Rà soát, đánh giá để công bố dịch bệnh trên cây có múi

Cập nhật ngày: 19/02/2020 06:22:33

ĐTO - Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương tại buổi họp đánh giá kết quả thực hiện các giải pháp khắc phục hiện tượng vàng lá thối rễ, chết xanh trên cây có múi và kế hoạch khôi phục vườn quýt Lai Vung, sáng ngày 18/2.


Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương (người ngồi thứ tư hàng đầu từ bên phải) tại buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Lai Vung và các nhà vườn trồng quýt

Theo đó, Chủ tịch Nguyễn Văn Dương yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) rà soát tất cả các biên bản để tham mưu UBND tỉnh về việc công bố dịch bệnh trên cây có múi; các sở, ngành liên quan gồm Sở NN&PTNT, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ và huyện Lai Vung phối hợp bàn các giải pháp thực hiện Đề án ứng phó. Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT làm đầu mối lấy mẫu phân tích những loại phân hữu cơ nông dân đang sử dụng để có khuyến cáo chọn loại phân nào phù hợp; thông báo trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng về tình hình dịch bệnh trên cây có múi và các giải pháp ứng phó.

Cùng với việc công bố dịch phải phải kèm theo các chính sách hỗ trợ bà con nông dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây có múi.


Trước tình hình dịch bệnh trên cây có múi, UBND huyện Lai Vung phối hợp với Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh triển khai 5 mô hình trình diễn khắc phục hiện tượng vàng lá, thối rễ, chết xanh trên cây có múi trên địa bàn. Trong đó, mô hình tại vườn ông Nguyễn Văn Đầy có dấu hiệu cây phục hồi tốt nhất

Theo Chủ tịch UBND tỉnh, lý do công bố dịch bệnh trên cây có múi đó là hiện nay dịch bệnh không chỉ xuất hiện trên cây quýt hồng mà đã lan rộng ra các loại cây trồng khác, tại các địa phương khác. Chính vì vậy, việc rà soát công bố dịch bệnh trên cây có múi nhằm để người dân có giải pháp ứng phó kịp thời, đồng thời chính quyền địa phương cùng vào cuộc để hỗ trợ người dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, diện tích cây có múi toàn tỉnh hiện là 8.077,42ha. Hiện tượng cây có múi nhiễm bệnh vàng lá thối rễ xảy ra vào năm 2016 nhưng gây thiệt hại mạnh vào năm 2018. Trong đó, diện tích nhiễm bệnh nhiều nhất là tại huyện Lai Vung với 4.839ha (chiếm 90% diện tích cây có múi), chủ yếu trên các loại cây quýt hồng, quýt đường, cam xoàn, cam sành, cam dây.

Bước đầu xác định nguyên nhân gây ra hiện tượng vàng lá thối rễ là do đất canh tác bạc màu, lạm dụng bón phân hóa học, không bón phân hữu cơ; việc lớp đất đã tạo nên lớp nén dẽ cơ học, tạo ra vật liệu sinh phèn. Cùng với đó, đất bị nén dẽ, pH đất thấp rễ không ăn sâu, đất thoát nước kém, cây suy yếu tạo điều kiện chính do nấm Fusarium, Phythopthora, tuyến trùng phát triển tấn công vào bộ rễ làm cây chết.

Theo lãnh đạo UBND huyện Lai Vung, hầu hết diện tích cây có múi trên địa bàn huyện đều bị nhiễm bệnh vàng lá, thối rễ nặng trên nền liếp trồng canh tác lâu năm; tình trạng đất bị suy thoái; vi sinh vật gây hại trong đất phát phát triển mạnh. Do đó, việc triển khai khai thực hiện các giải pháp khắc phục sẽ gặp nhiều khó khăn, khả năng phục hồi sẽ diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, hiện nay, nhà vườn có khuynh hướng chọn một số cây khác thay thế. Vì vậy, việc vận động khôi phục, phát triển mới vườn cây ăn trái sẽ gặp nhiều khó khăn.

Trước tình hình trên, UBND huyện Lai Vung đề xuất kế hoạch hỗ trợ nông dân thực hiện 2 phương án theo Sở NN&PTNT, cụ thể: phương án 1 công bố dịch bệnh vàng lá thối rễ, chết xanh trên cây có múi với sự hỗ trợ về phân hữu cơ, giống, hỗ trợ xeo đất, nấm Trichoderma; phương án 2, để giải quyết yêu cầu trong sản xuất, hiện nay hơn 7.000ha diện tích cây ăn trái của huyện đã hình thành 25 tổ hợp tác sản xuất, tất cả các tổ hợp tác này đều cần những phương tiện cơ giới để thực hiện các yêu cầu trong sản xuất như máy xeo đất, máy nghiền phân hữu cơ, dụng cụ chiết cành...  

MN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn