Tam Nông

Nhiều mô hình hiệu quả từ phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi

Cập nhật ngày: 14/04/2019 15:23:20

ĐTO - Với phương châm “Lao động không ngừng sáng tạo, đổi mới để xây dựng, phát triển bền vững”, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Tam Nông đã phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, có tư duy sáng tạo trong lao động sản xuất. Qua đó, xuất hiện nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao.


Máy cấy lúa mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình nông dân Đỗ Văn Được

Thời gian qua, việc áp dụng cơ giới hóa vào đồng ruộng được nhiều nông dân huyện Tam Nông thực hiện để nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm và tăng thêm lợi nhuận trong sản xuất. Hộ ông Đỗ Văn Được ngụ ấp Hồ Kỳ, xã Phú Cường sử dụng máy cấy vào canh tác lúa từ năm 2017. Với gần 9ha đất ruộng, ông Được mua 1 máy cấy lúa để thuận tiện cho việc canh tác cũng như muốn thay đổi tư duy trong sản xuất cây lúa. Qua thời gian áp dụng, ông nhận thấy hiệu quả cao, lúa sinh trưởng tốt, nhẹ chi phí mà năng suất lại tăng cao.

Năm 2018, ông Được mạnh dạn đầu tư mua thêm 2 máy cấy lúa để phục vụ việc canh tác đất của gia đình và làm thuê cho bà con nông dân trong và ngoài huyện. Trung bình với 3 chiếc máy cấy, ông Được phục vụ khoảng 1.200ha/vụ. Năm 2018, ước tính doanh thu từ việc cấy lúa thuê và canh tác lúa của ông Được đạt gần 24 tỷ đồng. Trong đó, gia đình ông thu lợi nhuận hơn 2,5 tỷ đồng. Đồng thời giải quyết việc làm cho 50 lao động tại địa phương với thu nhập từ 6-7 triệu đồng/tháng.

Ông Đỗ Văn Được cho biết: “Khi áp dụng máy cấy lúa không chỉ giúp ích cho việc sản xuất mà còn mang về cho gia đình nguồn thu nhập ổn định. Việc cấy máy giúp lúa ít sâu, bệnh, giảm đáng kể hiện tượng đổ ngã, cho năng suất cao. Lợi thế của tôi là đã áp dụng kỹ thuật này tại diện tích đất nhà và đạt hiệu quả cao nên rất thuận lợi trong việc truyền đạt cho bà con. Dần dần bà con cũng áp dụng phương pháp này với số lượng khá nhiều”.

Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2015-2020 tầm nhìn đến năm 2030 và chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng của UBND huyện Tam Nông, nhiều nông dân trên địa bàn huyện chuyển đổi những diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả, gò cao, sang trồng cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Năm 2014, nhận thấy vùng đất gò Lâm Vồ tại ô bao 24B, sản xuất lúa kém hiệu quả, nông dân Ngô Văn Bệ (ngụ ấp K9, xã Phú Đức) mạnh dạn chuyển đổi 5ha đất sang trồng xoài Đài Loan và xoài cát Hòa Lộc. Sau 4 năm canh tác, nhờ chuyên cần chăm bón, chịu khó học hỏi kinh nghiệm và áp dụng khoa học kỹ thuật, vườn xoài của ông Bệ cho năng suất và chất lượng không thua kém so với những vùng có truyền thống canh tác xoài ở những địa phương khác trên địa bàn tỉnh.

“Chỉ tính riêng trong năm 2018, 5ha xoài của gia đình tôi cho 50 tấn trái, mang về doanh thu hơn 700 triệu đồng, lợi nhuận đạt 500 triệu đồng, cao gấp 3,5 lần so với canh tác 3 vụ lúa/năm” – ông Bệ phấn khởi cho hay.

Ngoài sản xuất nông nghiệp, nhiều nông dân trên địa bàn huyện đã chú trọng khai thác các loại hình du lịch mới như du lịch Homestay hay du lịch cộng đồng và xem đó như một loại hình kinh doanh cho nguồn thu nhập cao. Tại ấp Thống Nhất, xã Phú Thọ, từ người nông dân chân chất chỉ biết bám lưng vào đồng ruộng, ông Nguyễn Bé Tư đã mạnh dạn đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng để xây dựng địa điểm du lịch Homestay Bé Tư. Du khách đến đây sẽ được trải nghiệm nhiều dịch vụ độc đáo như: tát đìa bắt cá, bơi xuồng hái sen, trải nghiệm cùng ăn, cùng ở, cùng làm với người dân địa phương và ngủ qua đêm tại nhà sàn trên cánh đồng sen...

Với cách làm mới gắn với loại hình du lịch trải nghiệm, điểm du lịch Homestay Bé Tư thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến trải nghiệm và tham quan. Hiện điểm du lịch Homestay này tiếp khoảng 100 du khách/tháng. Tính riêng trong năm 2018, điểm du lịch homestay đã mang về cho gia đình ông Bé Tư doanh thu 250 triệu đồng.

Theo Hội Nông dân huyện Tam Nông, chỉ tính riêng trong năm 2018, toàn huyện có 4.525 nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Các mô hình này cho doanh thu từ 50 triệu đồng đến hơn 20 tỷ đồng, đồng thời tạo việc làm cho hơn 1.200 lao động tại địa phương.

“Phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của huyện được triển khai thực hiện hiệu quả, tạo điều kiện cho nhiều nông sản, đặc sản địa phương vươn xa, không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước mà còn xuất khẩu. Hội Nông dân huyện tiếp tục duy trì, nhân rộng các mô hình có hiệu quả. Trong đó, chú trọng vào những mô hình có hiệu quả gắn với liên kết sản xuất và sản xuất sạch, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đồng thời, Hội tranh thủ sự hỗ trợ của các ngành của huyện, đặc biệt là kinh phí khuyến nông để hỗ trợ cho người nông dân phát triển ngày càng lớn mạnh” – ông Nguyễn Văn Quang - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tam Nông cho biết.

P.L – T.L

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn