Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Nha Mân

Sản xuất đi đôi với lợi ích xã viên

Cập nhật ngày: 24/03/2021 14:09:44

ĐTO - Nhằm nâng cao chuỗi giá trị trong nông nghiệp, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) Nha Mân (xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành) đã lựa chọn sản xuất lúa theo hướng VietGAP để tạo ra những sản phẩm đẹp về mẫu mã, bảo đảm về chất lượng. Mô hình sản xuất lúa theo hướng bền vững này vừa góp phần giúp nông dân ổn định đầu ra, vừa nâng cao việc bảo vệ môi trường.


Các thành viên Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Nha Mân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phát hiện sâu bệnh

Xây dựng quy trình chuẩn trong sản xuất

Được thành lập từ tháng 9/2018, HTX DVNN Nha Mân hiện có 63 thành viên, tổng diện tích sản xuất hơn 54ha; tổng nguồn vốn hoạt động khoảng 200 triệu đồng. Đây là mô hình đi lên từ Tổ hợp tác Sản xuất lúa và Dịch vụ nông nghiệp Hòa Hưng.

Xác định mục tiêu nâng cao giá trị hạt gạo, HTX DVNN Nha Mân xây dựng chuỗi hoạt động khép kín từ tổ chức nhân sự đến thành phẩm cho ra thị trường. Trong đó, ngoài những nông dân trực tiếp sản xuất, còn có các thành viên là kỹ sư nông nghiệp, nhà phân phối giống, phân bón và bộ phận kinh doanh, kế toán... đáp ứng tốt yêu cầu hoạt động sản xuất và kinh doanh của đơn vị.

Ông Huỳnh Hoàng Hưng - Giám đốc HTX DVNN Nha Mân cho biết: “Để đảm bảo thống nhất cho tất cả thành viên, đơn vị xây dựng một quy trình sản xuất từ khâu gieo sạ đến thành phẩm. Theo đó, khi tham gia sản xuất tại đơn vị, nông dân phải thường xuyên theo dõi quá trình sinh trưởng, ghi chép lại đầy đủ quá trình phát triển của cây lúa; áp dụng đầy đủ các giải pháp kỹ thuật “1 phải 5 giảm” (phải dùng giống lúa được xác nhận - giảm lượng nước vừa đủ, giảm thất thoát sau thu hoạch, giảm lượng giống gieo sạ, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm phân bón) để vừa tăng hiệu quả sản xuất, giảm chi phí vừa cải thiện môi trường đồng ruộng...”.

Là một trong những thành viên tham gia từ ngày đầu thành lập HTX, ông Phạm Thanh Long chia sẻ: “Từ đầu vụ, HTX họp thành viên chốt ngày gieo sạ, tập huấn đầu vụ, khuyến cáo nông dân sử dụng lúa giống phải cấp xác nhận; đưa ra quy trình cho nông dân nắm và cập nhật. Trong quá trình sản xuất, cán bộ kỹ thuật thăm đồng thường xuyên để kịp thời phát hiện sâu bệnh. Đến nay, tôi áp dụng được 3 vụ lúa, năng suất tăng khoảng 20% và chi phí đầu vào giảm 30 - 40%/vụ so với phương thức sản xuất cũ. Hơn thế, lúa sau khi thu hoạch được thu mua với giá cao hơn thị trường”.

Theo bà Trương Thị Kim Ngân - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, qua hơn 2 năm hoạt động, HTX DVNN Nha Mân bước đầu đạt được một số kết quả nhất định, tạo được sự đồng thuận, thống nhất giữa các thành viên. Đặc biệt việc mua chung, bán chung, thực hiện quy trình sản xuất lúa chất lượng cao và an toàn nhằm tạo ra chuỗi liên kết lúa gạo khép kín.

Xây dựng thương hiệu gạo Nha Mân

Để mang lại hiệu quả kinh tế và nâng cao giá trị hạt gạo, HTX Nha Mân xây dựng thương hiệu “Gạo thơm đặc sản Nha Mân” cung ứng cho thị trường. Để đảm bảo chất lượng, trước khi thu hoạch, HTX cử cán bộ đến lấy mẫu thử để kiểm tra tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên lúa. Sau đó, lúa sẽ được mang đi xay xát, sơ chế, đóng gói và hút chân không. Mỗi sản phẩm đều được dán nhãn “Gạo thơm đặc sản Nha Mân” cùng với mã code để người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc.

Đến nay, sau 3 năm hoạt động, thương hiệu “Gạo thơm đặc sản Nha Mân” của HTX DVNN Nha Mân đã ổn định được sản lượng và đảm bảo chất lượng. Sản phẩm đã đến tay người tiêu dùng trong tỉnh và các tỉnh miền Đông Nam bộ, miền Trung... Song song đó, HTX cũng liên kết với Công ty TNHH MTV Lương thực Hồng Tân để cung ứng gạo phục vụ nhu cầu xuất khẩu. Mỗi năm, Công ty Hồng Tân thu mua khoảng 120 tấn lúa cho đơn vị.

Ông Hưng chia sẻ thêm: “Để đảm bảo chất lượng, đơn vị thường xuyên nhắc các thành viên sản xuất theo qui trình của doanh nghiệp thu mua nhằm giữ uy tín và làm ăn lâu dài. Trong đó, áp dụng đúng danh mục thuốc công ty cho phép, đảm bảo an toàn cách ly sản phẩm trước khi thu hoạch; sản xuất bảo đảm độ thuần của giống trên một diện tích... và nhiều tiêu chuẩn khác. Nhưng bù lại, nông dân bán cho doanh nghiệp giá cao và ổn định so với thị trường bên ngoài”.

Ông Hà Thanh Phúc - thành viên HTX cho biết: “Đến nay, nông dân như tôi chỉ lo sản xuất mà không cần suy nghĩ vấn đề đầu ra. Vì khi thu hoạch lúa xong, xã viên sẽ được bán lúa trực tiếp cho doanh nghiệp, bớt được vài khâu trung gian và giá bán lúa cũng được nâng lên so với khi còn sản xuất riêng lẻ”.


Thương hiệu “Gạo thơm đặc sản Nha Mân” được thiết kế bao bì, nhãn mác bắt mắt

Ông Huỳnh Hoàng Hưng - Giám đốc HTX DVNN Nha Mân cho biết: “Thời gian tới, đơn vị tiếp tục phát huy những việc đã làm được, đồng thời chủ trương mở rộng diện tích liên kết với các địa phương nhằm giúp nông dân có đầu ra ổn định, đảm bảo đời sống kinh tế. Cùng với đó, tiếp tục xây dựng quy trình giảm lượng giống, phân bón để mang lại thêm nhiều lợi nhuận cho nông dân; tìm kiếm thêm thị trường đầu ra; đa dạng hóa giống lúa để hướng tới làm thêm nhiều sản phẩm gạo cho thị trường”.

Bà Trương Thị Kim Ngân - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành cho biết: “Với những cách nghĩ mới trong sản xuất, HTXDVNN Nha Mân đã tạo làn gió mới trong mô hình kinh tế tập thể tại địa phương. Với những nỗ lực này, trong năm 2020, sản phẩm “Gạo thơm đặc sản Nha Mân” được UBND tỉnh Đồng Tháp công nhận đạt chuẩn 3 sao Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Huyện tiếp tục hỗ trợ đơn vị xây dựng thương hiệu, ưu tiên hỗ trợ người dân mở rộng diện tích. Huyện tuyên truyền để nông dân trên địa bàn huyện hiểu và áp dụng phương thức sản xuất mới này vào canh tác”.

TRANG HUỲNH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn