Phòng, chống bệnh đạo ôn gây hại trên lúa thu đông

Cập nhật ngày: 24/07/2015 12:23:40

Những ngày qua, thời tiết liên tục có mưa ẩm là điều kiện thuận lợi để bệnh đạo ôn phát sinh gây hại trên lúa thu đông. Chính vì vậy, các địa phương trong tỉnh cần chủ động, thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phòng trừ sâu bệnh kịp thời.


Nông dân sử dụng thuốc theo nguyên tắc 4 đúng để hạn chế bệnh đạo ôn

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh Đồng Tháp, hiện toàn tỉnh đã hoàn thành việc xuống giống vụ lúa thu đông theo kế hoạch 100.000ha. Vụ lúa thu đông năm nay được xác định là gặp nhiều khó khăn hơn những vụ lúa khác, đáng chú ý là sự xuất hiện của bệnh đạo ôn.

Những năm gần đây, nông dân trong tỉnh làm tốt việc xử lý các biện pháp phòng ngừa bệnh đạo ôn nên tỷ lệ hạt lúa được nâng lên khá nhiều. Ông Trần Thanh Tâm- Trưởng phòng BVTV Chi cục BVTV tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Nguyên nhân do thời tiết ẩm độ cao, xuất hiện sương mù. Ngoài ra, mật độ gieo sạ dày cùng với việc bón phân thừa đạm cũng là điều kiện thuận lợi để bệnh phát sinh. Tác động trực tiếp của đối tượng dịch hại này trên lúa là gây tổn thương lá, thân, hạt, làm cho cây chậm phát triển, giảm dần năng suất, chất lượng hạt kém và gãy thân”.

Bệnh đạo ôn trên lúa thường phát triển mạnh vào mùa mưa. Nguyên nhân chính của bệnh do nấm Pyricularia Oryzae gây ra. Bệnh bộc phát trong điều kiện mật độ gieo sạ dày, tán lúa càng rậm, ẩm độ trên ruộng cao. Nông dân nên chú ý các triệu chứng của bệnh đạo ôn như khi mới xuất hiện trên lá, bệnh gây hại chủ yếu giai đoạn mạ - đẻ nhánh. Lúc đầu vết bệnh chỉ là những chấm nhỏ, màu xanh xám. Trên cổ lá, thân và cổ bông khi phát bệnh sẽ có màu xanh xám sau chuyển sang nâu, do nấm tấn công vào mạch dẫn gây cản trở việc vận chuyển các chất dinh dưỡng nuôi lá, thân và hạt làm cho lá, thân dễ gãy, hạt bị lép. Trên hạt, bệnh xảy ra vào giai đoạn trổ, triệu chứng bệnh là vết bệnh trên hạt có dạng mắt én, viền nâu, tâm xám trắng. Nếu bệnh tấn công sớm sẽ làm hạt bị lép, lửng.

Theo Chi cục BVTV tỉnh, bệnh đạo ôn lúa rất khó trị khi không phát hiện sớm, bởi vì lúc này, toàn thân cây lúa đã bị mầm bệnh tấn công. Để phòng ngừa các loại nấm gây hại, nông dân phải chọn giống tốt trước khi gieo sạ, có thể kết hợp để chọn giống có tính kháng bệnh đạo ôn phù hợp với điều kiện địa phương. Phải gieo với mật số vừa phải, không gieo sạ dày kết hợp với việc bón phân cân đối, không bón thừa đạm. Sau thu hoạch nên vệ sinh đồng ruộng kỹ và bón các hoạt chất dinh dưỡng để trả lại chất hữu cơ cho đất. Song song đó, nông dân khi sử dụng thuốc hóa học phải theo nguyên tắc 4 đúng và phải theo hướng dẫn ghi trên bao bì.

Ông Trần Thanh Tâm cho rằng: “Cùng với kỹ thuật canh tác, nông dân nên chú ý việc sử dụng thuốc hóa học cũng là giải pháp rất cần thiết nhằm ngăn chặn sự phát triển của bệnh đạo ôn. Bên cạnh đó, nên kiểm tra ruộng đồng thường xuyên để phát hiện bệnh sớm và có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Để phòng ngừa bệnh đạo ôn lúa cần xử lý đất đai thật kỹ trước khi gieo sạ, nên xuống giống với mật độ vừa phải, bón phân cân đối...”.

Nhật Khánh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn