Nhiều chính sách ưu đãi đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp

Cập nhật ngày: 21/03/2020 11:01:59

ĐTO - Phát triển các cụm công nghiệp (CCN) là giải pháp quan trọng thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững của địa phương.


Doanh nghiệp lĩnh vực chế biến thủy sản đầu tư vào cụm công nghiệp Vàm Cống (huyện Lấp Vò)

Thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp đã triển khai nhiều giải pháp để thu hút đầu tư phát triển các CCN, trong đó có các giải pháp về hỗ trợ bồi thường và giải phóng mặt bằng; hỗ trợ kinh phí thuê đất. Những giải pháp này mặc dù đã phát huy tác động tích cực nhưng vẫn cần tiếp tục hoàn thiện để phát triển các CCN tỉnh Đồng Tháp theo hướng bền vững.

Sở Công Thương Đồng Tháp thông tin, theo quy hoạch phát triển CCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, toàn tỉnh có 30 CCN với tổng diện tích 1.290ha. Đến nay, toàn tỉnh có 15 CCN có quyết định được thành lập (12 CCN đi vào hoạt động), trong đó có 6 CCN được đầu tư cơ bản về hạ tầng với diện tích 169,93ha (CCN Tân Lập đang đầu tư xây dựng). Riêng những CCN khác chưa có nhà đầu tư hạ tầng nên vấn đề phát triển đầu tư hệ thống xử lý nước thải đồng bộ còn hạn chế.

Nguyên nhân khiến doanh nghiệp ngại đầu tư vào CCN trong thời gian qua chủ yếu liên quan đến việc đền bù giải phóng mặt bằng gặp khó khăn; việc lập và phê duyệt dự án hạ tầng tại một số địa phương thời gian qua còn chậm; địa điểm quy hoạch CCN không còn hấp dẫn... Bên cạnh đó, vẫn còn những trở ngại do năng lực một số nhà đầu tư hạ tầng còn yếu, tiến độ xây dựng và thu hút các dự án đầu tư thứ cấp vào các CCN còn chậm, chưa đạt yêu cầu.

Theo lộ trình đến năm 2020, toàn tỉnh thành lập 30 CCN. Để đẩy nhanh tiến độ triển khai, thu hút đầu tư, phục vụ sản xuất, kinh doanh, tạo năng lực sản xuất mới, UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành chính sách mới về hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 231/2019/NQ - HĐND ngày 2/4/2019 của UBND tỉnh. Nghị quyết này ra đời chủ yếu dựa trên cơ sở các Nghị định, Thông tư của Trung ương và giải pháp, kinh nghiệm đã thực hiện hiệu quả các CCN trước đó. Đồng thời quy định cụ thể nhiều chính sách ưu đãi mới nhằm tạo điều kiện pháp lý cho các nhà đầu tư yên tâm đầu tư hạ tầng CCN.

Theo Sở Công Thương, với chính sách mới này, doanh nghiệp đầu tư vào các CCN sẽ được hưởng nhiều ưu đãi lớn về kinh phí quy hoạch chi tiết; hạ tầng ngoài hàng rào CCN; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trong CCN; về hỗ trợ chi phí bồi thường và giải phóng mặt bằng; hỗ trợ kinh phí di dời các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất.

Cụ thể, chủ đầu tư hạ tầng CCN được hỗ trợ kinh phí lập quy hoạch chi tiết theo dự toán được phê duyệt (tối đa 500 triệu đồng/CCN); hỗ trợ 30% tổng chi phí xây dựng các hạng mục của các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật CCN (không quá 35 tỷ đồng/CCN). Về chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư hạ tầng được hỗ trợ tùy theo từng khu vực. Theo đó, CCN tại các huyện: Tân Hồng, Hồng Ngự, Tam Nông, Tháp Mười hỗ trợ 35% chi phí; CCN tại các huyện: Thanh Bình, Cao Lãnh, Lấp Vò, Lai Vung, Châu Thành hỗ trợ 30% chi phí; CCN tại TP.Sa Đéc và TP.Cao Lãnh hỗ trợ 25% chi phí. Ngoài ra, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thuộc diện di dời khi thực hiện di dời vào CCN được ngân sách tỉnh hỗ trợ chi phí tháo dỡ, bốc xếp, vận chuyển di dời, xây dựng cơ sở là 30.000 đồng/m3.

Song song với chính sách mới này, chính quyền tỉnh cũng chú trọng việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, đồng thời áp dụng linh hoạt nhiều chính sách của Trung ương và triển khai hiệu quả các chính sách ưu đãi của tỉnh để thu hút các nhà đầu tư vào các CCN tỉnh. Trong đó, ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ tiên tiến ở các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, chế biến thực phẩm, các dự án dịch vụ phát triển công nghiệp, y tế, dân sinh...

MN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn