Diện tích cây ăn trái ở đồng bằng sông Cửu Long lớn nhất nước nhưng xuất khẩu không nhiều

Cập nhật ngày: 07/11/2018 03:54:43

Ngày 5/11, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức hội thảo xây dựng và phát triển chuỗi giá trị gia tăng của nông sản chủ lực nhìn từ thị trường đến sản xuất.


Thu hoạch nhãn. Ảnh: Mỹ Lý

Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt nhận xét, diện tích cây ăn trái ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lớn nhất nước nhưng xuất khẩu không nhiều.

Trong 10 năm gần đây, diện tích cây ăn trái tăng chậm (hơn 1%/năm). Rau - quả đứng trong nhóm sản phẩm xuất khẩu tỷ đô nhưng giá trị xuất khẩu rau - quả Việt Nam chiếm chưa đến 1% thị phần nhập khẩu rau - quả thế giới. Xuất khẩu trái cây Việt Nam phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc (70,7% tổng giá trị xuất khẩu rau-quả) nên nhiều rủi ro.

Nông sản ĐBSCL có nhiều lợi thế, nhất là lúa và cây ăn trái đa dạng so với vùng nhiệt đới các nước khác; dư địa, tiềm năng phát triển các loại cây xuất khẩu còn nhiều. Tuy nhiên, nông sản ĐBSCL cũng đang đứng trước thách thức về chất lượng theo yêu cầu của nhà nhập khẩu, thách thức tiếp cận thị trường...

Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, dù có thế mạnh về lúa gạo, thủy sản, cây ăn trái, nhưng xuất khẩu của ĐBSCL lại không đạt được kết quả cao như mong đợi. Nguyên nhân được chỉ ra là do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, tồn tại nhiều vườn tạp; chưa áp dụng triệt để các quy trình canh tác và quản lý; tác động của biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng; kỹ thuật thu hoạch và công nghệ bảo quản sau thu hoạch còn thiếu và kém, kho bảo quản lạnh chưa được đầu tư; tổ chức liên kết sản xuất còn hạn chế, chưa quan tâm đầu tư phát triển vùng nguyên liệu; thiếu công nghệ và nhà máy chế biến sâu hiện đại; nguồn cung nguyên liệu không đồng đều ở các thời điểm trong năm.

Dịp này, đại diện lãnh đạo các ngành chức năng, các chuyên gia có nhiều hiến kế để xây dựng và phát triển chuỗi giá trị gia tăng của nông sản chủ lực như: giải pháp phát triển sản phẩm cây ăn trái và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, truy xuất nguồn gốc từ nông trại đến bàn ăn, giải pháp nông trại thông minh, các công nghệ tiên tiến trong chế biến và tiêu thụ nông sản...

Nguyệt Đỗ

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn