Huỳnh Ngọc Như

Tạo thêm sức bật cho làng nghề dệt khăn choàng

Cập nhật ngày: 17/10/2016 14:00:47

ĐTO - Với Dự án “Sản xuất và kinh doanh các sản phẩm handmade (làm bằng tay) ứng dụng từ chất liệu vải dệt của làng nghề dệt khăn choàng Long Khánh A, huyện Hồng Ngự”, cô sinh viên trẻ Huỳnh Ngọc Như (SN 1994), sinh viên năm 4, ngành Quản lý văn hóa, Trường Đại học Đồng Tháp đã góp phần giữ gìn và phát triển làng nghề dệt khăn choàng trăm tuổi quê mình.


Huỳnh Ngọc Như và các sản phẩm làm từ vải dệt khăn choàng

Ngọc Như sinh ra và lớn lên tại làng nghề dệt khăn choàng Long Khánh A (ở xã Long Khánh A) nên có nhiều ký ức tuổi thơ và tình yêu đặc biệt với những chiếc khăn choàng. Trước kia, Như thường mang khăn choàng gửi tặng bạn bè nhằm giới thiệu sản phẩm của quê mình. Cách đây khoảng 1 năm, Như tham gia Câu lạc bộ Thanh niên với đặc sản Đồng Tháp và mang sản phẩm của làng nghề bán tại các kỳ hội chợ, phiên chợ do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức. Bằng cả tình yêu, sự sáng tạo cùng nhiệt huyết của tuổi trẻ, Như đã nghĩ ra và thực hiện ý tưởng lấy khăn để may áo nhằm đa dạng hóa các sản phẩm từ vải dệt khăn.

Ngọc Như cho biết: “Loại vải dệt của làng nghề truyền thống quê mình rất đặc biệt. Vải được làm từ phương pháp thủ công, từ sợi nguyên liệu, thành phần chính là coton, sẽ được nấu hồ, nhuộm màu bằng những bí quyết dân gian. Những tấm khăn choàng của làng nghề rất bền, chắc, màu không bị phai khi gặp chất tẩy rửa, độ mềm vừa phải nhưng thấm hút cao, khi giặt lại nhanh khô. Loại vải như thế là nguyên liệu khá lí tưởng để sản xuất nhiều sản phẩm khác, chứ không đơn thuần chỉ có khăn choàng”.

Tuy nhiên, loại vải này có nhược điểm là các sợi chỉ dễ bị bung ra, để trở thành nguyên liệu may mặc không dễ dàng nếu không muốn nói là không thể. Nhưng Ngọc Như đã tìm ra được phương pháp khắc phục nhược điểm trên nên việc may mặc dễ dàng hơn và sản phẩm chiếm được ưu thế vượt trội. Ngọc Như đã sáng tạo, thiết kế và cho ra đời các sản phẩm làm từ chất liệu vải dệt khăn như váy, áo dài, áo dài cách điệu, vỏ gối, màn cửa sổ... Ngoài ra, Ngọc Như tiếp tục cho ra đời và thăm dò ý kiến khách hàng các sản phẩm khác như: áo bà ba, trang phục cho bé, ví cầm tay, balo, nón, túi xách...

Các sản phẩm làm từ chất liệu vải dệt khăn choàng được Ngọc Như giới thiệu, quảng bá thông qua mạng xã hội; tại các kỳ hội chợ, phiên chợ do Trung tâm BSA cũng như địa phương tổ chức; ký gửi tại các khu, điểm du lịch nhằm hướng đến đối tượng du khách trong và ngoài nước... Để thu hút khách hàng, Ngọc Như đề ra kế hoạch sẽ có chính sách khuyến mãi như tặng kèm băng-đô, móc khóa khi khách hàng mua các sản phẩm; có phiếu tích lũy điểm mua hàng và chính sách ưu đãi cho khách hàng thân thiết. Dần dần, các sản phẩm handmade làm từ chất liệu vải dệt khăn choàng được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến.

Bạn Huỳnh Ngọc Như vừa đạt giải Khuyến khích trong cuộc thi Dự án khởi nghiệp năm 2016 do Trung tâm BSA phối hợp Quỹ phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam (SVF) tổ chức với Dự án “Sản xuất và kinh doanh các sản phẩm handmade ứng dụng từ chất liệu vải dệt của làng nghề dệt khăn choàng Long Khánh A, huyện Hồng Ngự”. Theo Ngọc Như, đây là một trong những giải pháp nhằm nâng cao giá trị sử dụng vải dệt khăn choàng từ làng nghề truyền thống; là cách để quảng bá hình ảnh làng nghề dệt khăn choàng Long Khánh A vốn từng có nguy cơ bị mai một và hiện nay đã trở thành một trong những di sản văn hóa của tỉnh Đồng Tháp. Đồng thời, mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm tiện ích, có giá trị thẩm mĩ, không ảnh hưởng tới sức khỏe và góp phần giải quyết việc làm cho một số lao động ở địa phương.

NHỰT AN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn