Gặp gỡ anh cán bộ nông nghiệp xã Mỹ An

Cập nhật ngày: 04/03/2020 12:06:29

ĐTO - Mặc dù gắn bó với vị trí cán bộ nông nghiệp của xã Mỹ An, huyện Tháp Mười chưa lâu nhưng anh kỹ sư trẻ Lê Văn Dững (SN 1993) đã thật sự trở thành người bạn đồng hành không thể thiếu với nhiều nông dân. Hằng ngày, từ những việc quan trọng như: quy cách lên liếp trồng cây ăn trái, cách chữa bệnh cho cây chanh, cây bơ đến việc thường nhật như: giá mít... nông dân hay tham khảo ý kiến anh kỹ sư này. Để có được sự tin tưởng của người dân, anh Dững đã không ngừng học hỏi và có nhiều cách làm hay trong công tác chuyên môn.


Kỹ sư trẻ Lê Văn Dững (bìa phải) thường xuyên xuống cơ sở hướng dẫn nông dân kỹ thuật trồng cây ăn trái

Năm 2016, tốt nghiệp ngành Nông học của Trường Đại học Cần Thơ, kỹ sư Lê Văn Dững về quê nhà xã Mỹ An và được UBND xã phân công phụ trách mảng nông nghiệp và nông thôn mới. Từ chỗ “chân ướt chân ráo” và còn lạ lẫm với chuyện đồng áng, với tinh thần chịu khó và không ngừng học hỏi, Lê Văn Dững không những hoàn thành tốt nhiệm vụ được cơ quan giao mà còn trở thành người bạn đồng hành được nông dân địa phương tin tưởng nhờ tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật.

Anh Lê Văn Dững chia sẻ: “Mặc dù được học nông học nhưng những kiến thức thực tế trong sản xuất của tôi thì vẫn còn rất hạn chế. Khi mới về quê làm công tác nông nghiệp, cái gì cũng không rành nhưng nhờ thường xuyên đi xuống cơ sở nghe các chú, các anh chia sẻ về những đặc tính mỗi loại cây trồng, vật nuôi nên tôi cảm thấy yêu quý công việc của mình hơn. Thời gian gần đây, ngoài diện tích chuyên canh lúa là 1.265ha, nông dân của xã Mỹ An cũng đã chuyển đổi sang trồng cây ăn trái khoảng 168ha. Nhận thấy, với mô hình sản xuất mới, nông dân sẽ cần hỗ trợ kiến thức nhiều nên bắt đầu từ năm 2018, tôi đã mạnh dạn tham mưu lãnh đạo UBND xã mở thêm các lớp tập huấn về canh tác cây ăn trái cho nông dân thay vì chỉ tập trung mở các lớp tập huấn sản xuất lúa như nhiều năm về trước”.

Vì không am tường các lĩnh vực về kỹ thuật sản xuất cây ăn trái nên anh Dững đã nhờ đến sự hỗ trợ từ ngành nông nghiệp huyện Tháp Mười. Nhờ sự nhạy bén và nhiệt tình, thời gian qua, nhiều vườn cây ăn trái gặp vấn đề về dịch hại đã được anh nhờ kỹ sư nông nghiệp huyện và các đơn vị liên quan hỗ trợ kịp thời. Ông Huỳnh Văn Quân ngụ ấp Mỹ Phú, xã Mỹ An bộc bạch: “Nếu không có kỹ sư Dững cùng cán bộ ngành nông nghiệp huyện xuống hỗ trợ kỹ thuật thì có lẽ vườn bơ gần 3.000m2 của gia đình tôi đã phải “khai tử” cách đây vài tháng. Mấy chục năm trồng lúa giờ chuyển sang trồng bơ nên không có nhiều kinh nghiệm. Cây bơ không tốt được do đất nhiễm phèn nhưng tôi lại không hề hay biết, tôi cứ nghĩ đất thiếu dinh dường nên cứ mãi miết phun thuốc, bón phân. May sau nhờ kỹ sư Dững và cán bộ nông nghiệp huyện đến kiểm tra, từ đó, tôi mới biết đất bị nhiễm phèn. Sau khi nhờ hướng dẫn từ ngành nông nghiệp, tôi hiểu hơn về cách chăm sóc cho vườn bơ của mình. Sau vài tháng điều trị, hiện tại, vườn bơ của gia đình tôi đã phát triển xanh tốt trở lại”.

Trường hợp của ông Quân chỉ là một trong số hàng trăm hộ nông dân đã được sự giúp đỡ từ anh cán bộ nông nghiệp Lê Văn Dững. Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tại địa phương trong việc trao đổi về kỹ thuật trồng trọt, tìm hiểu sâu hơn về thị trường, thời gian qua, anh Dững đã thành lập trang Fanface trên Facebook với tên gọi Nông nghiệp Mỹ An với trên 800 lượt theo dõi và Nhóm Zalo với gần 150 thành viên tham gia bao gồm nhiều thành phần từ: nhà vườn, cán bộ nông nghiệp của xã, huyện; công ty cây giống, vựa thu mua nông sản; công ty phân bón và thuốc bảo vệ thực vật... Thông qua các trang mạng xã hội này, các thông tin về tập huấn, kỹ thuật trồng cây ăn trái, kết nối tiêu thụ được thực hiện hiệu quả.

Kỹ sư Lê Văn Dững bộc bạch: “Bây giờ mạng xã hội rất phát triển, trung bình mỗi gia đình sẽ có ít nhất một cái điện thoại thông minh. Tôi nghĩ nếu một gia đình có một cái điện thoại thông minh thì các thông tin mình muốn tuyên truyền xuống người dân sẽ dễ dàng hơn, thuận lợi hơn. Thực tế, từ ngày trang Fanface Nông nghiệp Mỹ An đi vào hoạt động đến giờ có nhiều bạn trẻ liên hệ hỏi về kỹ thuật chăm sóc cây ăn trái hoặc nhờ xuống tận vườn để hỗ trợ kỹ thuật. Bên cạnh việc kết nối nông dân, các trang mạng của tôi còn kết nối cả các doanh nghiệp cây giống, vựa thu mua nông sản, công ty thuốc bảo vệ thực vật... Thông qua đây, cũng kết nối tiêu thụ được nhiều mặt hàng nông sản của địa phương. Từ việc thông tin giá cả kịp thời nông dân tại địa phương cũng ít còn bị ép giá do thiếu thông tin như trước đây”.

Ông Nguyễn Hoàng Phong - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Mỹ An cho biết: “Thời gian qua, đảng viên trẻ Lê Văn Dững đã có nhiều sáng kiến hay trong công tác chuyên môn. Nổi bật là sáng kiến lập các trang Fanface Nông nghiệp Mỹ An và nhóm thành viên trên Zalo. Thông qua các trang mạng, này xã Mỹ An đã kết nối được với nhiều đơn vị, doanh nghiệp và đông đảo nông dân lại với nhau; các vấn đề khó khăn của nông dân về kỹ thuật sản xuất, thị trường tiêu thụ được địa phương nắm bắt và tháo gỡ kịp thời. Song song đó, từ chỗ cập nhật được thông tin liên tục thực tế nên nhiều doanh nghiệp đã biết đến xã Mỹ An, từ đó địa phương cũng thuận lợi hơn trong việc kết nối tiêu thụ nông sản cho nông dân. Song, để công tác tuyên truyền được thực hiện hiệu quả, Đảng ủy và UBND xã luôn đồng hành và chỉ đạo cán bộ nông nghiệp Lê Văn Dững đưa những thông tin chính thống, thời sự để người dân tại địa phương nắm bắt kịp thời.

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn