Phát huy sức mạnh chuỗi liên kết nông sản trong mùa dịch

Cập nhật ngày: 22/07/2021 16:41:33

ĐTO - Trong khi nhiều nông sản gặp khó khăn trong cả khâu sản xuất lẫn tiêu thụ thì mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị có liên kết, sản xuất của các hợp tác xã (HTX), nông dân trên địa bàn tỉnh lại tiêu thụ rất hiệu quả. Đó là nhờ vào sự minh bạch về nguồn gốc và gắn chặt trách nhiệm với người sản xuất...


Mặc dù giá hành có lúc xuống thấp từ 8.000 - 10.000 đồng/kg, nhưng nhờ Hợp tác xã ký hợp đồng với Co.opmart nên hành vẫn giữ ổn định mức 32.000 đồng/kg

Sản xuất rau sạch không lo đầu ra

Từ cuối năm 2020, đầu năm 2021 đến nay, dịch bệnh covid-19 diễn biến vô cùng phức tạp khiến không ít mặt hàng nông sản điêu đứng trước cảnh “được mùa mất giá”. Thế nhưng cụm từ “giải cứu nông sản” lại gần như không xuất hiện ở HTX Sản xuất - Tiêu thụ rau rau an toàn xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự - nơi được xem là vựa rau lớn nhất tỉnh với 160ha. Bởi rau an toàn nơi đây đã liên kết, tiêu thụ được tại hệ thống siêu thị Co.opMart trên địa bàn tỉnh.

Ông Dương Minh Sang, Giám đốc HTX Sản xuất - Tiêu thụ rau an toàn xã Long Thuận cho biết, từ đầu năm 2020, HTX và hệ thống siêu thị Co.opmart trên địa bàn tỉnh đã thiết lập một mối liên kết qua lại rất bền vững. Theo đó, trung bình mỗi ngày, HTX cung cấp 1,2-1,5 tấn rau tươi các loại cho siêu thị. Các nhóm rau được ký kết tiêu thụ gồm: cải xanh, cải ngọt, rau dền, củ cải, hành, rau muống... Để được cung cấp cho siêu thị Co.opmart, sản phẩm rau của HTX phải được cấp chứng nhận VietGAP.


Rau sau khi thu hoạch được sơ chế hoàn chỉnh mới giao đến siêu thị

Chính vì thế, từ cuối năm 2020 đến nay, mặc dù có ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19, các hoạt động kinh doanh ít nhiều bị ngừng trệ, nhưng Co.opmart luôn giữ đúng hợp đồng đã ký kết với HTX. Đặc biệt, giai đoạn cao điểm (từ ngày 10-13/7/2021, trước thời điểm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ Tướng chính phủ trên địa bàn tỉnh), nhu cầu hàng hóa của người dân tăng cao, khoảng 100% so với ngày thường. Tuy nhiên, do đã ký kết hợp đồng với siêu thị nên HTX vẫn đảm bảo cung ứng đủ sản lượng - khoảng 2,5 - 3,5 tấn/ngày. “Có ngày phải chạy giao 3 lần, đến 11 giờ khuya mới xong, thế nhưng HTX vẫn đảm bảo đúng sản lượng cung ứng cho siêu thị”, ông Sang chia sẻ.

Hiện tại, HTX Sản xuất - Tiêu thụ rau an toàn xã Long Thuận có khoảng 160ha đang sản xuất rau màu. Trong đó, có hơn 14,7ha được cấp chứng nhận đạt chuẩn VietGAP. Trung bình mỗi ngày, HTX cung ứng cho thị trường khoảng 4 tấn rau, củ các loại.

Ngoài hệ thống siêu thị Co.opmart, HTX còn kết nối nhiều đối tác như: siêu thị Co.opMart thị xã Tân Châu, An Giang; Công ty TNHH chuỗi cung ứng thực phẩm Đồng Tháp; Công ty CP Vĩnh Hoàn TP Cao Lãnh, bếp ăn tập thể Trường Mẫu giáo Thường Thới Tiền. Nhờ đó, đầu ra cho rau an toàn của bà con HTX được tiêu thụ rất ổn định.

Theo ông Dương Minh Sang, thời gian tới, với nhu cầu về sử dụng sản phẩm rau sạch, rau an toàn ngày càng cao của người tiêu dùng, HTX dự kiến sẽ mở rộng quy mô sản xuất rau đạt chuẩn VietGAP phục vụ thị trường. Ngoài ra, HTX phát triển thêm sản phẩm rau củ sấy, thực hiện chuỗi logictic nhằm giảm bớt công lao động, chi phí sản xuất cho xã viên, từ đó giúp rau an toàn được bảo quản tốt hơn.

Trái cây sạch có được đầu ra ổn định nhờ tham gia chuỗi liên kết

“Có thể nói, chưa bao giờ cả bà con nhà vườn lẫn doanh nghiệp (DN) cung ứng mặt hàng trái cây như chúng tôi lại phải rơi vào tình cảnh khó khăn như hiện nay. Mặc dù, hiện tại các siêu thị vẫn nhập hàng đều đều nhưng khó khăn nhất hiện nay lại nằm ở các khâu như: thu hoạch, sơ chế, đóng gói và vận chuyển... Hơn 1 tuần qua, tỉnh Đồng Tháp thực hiện rất nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nên hầu như việc di chuyển qua lại giữa các địa phương để thu gom hàng hóa là rất khó khăn. Chưa kể để hàng hóa có thể đến được các siêu thị ở TP Hồ Chí Minh thì các xe chở hàng phải qua nhiều chốt kiểm dịch. Khó khăn là vậy, nhưng hiện DN vẫn cố gắng duy trì guồng máy để có thể giúp nông dân địa phương giải quyết vấn đề đầu ra cho nông sản trong bối cảnh ùn ứ hàng hóa như hiện nay”, ông Nguyễn Hữu Minh, Giám đốc Công ty TNHH Nông sản và Du lịch Thiên Phú, xã Bình Hàng Trung, huyện Cao Lãnh bày tỏ.


Nhân viên phân loại ổi tại Công ty TNHH Nông sản và Du lịch Thiên Phú (Ảnh tư liệu)

Hơn 1 tháng qua, với những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 nhiều mặt hàng nông sản của huyện Cao Lãnh gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ, song tại một số nhà vườn có liên kết với Công ty TNHH Nông sản và Du lịch Thiên Phú thì tình hình có tín hiệu lạc quan hơn. Hiện tại, nhờ sản xuất trái cây theo quy trình an toàn và có chứng nhận VietGAP nên phần lớn sản lượng ổi và chanh của các nhà vườn có liên kết này đều được Công ty TNHH Nông sản và Du lịch Thiên Phú hỗ trợ thu mua hầu hết sản lượng với mức giá nhà vườn có thể chấp nhận được. Hiện ổi được DN này thu mua cho bà con với giá dao động từ 4,5 - 6 ngàn đồng/kg, chanh không hạt giá thu mua tại vườn là 6 ngàn đồng/kg. Mặc dù giá bán hiện nay giảm mạnh so với mức giá của ngày thường nhưng phần lớn nhà vườn cho biết cảm thấy rất phấn khởi khi công ty thu mua toàn bộ sản lượng. Nhiều nhà vườn bày tỏ trong bối cảnh việc di chuyển và buôn bán rất khó khăn như hiện nay, giải quyết được đầu ra cho nông sản đã là một sự may mắn, bởi hiện tai rất nhiều vườn ổi đã đến ngày thu hoạch nhưng do không có đầu ra nên nhà vườn vẫn phải để trái trên cây. Trung bình mỗi tháng, Công ty TNHH Nông sản và Du lịch Thiên Phú cung cấp cho các siêu thị ở TP Hồ Chí Minh trên 80 tấn trái cây các loại, góp phần giải quyết được bài toán về tiêu thụ cho nhiều nhà vườn ở huyện Cao Lãnh.

Ông Nguyễn Hữu Minh, Giám đốc Công ty TNHH Nông sản và Du lịch Thiên Phú chia sẻ: “Để có thể tiêu thụ trái cây được trong giai đoạn hiện nay là phần lớn các nhà vườn đã sản xuất theo quy trình sản xuất an toàn và có liên kết với DN chúng tôi từ trước. Bởi hiện tại, hệ thống kênh tiêu thụ ở các chợ đầu mối và chợ truyền thống gần như đã tê liệt, chỉ còn các đơn hàng ở các siêu thị lớn. Tuy nhiên, trái cây muốn vào được siêu thị thì phải sản xuất sạch có hồ sơ hẳn hoi, chứ sản xuất bình thường thì trong hoàn cảnh khó khăn này rất khó để có thể xoay sở đầu ra...”.


Cam xoàn được Hợp tác xã Nông sản sạch Vĩnh Thới phân loại cẩn thận trước khi cung cấp cho các siêu thị

Do chịu tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 nên tình hình sản xuất và tiêu thụ nông sản tại HTX Nông sản sạch Vĩnh Thới, xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung cũng không được trôi trải như ngày thường. Nhưng bù lại, nhờ có liên kết tiêu thụ với siêu thị Vinmart từ trước nên hiện tại các mặt hàng trái cây của HTX vẫn được xuất bán đều đều với giá chấp nhận được. Ông Tống Văn Phong, Giám đốc HTX Nông sản sạch Vĩnh Thới cho biết: “Hiện nay, do các chợ đầu mối của TP Hồ Chí Minh đóng cửa nên việc tiêu thụ nông sản của bà con nông dân tại địa phương gặp nhiều khó khăn. Nhiều vườn quýt tới ngày thu hoạch nhưng vẫn còn treo trái trên cây chờ thương lái đến mua, nhiều loại trái cây giá cũng giảm rất mạnh so với ngày thường. Mặc dù tình hình chung có nhiều khó khăn, song hiện nay, nông sản của các nhà vườn trong HTX vẫn có được đầu ra ổn định. HTX vẫn đóng hàng cho siêu thị nên vấn đề đầu ra cho các sản phẩm trái cây của HTX như cam xoàn, quýt đường vẫn ổn định”.

Có thể thấy, chưa bao giờ tình hình tiêu thụ nông sản lại khó khăn như hiện nay. Nông sản không chỉ chật vật trong chuyện xuất khẩu mà do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường nội địa cũng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nếu suy xét kỹ trong bối cảnh khó khăn chung thì không ít nông dân, HTX vẫn có hướng để duy trì đầu ra. Và, giải pháp hữu hiệu nhất là sản xuất sạch và thực hiện chuỗi liên kết, giúp cho người nông dân nâng cao giá trị nông sản.

Mỹ Nhân - Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn