Thanh niên thành công với mô hình trồng dưa lưới theo hướng an toàn

Cập nhật ngày: 31/10/2019 05:59:04

ĐTO - Với tâm huyết khởi nghiệp từ nông nghiệp công nghệ cao, từ năm 2018, anh Nguyễn Thế Ngoan Vinh – chủ vườn dưa lưới Song Vinh (xã Tân Thành, huyện Lai Vung) đã chuyển đổi toàn bộ diện tích sản xuất lúa sang trồng dưa lưới theo hướng an toàn. Sau nhiều lần thử nghiệm, bước đầu sản phẩm dưa lưới Song Vinh đã được thị trường đón nhận với trái đẹp, đồng đều và đảm bảo an toàn.


Anh Nguyễn Thế Ngoan Vinh luôn chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp

Muốn phát huy truyền thống làm nông nghiệp của gia đình, anh Nguyễn Thế Ngoan Vinh quyết tâm theo học Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ. Trong quá trình học tập, anh Vinh luôn tìm hiểu và nghiên cứu nhiều về quy trình sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao và luôn nuôi dưỡng mơ ước khởi nghiệp từ các kiến thức đã học. Sau khi ra trường, anh Vinh từ chối rất nhiều lời mời làm việc của công ty, doanh nghiệp lớn ở TP.Cần Thơ để trở về quê canh tác nông nghiệp. Qua nhiều lần tìm hiểu, anh Vinh quyết định chọn trồng dưa lưới trong nhà màng để khởi nghiệp.

Được sự hỗ trợ của gia đình, anh Vinh mạnh dạn đầu tư nhà màng khép kín trồng hơn 3.000 gốc dưa lưới trên diện tích 2.800m2. Trong nhà màng có hệ thống phun tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel. Mô hình cũng có thêm hệ thống nhà ươm cây giống, chứa vật tư, thay giá thể... với tổng kinh phí khoảng 1,5 tỷ đồng.

Nhờ chăm sóc đúng quy trình, theo dõi chặt chẽ chế độ dinh dưỡng nên vườn dưa lưới của anh Vinh phát triển rất tốt. Chỉ sau hơn 70 ngày trồng, vườn dưa lưới đã cho thu hoạch khoảng 3 – 3,5 tấn trái, trọng lượng trái từ 1 – 1,2kg.

Do được trồng với quy trình khá bài bản nên hình thức sản phẩm dưa lưới của anh Vinh rất đẹp. Có được thành quả này là nhờ vào sự bảo đảm tuân thủ theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt cũng như kỹ thuật từ khâu làm đất, xuống giống cho đến nguồn nước tưới. Theo đó, một trái dưa lưới vào đúng lứa thu hoạch có trọng lượng hơn 1kg, còn những trái thụ phấn trễ hơn thì anh Vinh cho thu hoạch vào đợt sau.

Dưa lưới được trồng trong hệ thống nhà màng không có sâu bệnh nên không sử dụng thuốc hóa học. Kỳ công hơn, để đảm bảo cho tỷ lệ trái đậu cao, anh Vinh thực hiện thao tác thụ phấn hoa cho cây dưa lưới bằng tay. Vì vậy, tỷ lệ đậu trái của vườn đạt hơn 80%. Vì trồng trong nhà màng nên anh Vinh có thể canh tác quanh năm. Dưa lưới từ khi trồng đến khi ra trái mất khoảng 3 tháng chăm sóc. Mỗi cây dưa lưới có thể ra khoảng 8 trái nhưng để đảm bảo chất lượng, anh Vinh chỉ chừa lại khoảng 3 – 4 trái/cây. Tuy nhiên, việc trồng dưa lưới trong nhà màng cũng có khó khăn nhất định do chi phí tương đối lớn; việc phát triển mô hình trồng dưa lưới đòi hỏi công chăm sóc phải tỉ mỉ; người trồng phải biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất mới có thể thành công...

Đến nay, sau gần 5 vụ sản xuất dưa lưới, anh Nguyễn Thế Ngoan Vinh đã có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất và tìm được thị trường tiêu thụ khá ổn định. Theo anh Vinh, mặc dù vốn đầu tư ban đầu rất cao nhưng bù lại mô hình cho thu nhập ổn định. Mặt khác, thời gian sinh trưởng của cây dưa lưới tương đối ngắn có thể canh tác 3 – 4 vụ/năm, nên khả năng thu hồi vốn đầu tư ban đầu nhanh. Anh nhận định, mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng có nhiều triển vọng về hiệu quả kinh tế, góp phần tạo điều kiện cho người dân các khu vực nông thôn tiếp cận nông nghiệp công nghệ cao. Từ đó, góp phần tạo điều kiện thay đổi tập quán sản xuất cũ, tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Không chỉ tự làm giàu, anh Vinh còn hỗ trợ cho những hộ dân lân cận về kỹ thuật canh tác dưa lưới trong nhà màng.

Khánh Phan

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn