Để mô hình hợp tác xã nông nghiệp ngày càng phát huy hiệu quả gắn với chuỗi giá trị

Cập nhật ngày: 01/07/2020 10:11:40

ĐTO - Xác định hợp tác xã nông nghiệp (HTX NN) là một trong những chủ thể quan trọng trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, vì thế để nâng cao hiệu quả và phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, việc xây dựng mô hình HTX NN gắn với chuỗi giá trị sản phẩm là điều cần thiết...


Xây dựng mô hình hợp tác xã nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị là điều cần thiết

Số lượng hợp tác xã tham gia liên kết với doanh nghiệp còn ít

Thực tế hiện nay cho thấy, các HTX NN trên địa bàn tỉnh tham gia liên kết còn rất hạn chế, chỉ chiếm 35-40% tổng số hợp tác xã (HTX) toàn tỉnh thực hiện liên kết tiêu thụ lúa cho nông dân.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), năm 2019, có 67 HTX, 82 tổ hợp tác (THT), 1 Hội quán cùng 40 doanh nghiệp (DN) tham gia chuỗi liên kết (lúa và cây ăn trái). Theo đó, diện tích thực hiện liên kết đạt gần 64.800ha, sản lượng đạt 380.000 tấn, chiếm 12,4% trên tổng diện tích sản xuất. Riêng năm 2020, đến hết vụ đông xuân, số lượng HTX tham gia liên kết giảm so với năm 2019, chỉ có 37 HTX, trên 40 THT cùng 20 DN, cơ sở kinh doanh thực hiện liên kết. Diện tích thực hiện liên kết là 23.200ha, sản lượng trên 163.000 tấn, chiếm 11,5% tổng diện tích sản xuất.

Nguyên nhân dẫn đến các HTX NN còn ngần ngại khi tham gia liên kết là do tính liên kết trong nông dân (thành viên HTX ) chưa cao. Yêu cầu của nông dân là phải “đặt cọc” trước trong khi các tập đoàn, công ty liên doanh nước ngoài không có tiền lệ này. Khi xảy ra tranh chấp, hợp đồng lại thiếu cơ sở pháp lý để giải quyết nên đa số sản phẩm của thành viên được tiêu thụ qua thương lái với giá cả bấp bênh và không ổn định.

Bên cạnh đó, chính sách đầu tư của DN có đa dạng về hình thức nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của nông dân. Việc kiểm tra dư lượng phân thuốc, độ ẩm chưa được thống nhất từ 2 phía dẫn đến tình trạng phá vỡ hợp đồng, khiến người nông dân mất niềm tin khi tham gia liên kết sản xuất – tiêu thụ nông sản.

Hiện nay, một số HTX NN thường tập trung hoạt động các dịch vụ đầu vào như: cung ứng giống, vật tư, thủy lợi,... mà chưa quan tâm đến các dịch vụ đầu ra như khâu bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên cũng như nông dân trong vùng.

Hiện chỉ có 66/168 HTX NN có trụ sở làm việc, số còn lại phải thuê, mượn văn phòng ấp làm trụ sở; kết cấu hạ tầng yếu kém; máy móc, thiết bị lạc hậu gây hạn chế trong quá trình tổ chức sản xuất và liên kết tiêu thụ cho thành viên và nông dân trong vùng. Cùng với đó, năng lực hoạt động của các HTX NN trong tỉnh còn nhiều hạn chế, đội ngũ cán bộ quản lý HTX phần đông đã lớn tuổi, yếu về năng lực chuyên môn và chưa tìm được đội ngũ trẻ để kế thừa. Bên cạnh đó, một số HTX chưa phát huy lợi thế, nội lực của mình để phát triển thành viên, tăng vốn góp để mở rộng dich vụ và vẫn còn tâm lý trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.


Sản xuất lúa giống ở Hợp tác xã Tân Bình (Thanh Bình)

Để mô hình HTX NN ngày càng phát huy hiệu quả

Đứng trước thực trạng trên, để mô hình HTX NN ngày càng phát huy hiệu quả và gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, ngành nông nghiệp định hướng việc phát triển HTX NN trong thời gian tới chính là lợi ích mà các thành viên đạt được so với trước khi tham gia vào HTX. Bên cạnh đó, chỉ thành lập mới HTX khi có sự đồng thuận cao của nông dân, các thành viên sẵn sàng góp vốn cho HTX theo phương án sản xuất được Đại hội thành viên thông qua. Theo đó, Hội đồng quản trị, Giám đốc phải là người có năng lực, uy tín để điều hành hoạt động HTX....

Mặt khác, tỉnh tiếp tục kiện toàn, củng cố bộ máy quản lý HTX NN hiện có, bổ sung cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng làm việc tại HTX NN, bồi dưỡng kiến thức quản lý kinh tế cho cán bộ HTX. Đồng thời đẩy mạnh công tác chuyển giao, ứng dụng công nghệ mới cho các HTX trong sản xuất nông nghiệp, nhằm tạo ra sản phẩm mới có chất lượng, năng suất cao, đặc thù của HTX. Bên cạnh đó, hỗ trợ kết nối giữa HTX với DN để tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến tiêu thụ.

Theo Sở NN&PTNT, để thực hiện có hiệu quả các định hướng trên, ngành nông nghiệp tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp đó là ban hành Kế hoạch thực hiện liên kết tiêu thụ nông sản của ngành NN&PTNT năm 2020; đồng thời tham mưu thành lập Tổ tư vấn Kinh tế tập thể cấp tỉnh để vân động, tuyên truyền, hỗ trợ hoạt động các HTX NN. Thông qua các cuộc họp Hội quán, THT, đề xuất các ban, ngành, địa phương tuyên truyền sâu rộng đến nông dân về lợi ích của việc tham gia vào HTX. Mặt khác, tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ từ các tổ chức phi Chính phủ để hỗ trợ các HTX thực hiện các đề án, dự án.


Diện tích nhãn trên địa bàn tỉnh hiện nay liên kết chưa nhiều

Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, cải tiến và phát triển bao bì hàng hóa, xây dựng thương hiệu cho nông sản, tạo thuận lợi việc tiêu thụ cho nông dân. Ngoài ra, nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu, kết nối giữa vùng sản xuất với hệ thống phân phối; kết nối giữa thị trường trong nước với quốc tế.

Song song đó, tỉnh tiếp tục rà soát và thực hiện đồng bộ các chính sách của Trung ương, triển khai có hiệu quả các chính sách đặc thù của tỉnh nhằm hỗ trợ các HTX NN, THT, nông dân các khâu sản xuất, sơ chế, chế biến và thương mại nhằm khuyến khích và tạo điều kiện cho chuỗi ngành hàng nông sản phát triển bền vững.

Đặc biệt trong năm 2020, Sở NN& PTNT đang triển khai xây dựng Đề án nông nghiệp thông minh giai đoạn 2021 – 2030 với mục tiêu đến năm 2030 trên 50% HTX, Hội quán ứng dụng công nghệ để truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đây là điều kiện cần thiết góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản trước sức ép hội nhập kinh tế quốc tế và là chìa khóa để các HTX tham gia vào chuỗi giá trị liên kết cùng các đối tác lớn trong và ngoài nước.

MN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn