Hướng đến sự phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo

Cập nhật ngày: 17/04/2025 05:21:09

http://baodongthap.com.vn/database/video/20250417052212dt2-6.mp3

 

ĐTO - Trên tinh thần thực hiện Đề án Phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án) tại tỉnh Đồng Tháp, năm qua, tỉnh theo dõi và đánh giá kết quả thực hiện mô hình thí điểm canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh.


Nông dân áp dụng cơ giới hóa trong khâu gieo sạ theo mô hình canh tác lúa chất lượng cao, giảm phát thải (Ảnh: Nhật Khánh)

Phấn khởi với mô hình thí điểm

Mô hình thí điểm canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh tại huyện Tháp Mười với quy mô 50ha/24 hộ tham gia tại cánh đồng Ấp 4, xã Láng Biển thuộc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi (thực hiện trong 3 vụ) bắt đầu triển khai từ vụ thu đông 2024. Mô hình đã ứng dụng đồng bộ các giải pháp theo quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng theo hướng dẫn của Cục Trồng trọt. Cụ thể, ứng dụng 100% cơ giới hóa trong gieo sạ hàng/cụm kết hợp vùi phân để giảm lượng giống, giảm lượng phân bón, giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật; gắn các thiết bị cảm biến mực nước giúp nông dân, hợp tác xã chủ động tưới tiêu; 100% rơm được thu gom ra khỏi ruộng.

Theo đó, kết quả mang lại khá phấn khởi. Vụ thu đông 2024 triển khai 43,1ha/20 nông dân. Mô hình giảm chi phí khoảng 1,6 triệu đồng/ha, giảm giá thành sản xuất 578 đồng/kg, lợi nhuận cao hơn bình quân khoảng 5,3 triệu đồng/ha so với ruộng đối chứng. Mô hình giúp giảm phát thải bình quân 4,92 tấn CO2tđ/ha. Trong vụ đông xuân 2024 - 2025, mở rộng diện tích lên 50ha/24 nông dân tham gia. Mô hình giảm chi phí sản xuất khoảng 2,6 đồng/ha, giảm giá thành 942 - 971 đồng/kg và lợi nhuận cao hơn từ 8,6 - 9 triệu đồng/ha (tương đương tăng khoảng 160%) so với tập quán sản xuất thông thường. Mô hình này giúp giảm phát thải bình quân trên 3,9 tấn CO2tđ/ha. Riêng vụ hè thu 2025 tiếp tục triển khai với quy mô 50ha/24 nông dân tham gia.

Thời gian qua, công tác nhân rộng quy mô vùng sản xuất áp dụng quy trình canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh được tỉnh quan tâm đẩy mạnh. Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ động phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp tiếp tục nhân rộng vùng canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh để đạt được mục tiêu của Đề án đề ra của năm 2025. Đến nay, diện tích tham gia Đề án đạt 25.556,6ha (bằng 51% kế hoạch đề án năm 2025).

Tạo đòn bẩy cho sự phát triển, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp đơn vị có liên quan tham mưu, đề xuất chủ trương đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng mô hình thí điểm triển khai Đề án tại cánh đồng Ấp 4, xã Láng Biển thuộc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi.

Trong khuôn khổ Đề án, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang đề xuất Chính phủ cho chủ trương triển khai Dự án Hỗ trợ hạ tầng và kỹ thuật cho lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB) cho 13 tỉnh ĐBSCL. Trong đó, UBND tỉnh đề xuất Dự án hỗ trợ hạ tầng và kỹ thuật cho sản xuất lúa các-bon thấp vùng ĐBSCL - tỉnh Đồng Tháp từ vốn đầu tư công giai đoạn 2026 - 2030 với kinh phí dự kiến khoảng 972 tỷ đồng. Đây là nguồn lực trọng yếu để đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng tại vùng chuyên canh...

Hướng tới sự phát triển bền vững, các địa phương tích cực khuyến khích các doanh nghiệp tham gia Đề án, ký kết hợp đồng liên kết với các hợp tác xã, hộ sản xuất để cung cấp đầu vào chất lượng, hỗ trợ kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm đầu ra cho hộ trồng lúa. Theo đó, tỷ lệ diện tích liên kết tiêu thụ lúa gạo giữa nông dân - hợp tác xã và doanh nghiệp đạt khoảng 21% diện tích.

Mở rộng diện tích canh tác

Theo UBND tỉnh, năm qua, các mô hình thí điểm đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, thời gian rút nước theo yêu cầu ngập, khô xen kẽ trong các giai đoạn sinh trưởng của cây lúa theo Quy trình kỹ thuật canh tác chất lượng cao và phát thải thấp tại khu vực thí điểm chưa đảm bảo yêu cầu. Nguyên nhân do hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất chưa được đồng bộ, điều kiện mặt bằng ruộng tại các vùng sản xuất chưa được bằng phẳng (gò, trũng).

Do điều kiện khách quan ảnh hưởng thời tiết mưa nhiều trong vụ hè thu và thu đông nên việc áp dụng máy cuộn rơm để đáp ứng tiêu chí thu gom rơm ra khỏi ruộng còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, một số các tổ hợp tác, hợp tác xã hiện nay chưa chủ động tìm thị trường tiêu thụ rơm. Trong mùa mưa, rơm được thu gom với tỷ lệ thu hồi thấp. Rơm ướt khó tồn trữ và sử dụng trồng nấm hay chế biến ra sản phẩm khác.

Tỷ lệ diện tích liên kết tiêu thụ lúa gạo giữa nông dân - Hợp tác xã và doanh nghiệp chưa đạt như mong đợi, do thị trường tiêu thụ lúa không ổn định, hợp đồng qua thương lái không có tính pháp lý ràng buộc cao. Tiến độ mở rộng diện tích mô hình theo tiêu chí Đề án ở một số địa phương còn chậm do tâm lý e ngại của nông dân, diện tích tham gia không tập trung. Dự án “Hỗ trợ hạ tầng và kỹ thuật cho lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL, vốn vay WB” chưa được Bộ Nông nghiệp và Môi trường phê duyệt, nên các công trình thủy lợi nội đồng tại các địa phương tham gia Đề án vẫn chưa được nâng cấp hoàn chỉnh.

Nhằm phấn đấu nhân rộng diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao đến cuối năm 2025 đạt ít nhất 50.000ha, UBND tỉnh đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm thực hiện như tiếp tục triển khai, theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện mô hình thí điểm canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh tại huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp với quy mô 50ha/24 hộ tham gia (vụ thứ 3).  Thực hiện từ nguồn vốn phát triển đất trồng lúa theo Nghị định 35/2015/NĐ-CP của Chính phủ; kinh phí thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và kinh phí khuyến nông năm 2025 và ngân sách của địa phương tiếp tục nhân rộng mô hình tại các huyện: Hồng Ngự, Tân Hồng, Tam Nông,  Thanh Bình, Tháp Mười, Cao Lãnh và TP Hồng Ngự.

Đồng thời tiếp tục phối hợp với Tổ chức SNV thực hiện Dự án “Chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững ở khu vực ĐBSCL”; kêu gọi doanh nghiệp tham gia dự án và mở rộng thêm diện tích áp dụng quy trình canh tác lúa giảm phát thải. Rà soát nâng cấp, đầu tư các công trình thủy lợi hiện có và hoàn thiện hệ thống kênh mương kết hợp giao thông nội đồng để chủ động tưới, tiêu, quản lý nước và thuận lợi cho máy móc vận hành, di chuyển tại các huyện, thành phố.

Về liên kết tiêu thụ, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia Đề án ký kết hợp đồng liên kết với các hợp tác xã, hộ sản xuất để cung cấp đầu vào chất lượng, hỗ trợ kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm đầu ra cho hộ trồng lúa. Xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường sản phẩm gạo chất lượng cao và phát thải thấp; quảng bá thương hiệu, nhãn hiệu gạo sản xuất từ vùng lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh ở trong và ngoài nước; tập trung hỗ trợ tín dụng, đẩy mạnh triển khai Chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL theo Quyết định số 1490/QĐ-TTg...

Y DU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn