới thiệu các công nghệ mới trong hoạt động nông nghiệp.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần hỗ trợ thành lập các trung tâm phân loại, bảo quản, chế biến nông sản tại các địa phương sản xuất cây ăn trái theo quy mô lớn. Trung tâm này có vai trò là cầu nối giữa nông dân và DN, giữa sản xuất và thị trường...

KHÁNH PHAN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn