Sản xuất thủy sản:

Nâng cao chất lượng, cải thiện khả năng cạnh tranh

Cập nhật ngày: 20/11/2015 07:03:55

Năm 2015 tiếp tục là năm khó khăn đối với hoạt động sản xuất thủy sản của tỉnh nhà. Nguyên nhân là do giá một số loại thủy sản chủ lực của tỉnh bị sụt giảm trong thời gian dài, tình hình lũ nhỏ cũng ảnh hưởng đến lĩnh vực sản xuất thủy sản.

Trong năm, diện tích nuôi trồng thủy sản ước đạt 7.600ha, bằng 89,4% kế hoạch. Tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản của tỉnh đạt 459.856 tấn, chiếm 97,9% tổng sản lượng thủy sản, trong đó sản lượng cá tra đạt 400 ngàn tấn, chiếm 87%; sản lượng tôm đạt 1.638 tấn, chiếm 0,35%, còn lại là thủy sản khác. Số lượng lồng bè nuôi trồng thủy sản là 2.500 lồng bè. Về tình hình tiêu thụ, ở mặt hàng cá tra thương phẩm, từ tháng 5 đến nay giá cá giảm liên tục, hiện giá dao động từ 18.500 đồng đến 19.500 đồng/kg (giá thành sản xuất khoảng 21.436 đồng/kg), như vậy bình quân mỗi hộ nuôi phải chịu lỗ khoảng 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Thị trường tiêu thụ mặt hàng tôm càng xanh năm nay cũng không thuận lợi, giá bán thấp hơn so với cùng kỳ năm trước từ 10.000 - 20.000 đồng/kg, bình quân người nuôi thu lãi trên 16.000 đồng/kg. Tình hình tiêu thụ các loài thủy sản khác tương đối thuận lợi do nhu cầu tăng. Hiện giá cá điêu hồng tăng 3.000 - 4.000 đồng/kg so với đầu năm; cá lóc nuôi tăng khoảng 1.000 - 2.000 đồng/kg. Với mức giá hiện nay, người nuôi thu lãi bình quân trên 2.000 đồng/kg.

Về kết quả sản xuất và cung ứng giống thủy sản, tính đến tháng 10/2015, tổng sản lượng giống thủy sản sản xuất của 1.604 cơ sở sản xuất và kinh doanh đạt 1,6 tỷ con (cá tra giống 1,3 tỷ triệu con, tôm càng xanh post 111 triệu con, cá giống các loại 220 triệu con). Ước sản lượng cả năm đạt 1,8 tỷ con (cá tra giống 1,4 tỷ con, tôm càng xanh post 120 triệu con và cá giống các loại 300 triệu con). Đến nay, đã kiểm tra chất lượng đàn thủy sản bố mẹ 30 cơ sở sản xuất thủy sản gồm 2.670 con cá tra tham gia sinh sản; 1.759 con cá tra hậu bị và 16.273 con tôm bố mẹ mang trứng.

Từ nguồn vốn Chương trình Khuyến nông Quốc gia, ngành nông nghiệp tỉnh đã thực hiện Dự án xây dựng mô hình nuôi cá tra thâm canh đạt chứng nhận VietGAP tại 4 huyện (Thanh Bình, Tân Hồng, Cao Lãnh và TP.Sa Đéc) với tổng diện tích 45,5ha; tổ chức 4 lớp tập huấn về “quy phạm VietGAP” cho 120 hộ dân trong và ngoài mô hình tham dự; tiến hành kiểm tra, giám sát, hướng dẫn ghi chép hồ sơ để đánh giá chứng nhận.

Từ nguồn vốn Chương trình Khuyến nông tỉnh, đã thực hiện 5 mô hình chuyển giao ứng dụng khoa học trong nuôi trồng thủy sản. Cụ thể, mô hình thực hiện tiêu chuẩn VietGAP cá tra, quy mô 30 hộ tại huyện Lai Vung và TX.Hồng Ngự; mô hình nuôi ếch sinh sản tại huyện Lấp Vò và Tháp Mười; mô hình chuyển giao kỹ thuật sinh sản lươn đồng, quy mô 2 hộ tại huyện Thanh Bình và TX.Hồng Ngự; mô hình nuôi tôm càng xanh thâm canh ứng dụng cơ giới hóa, quy mô 10.000m2 tại xã Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh; mô hình sinh sản cá rô phi quy mô 3.000 con tại xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự...

Trong năm, việc đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi vẫn còn nhiều bất cập. Đến nay chưa có hệ thống thủy lợi phục vụ cho nuôi trồng thủy sản, nguồn nước được sử dụng chung với hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp. Thực trạng này dẫn đến nguy cơ về ô nhiễm nguồn nước và dịch bệnh do việc sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... trong nông nghiệp thải vào nguồn nước. Năm 2015, việc cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi cá tra thương phẩm chưa được tiến hành theo đúng tiến độ quy định, do Quy hoạch chi tiết nuôi, chế biến cá tra trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp phê duyệt trễ. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp chưa quan tâm đến việc đăng ký nuôi cá tra thương phẩm theo Quyết định 3664 ngày 21/8/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT).

Theo Sở NN&PTNT, năm 2016, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục phát triển sản xuất thủy sản theo hướng ổn định, bền vững, trên cơ sở đầu tư một cách có hiệu quả các vùng sản xuất thủy sản tập trung; phát triển sản xuất giống, nuôi, tiêu thụ sản phẩm thủy sản gắn liền với việc đảm bảo thực hiện các quy định của pháp luật hiện hành về điều kiện tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; chú trọng việc ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến để giảm giá thành, nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm thủy sản, bảo vệ môi trường và an toàn bệnh dịch trên thủy sản nuôi.

Theo kế hoạch của ngành, chỉ tiêu trong năm 2016 diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh đạt 8.400ha (tăng 800ha so với năm 2015). Trong đó, cá tra 2.100ha, tôm 1.500ha, cá khác 4.800ha; số lượng lồng bè nuôi cá đạt 2.600 cái; sản lượng thủy sản đạt 482.100 tấn (tăng 12,244 tấn so với năm 2015). Trong đó, cá tra 405.000 tấn, tôm 2.100 tấn, cá khác 62 ngàn tấn; sản lượng thủy sản khai thác đạt 13 ngàn tấn; tổng sản lượng giống sản xuất đạt 1,55 tỷ con.

Để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ ngành hàng cá tra nói riêng và các sản phẩm thủy sản có thế mạnh (tôm càng xanh, cá rô phi, cá lóc, sặc rằn...) nhằm giảm giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện khả năng cạnh tranh trên thị trường. Song song đó, tiếp tục triển khai thực hiện các vùng quy hoạch về cá tra, tôm càng xanh và một số loài thủy sản khác theo hướng bền vững tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị giữa các hợp tác xã (HTX) cá tra với các doanh nghiệp đầu vào và doanh nghiệp chế biến để giảm rủi ro, tăng thu nhập cho người nuôi cá tra quy mô nhỏ.

Bên cạnh tổ chức điều hành sản xuất, ngành sẽ hỗ trợ các HTX và các tổ hợp tác áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng chứng chỉ quốc tế phù hợp quy định của pháp luật Việt Nam; phối hợp với Sở Tài Nguyên và Môi trường thực hiện công tác vận động tuyên truyền và thanh tra bảo vệ môi trường; đối với các hộ sản xuất thủy sản thâm canh phải tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường; đối với các hộ nuôi lồng bè trên sông phải tuân thủ các quy định về vị trí, khoảng cách neo đậu, mật độ thả nuôi và vệ sinh thú y sinh sản.

T.H

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn