Để sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu vươn xa

Cập nhật ngày: 07/03/2020 06:06:44

ĐTO - Tôn vinh các sản phẩm chất lượng, giá trị sử dụng cao và có tiềm năng phát triển tại địa phương, thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp đã triển khai chương trình bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu (CNNTTB). Chương trình đã tạo được hiệu ứng thiết thực nhằm động viên, khuyến khích các cơ sở đầu tư, mở rộng sản xuất, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp nông thôn (CNNT) phát triển theo chiều sâu.


Sản phẩm ống hút gạo của Công ty CP Tinh bột Xanh (TP.Sa Đéc) luôn vì mục tiêu hướng tới cộng đồng

Theo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Đồng Tháp, từ khi thực hiện Thông tư số 26/2014/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định về tổ chức bình chọn sản phẩm CNNTTB, đồng thời hỗ trợ phát triển các sản phẩm có chất lượng, có giá trị sử dụng cao, có tiềm năng phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp khu vực nông thôn tỉnh Đồng Tháp. Đến nay, tỉnh có 124 sản phẩm được công nhận là sản phẩm CNNTTB cấp tỉnh, 28 sản phẩm cấp khu vực, 8 sản phẩm cấp Quốc gia của hơn 106 cơ sở, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh. Các sản phẩm tham gia và được đạt chứng nhận tập trung ở 3 lĩnh vực: chế biến thực phẩm, cơ khí - chế tạo, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ.

Các sản phẩm tham gia bình chọn cơ bản là những sản phẩm CNNT đặc trưng, tiêu biểu của tỉnh, trong đó có nhiều sản phẩm truyền thống và có những sản phẩm mới; nhiều sản phẩm tham gia bình chọn đã khẳng định ưu thế về mẫu mã, kiểu dáng, chất lượng cao và có thị trường tiêu thụ mạnh. Trong số này còn có sản phẩm xuất khẩu nước ngoài như: nhóm bánh phồng tôm của Công ty CP XNK Sa Giang; sản phẩm từ bột của Công ty CP Thực phẩm Bích Chi; nhóm sản phẩm trái cây sấy của Công ty TNHH Công Nghệ Thực Phẩm Việt Đức; nhóm sản phẩm cơ khí của Công ty TNHH MTV Sản xuất máy cơ khí nông nghiệp Tây Đô; Công ty TNHH MTV Bén Linh... Thông qua chương trình bình chọn còn phát hiện được nhiều sản phẩm mới sử dụng nguồn nguyên liệu dồi dào tại địa phương, đang được thị trường chấp nhận và có khả năng phát triển mạnh trong thời gian tới như: xoài sấy dẻo; hạt sen sấy; trà lá sen...

Để kịp thời hỗ trợ các cơ sở phát triển trên thị trường, các cơ sở, DN đạt chứng nhận sản phẩm CNNTTB các cấp còn được tỉnh ưu tiên hỗ trợ kinh phí khuyến công thực hiện thay đổi máy móc, thiết bị, ứng dụng công nghệ sản xuất hiện đại, hệ thống máy đóng gói cho sản phẩm nhằm nâng cao công suất, chất lượng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Ngoài ra, hỗ trợ đầu tư nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường, tổ chức các đợt tham gia hội chợ, triển lãm và tham quan học tập kinh nghiệm...

Anh Phạm Thế Hải - Giám đốc Công ty CP Tinh bột xanh, có sản phẩm đạt danh hiệu sản phẩm CNNTTB cấp tỉnh Đồng Tháp năm 2019 là ống hút gạo Puma cho biết: “Việc bình chọn sản phẩm CNNTTB góp phần giúp DN kích thích sự sáng tạo trong sản xuất. Trong đó, chú trọng việc cải tiến mẫu mã phù hợp với thị trường, đồng thời tìm ra những sáng chế mới, lạ mang lại hiệu ứng tích cực bảo vệ môi trường nhằm tạo sự kết nối tốt với làng bột trăm năm tại địa phương...”.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện chương trình bình chọn sản phẩm CNNTTB còn gặp một số khó khăn như: hoạt động hỗ trợ xây dựng phát triển thương hiệu chưa được các cơ sở CNNT thực sự quan tâm và tham gia, vì xây dựng thương hiệu còn đòi hỏi phải có thời gian, khả năng về tài chính và nhân lực phù hợp; hầu hết các cơ sở chỉ tập trung vào khâu sản xuất sản phẩm, chưa chú trọng đến các khâu có thể đem lại giá trị gia tăng cao như nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm, thiết kế mẫu mã bao bì, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu...

Ông Nguyễn Văn Luận - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Đồng Tháp cho biết: “Thời gian tới, để hoạt động hỗ trợ phát triển sản phẩm CNNTTB ngày càng đi vào chiều sâu, đem lại những hiệu quả thiết thực, đơn vị sẽ tiếp tục rà soát sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động hỗ trợ sản phẩm CNNT của địa phương. Đồng thời đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, với các nội dung thiết thực; tăng cường hỗ trợ đổi mới công nghệ từng công đoạn trong dây chuyền sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm”.

Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Đồng Tháp cũng tiếp tục tăng cường các hoạt động quảng bá và giới thiệu sản phẩm thông qua các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh để đưa sản phẩm đến với các thị trường, hỗ trợ phát triển thương hiệu cho DN, cơ sở sản xuất. Đồng thời gắn việc phát triển sản phẩm CNNT với phát triển du lịch để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm quà tặng truyền thống của địa phương, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm...

Khánh Phan

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn