Năm 2018, tập trung tháo gỡ 2 nút thắt lớn để nông nghiệp phát triển bền vững

Cập nhật ngày: 05/01/2018 09:45:55

ĐTO - Ngày 3/1/2018, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức hội nghị tổng kết sản xuất nông nghiệp năm 2017. Ông Nguyễn Văn Công - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chủ trì hội nghị. Tham dự có Giáo sư Tiến sĩ Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Rynan Smart Fertilizers (Tập đoàn Mỹ Lan), cùng đại diện lãnh đạo các địa phương, hợp tác xã (HTX), hội quán... trên địa bàn tỉnh.


Mô hình sản xuất lúa ứng dụng khoa học kỹ thuật giúp nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của nông sản

Hình thành nhiều mô hình sản xuất hàng hóa chất lượng

Năm 2017, sản xuất nông nghiệp chịu ảnh hưởng mạnh của tình hình thời tiết, ảnh hưởng đến sản lượng lúa, kéo theo giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản (khu vực 1) ước đạt hơn 40.600 tỷ đồng, giảm 1,46% so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra (chỉ tăng 2,53% so với năm 2016).

Mặc dù vậy, sản xuất nông nghiệp cũng có nhiều điểm sáng nhất định. Trong đó, thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp (TCCNN), tỉnh đã xây dựng được nhiều mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật, cùng với đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa, giúp nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của nông sản. Có thể kể đến như mô hình sản xuất lúa chất lượng cao gắn với liên kết tại HTX Mỹ Đông 2 (huyện Tháp Muời), HTX Tân Cường, HTX Phú Thọ (huyện Tam Nông), mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ của thanh niên Võ Văn Tiếng (huyện Hồng Ngự)...

Bên cạnh cây lúa, điểm nổi bật của nông nghiệp năm nay là cây ăn trái của tỉnh đã “xâm nhập” được vào hệ thống các siêu thị và thị trường khó tính nhờ đạt các chứng nhận sản xuất sạch, an toàn. Cụ thể, với việc tổ chức lại sản xuất, áp dụng các quy trình sản xuất an toàn, quýt đường Vĩnh Thới (Lai Vung) đã đạt chứng nhận GlobalGAP và liên kết được với VinEco đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị Vinmart; xoài Mỹ Xương đạt chứng nhận GlobalGAP và đã liên kết với Tập đoàn VinGroup đưa trái xoài vào các siêu thị lớn và xuất sang các nước Nhật Bản, Hàn Quốc; quýt hồng Lai Vung đạt chứng nhận VietGAP... Theo số liệu thống kê của ngành nông nghiệp, năm nay, giá trị sản xuất ngành hàng trái cây đạt gần 4.000 tỷ đồng (tăng 1.120 tỷ đồng so với năm 2016).

Ngoài việc tổ chức lại sản xuất, trong năm, tỉnh đã tổ chức nhiều phiên chợ nông nghiệp xanh kết nối nhu cầu sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch, giúp các HTX, nông dân nắm bắt được nhu cầu thị trường, quảng bá sản phẩm đến với người tiêu dùng, đồng thời kêu gọi người tiêu dùng hãy ủng hộ nông dân sản xuất sạch và chú ý hơn đến vấn đề lựa chọn nông sản an toàn...

Tập trung tháo gỡ 2 nút thắt lớn

Mặc dù sản xuất nông nghiệp năm qua đạt được những kết quả nhất định, song theo đánh giá của nhiều đại biểu tại hội nghị, nông nghiệp vẫn đang đứng trước nhiều thách thức, trong đó 2 yếu tố quan trọng là biến đổi khí hậu và yêu cầu ngày một khắc khe của thị trường đòi hỏi ngành nông nghiệp phải thay đổi tư duy phát triển, phải chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.


Mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ của thanh niên Võ Văn Tiếng – sản xuất lúa kết hợp với chăn nuôi vịt sạch

Đồng tình với các ý kiến này, ông Nguyễn Văn Công - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh cho biết, ngành nông nghiệp năm 2018 được dự báo sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, thị trường có sự cạnh tranh quyết liệt, tổng thể thì cung vẫn lớn hơn cầu, tình hình biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp... Bên cạnh đó, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi có nguy cơ tăng cao, giá cả thị trường không ổn định...

Tuy nhiên, từ việc đẩy mạnh chuyển giao áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trình độ sản xuất, thâm canh cây trồng vật nuôi của nông dân ngày càng được nâng cao. Trên cơ sở xây dựng và nhân rộng cánh đồng liên kết gắn với tiêu thụ sẽ tạo điều kiện cho sản xuất ngày càng phát triển; Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp cùng với Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) đang triển khai thực hiện cùng các dự án đầu tư về nông nghiệp đã và đang triển khai sẽ từng bước tạo điều kiện cho sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh nhà phát triển theo hướng bền vững.

Ngành đề ra mục tiêu cụ thể trong năm nay là phấn đấu giá trị tăng thêm của ngành đạt 16.787 tỷ đồng, tăng 3% so với thực hiện năm 2017. Bên cạnh đó, năm 2018, ngành sẽ tập trung vào 2 chương trình quan trọng nhất là tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

“Để thực hiện các mục tiêu trên, ngành sẽ tập trung tháo gỡ 2 nút thắt lớn trong sản xuất thời gian qua, đó là giảm chi phí và tăng chất lượng cho nông sản. Trên cơ sở đó, ngành sẽ tập trung công tác tuyên truyền, nhân rộng các mô hình hiệu quả; tập trung quyết liệt hơn trong đổi mới công tác khuyến nông; thực hiện chính sách hỗ trợ các ngành hàng; đẩy mạnh phát triển lĩnh vực chế biến nông sản; tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao kiến thức cho cán bộ nông nghiệp, củng cố nâng cao chất lượng HTX; đồng thời tập trung hoàn thành các chỉ tiêu lớn trong thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới” - ông Nguyễn Văn Công khẳng định.

Thảo Vy

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn