Năm 2020, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước ước đạt hơn 1.500 ngàn tỷ đồng

Cập nhật ngày: 11/01/2021 05:09:34

ĐTO - Bộ Tài chính vừa tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021. Tham dự hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo bộ, ngành Trung ương.

Theo Bộ Tài chính, thời gian qua, ngành tài chính chủ động điều hành chính sách tài khóa ứng phó với đại dịch Covid-19, hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh và người dân, đảm bảo an sinh xã hội. Để hỗ trợ cho DN, người dân vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, Bộ Tài chính trình Chính phủ trình cấp có thẩm quyền ban hành kịp thời các giải pháp miễn, giảm, giãn thuế và các khoản thu NSNN. Đồng thời phối hợp với các bộ, ngành rà soát để miễn, giảm các khoản phí, lệ phí nhằm tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Tính đến ngày 31/12/2020, đã có khoảng 123,6 ngàn tỷ đồng tiền thuế, thuê đất, phí và lệ phí được gia hạn hoặc miễn, giảm.

Bên cạnh đó, bằng các biện pháp tài khóa đồng bộ, quyết liệt kết hợp với chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế khác, đã cơ bản giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì đà tăng trưởng kinh tế ở mức cao so với thế giới và khu vực, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước. Qua đó, thu NSNN cũng đạt cao hơn so với đánh giá báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10 và tháng 11/2020), với tổng thu cân đối NSNN ước đạt 1.507,1 ngàn tỷ đồng, bằng 98% dự toán (giảm 31,9 ngàn tỷ đồng), tăng gần 184 ngàn tỷ đồng so với báo cáo Quốc hội, tỷ lệ động viên vào NSNN đạt khoảng 23,9% GDP, huy động từ thuế và phí đạt khoảng 19,1% GDP.

Tại hội nghị, Bộ Tài chính đã đề ra các giải pháp thực hiện để hoàn thành tốt nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2021. Theo đó, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai các nội dung như: điều hành chính sách tài khóa chủ động, chặt chẽ, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, linh hoạt với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; nâng cao kỷ cương, hiệu quả trong công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật; đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, xây dựng chính phủ điện tử phục vụ người dân, doanh nghiệp...

Trang Huỳnh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn