Phát huy lợi thế công nghiệp, thương mại

Cập nhật ngày: 06/06/2012 14:03:36

Để vươn tới mục tiêu xây dựng và phát triển KT - XH đứng vào hàng khá trong khu vực ĐBSCL, tỉnh đang tập trung đầu tư và kêu gọi đầu tư nhiều lĩnh vực, trong đó kinh tế công nghiệp, thương mại, dịch vụ có vai trò quan trọng.


Cảng Tân Cảng SaĐéc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp
vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu

Trên bước đường công nghiệp hóa cùng cả nước, Đồng Tháp đang tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng cho phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến. Tỉnh đã quy hoạch tổng thể 7 khu công nghiệp, trong đó có 3 khu công nghiệp tập trung (SaĐéc, Trần Quốc Toản, Sông Hậu) với qui mô lớn, đảm bảo về hạ tầng, thuận tiện về giao thông thủy bộ. Bên cạnh đó, tỉnh đã quy hoạch 32 cụm công nghiệp với tổng diện tích gần 2.000ha, trong đó có 19 cụm đã lập quy hoạch chi tiết.

Trong thời gian tới tỉnh phát triển kinh tế công nghiệp, xây dựng đạt tốc độ tăng trưởng bình quân duy trì ở mức cao và là đầu tàu phát triển KT - XH, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chú trọng thu hút đầu tư phát triển công nghiệp theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, đồng thời chú trọng các ngành, lĩnh vực tỉnh có lợi thế về tiềm năng và vị trí địa lí. Tập trung đầu tư phát triển nhanh hiệu quả các khu, cụm công nghiệp đã được phê duyệt, gắn liền với xây dựng các công trình xử lý chất thải, trồng cây xanh,...

Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh có diện tích tự nhiên trên 31.000ha với hai cửa khẩu quốc tế Thường Phước, Dinh Bà và 5 cặp cửa khẩu phụ: Sở Thượng, Thông Bình, Mộc Rá, Á Đôn, Bình Phú. Đây là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, gồm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, đô thị và nông lâm ngư nghiệp; là trung tâm giao lưu phát triển kinh tế giữa các nước tiểu vùng sông Mê Kông,...

Hệ thống thương mại, dịch vụ ở tỉnh được phân bổ phù hợp theo từng địa bàn, khu vực: chế biến lúa gạo SaĐéc, chợ đầu mối trái cây tỉnh (Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh), các siêu thị, trung tâm thương mại ở nhiều địa phương; chợ phủ khắp các địa bàn, tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất và tiêu dùng. Năm 2011, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ đạt hơn 35.500 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 640 triệu USD.

Kinh tế thương mại, dịch vụ của tỉnh với sự tham gia của các thành phần kinh tế, gắn liền với việc mở rộng giao thương với các tỉnh, thành trong nước và tỉnh bạn Prây Veng - Vương quốc Campuchia; khai thác phát huy đạt hiệu quả cao tiềm năng kinh tế biên giới, đi đôi với việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường nội địa và nước ngoài, tăng nhanh xuất khẩu. Phát triển đa dạng và đồng bộ các loại hình dịch vụ có giá trị gia tăng cao, có tác dụng thúc đẩy các ngành sản xuất và dịch vụ khác như vận tải, viễn thông và công nghệ thông tin, dịch vụ khoa học công nghệ, tư vấn, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, các dịch vụ đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao.

Những thuận lợi, tiềm năng và định hướng phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ là cơ hội cho các nhà đầu tư đến làm ăn tại Đồng Tháp. Và, ở đây chính quyền luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư. Trong năm 2011, Đồng Tháp được Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) xếp hạng 4/63 tỉnh, thành trong cả nước và đứng đầu khu vực ĐBSCL về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

T.N

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn