Khẩn trương thúc đẩy thực hiện dự án VnSAT

Cập nhật ngày: 24/09/2020 06:05:42

ĐTO - Ngày 23/9, tại TP.Cao Lãnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức hội nghị giao ban thúc đẩy thực hiện Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam ( tên viết tắt VnSAT) các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh chủ trì hội nghị.


Thứ trưởng Lê Quốc Doanh phát biểu tại hội nghị

Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam là dự án sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB), được triển khai từ năm 2015-2020 với tổng số vốn hơn 300 triệu USD; trong đó hợp phần B (phát triển lúa gạo bền vững) được thực hiện tại 8 tỉnh, thành phố thuộc ĐBSCL bao gồm: An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang.

Tổng vốn dự án hợp phần B tại 8 tỉnh ĐBSCL là 2.675 tỷ đồng, trong đó vốn IDA là 1.640 tỷ đồng, vốn đối ứng Chính phủ là 434 tỷ đồng, vốn tư nhân là 600 tỷ đồng. Hợp phần gồm 3 tiểu hợp phần gồm: hỗ trợ chương trình quy mô lớn về cải thiện canh tác và quản lý nông học để sản xuất lúa gạo bền vững; hỗ trợ khu vực tư nhân đầu tư nâng cấp công nghệ và cơ sở chế biến lúa gạo; nâng cao chất lượng dịch vụ công.

Đến tháng 8/2020, dự án đã giải ngân tổng số 102 tỷ đồng, trong đó vốn IDA là 85 tỷ đồng (15% kế hoạch được giao), vốn đối ứng Chính phủ 14 tỷ đồng (18% kế hoạch được giao), vốn tư nhân là 2 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu dự án đến tháng 8/2020, 8 tỉnh đã giải ngân tổng số 779 tỷ đồng.

Thông qua các hoạt động hỗ trợ kỹ thuât, nâng cao trình độ sản xuất, nâng cấp cơ sở hạ tầng và máy móc trang thiết bị, Dự án VnSAT đã hỗ trợ hình thành hợp tác xã (HTX) có năng lực tốt với những vùng nguyên liệu lớn ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến. Tính đến cuối tháng 8/2020, dự án đã thành lập, củng cố 318 tổ chức nông dân/HTX lúa gạo (214% mục tiêu cuối cùng), đào tạo 142.415 nông dân về "3 giảm 3 tăng" và 88.914 nông dân về "1 phải 5 giảm". Diện tích áp dụng canh tác bền vững đạt 148.738ha, diện tích có hợp đồng với doanh nghiệp đạt 56.554ha. Lợi nhuận ròng/ha canh tác tăng lên mức 26,4% đối với nông dân tham gia dự án. Giảm khí phát thải nhà kính khoảng 1,17 triệu tấn/năm/8 tỉnh.

Trong hỗ trợ khu vực tư nhân đầu tư nâng cấp công nghệ và cơ sở chế biến lúa gạo, có 10 ngân hàng đã được xác định và giải ngân được 24,9 triệu USD cho 8 doanh nghiệp tư nhân, đạt 45% vốn phân bổ cho tín dụng lúa gạo. Dự án còn nâng cao chất lượng dịch vụ công cho các tổ chức của Bộ NN&PTNT, đào tạo cho cán bộ cấp tỉnh, huyện, xã.

Tuy nhiên, tồn tại của dự án hiện nay là tỷ lệ giải ngân thấp; tiến độ một số hoạt động còn chậm như liên kết bao tiêu sản phẩm, các tiểu dự án chậm bàn giao đưa vào sử dụng, tổ chức bộ máy PPMU nhiều lần thay đổi ảnh hưởng đến việc chỉ đạo thực hiện dự án; việc đề xuất danh mục tiểu dự án đầu tư chậm chưa đáp ứng tiến độ; hoạt động cơ giới hóa (áp dụng máy cấy) còn hạn chế, ảnh hưởng đến việc áp dụng quy trình canh tác bền vững của dự án đối với chỉ tiêu lượng giống gieo sạ....

Theo kế hoạch dự án, thời gian thực hiện dự án được gia hạn 18 tháng đến tháng 6/2022.

Để thúc đẩy dự án, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh đề nghị Ban quản lý dự án VnSAT các tỉnh tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân trong sản xuất lúa gạo bền vững, giảm chi phí sản xuất, tăng giống lúa chất lượng, giảm lượng giống gieo sạ để hạn chế dịch bệnh, có thể nghiên cứu xây dựng chung logo VnSAT để dán lên sản phẩm lúa gạo đạt chất lượng. Riêng các Sở NN&PTNT tăng cường công tác giám sát, đẩy nhanh tiến độ tiểu dự án được bàn giao đưa vào sử dụng có hiệu quả, tiếp tục có kế hoạch đào tạo củng cố tổ chức nông dân/HTX đã được xây dựng, liên kết chuỗi, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ.


Ký kết giữa 4 doanh nghiệp và 8 hợp tác xã tiêu biểu của dự án VnSAT

* Chiều cùng ngày, tại TP.Cao Lãnh, Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức hội nghị công bố kết quả liên kết chuỗi lúa gạo dự án VnSAT với sự tham gia của đại diện lãnh đạo, HTX các tỉnh thành ĐBSCL.

Theo báo cáo của Ban quản lý các dự án nông nghiệp, Bộ NN&PTNT, sau 5 năm triển khai thực hiện dự án VnSAT đến vụ hè thu năm 2020, đã có 56.554ha diện tích trồng lúa có hợp đồng liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp. Trong đó, có 19.801ha lúa vụ hè thu của VnSAT được doanh nghiệp bao tiêu cao hơn so với giá lúa cùng chủng loại trên thị trường từ 100 – 300 đồng/kg.

Đặc biệt, trong năm 2018 dự án VnSAT đã triển khai hoạt động tư vấn hỗ trợ liên kết chuỗi giúp nâng cao trình độ quản ký chất lượng, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm lúa, lúa giống và gạo của hơn 100 HTX. Trong đó, có hơn 30 HTX được cấp Mã Qr code truy xuất nguồn gốc sản phẩm và 8 HTX tiêu biểu nhất được dự án án hỗ trợ xây dựng bộ nhận diện thương hiệu, mẫu mã bao bì, trang thương mại điện tử.

Với mong muốn hợp tác bao tiêu lúa canh tác bền vững phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, tại hội nghị đã diễn ra lễ ký kết giữa 4 doanh nghiệp và 8 HTX tiêu biểu của dự án VnSAT.

Mẫn Nhy

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn