Công tác dập dịch chổi rồng vẫn còn là bài toán khó

Cập nhật ngày: 13/07/2012 09:13:34

Dịch bệnh chổi rồng “nổi lên” như một vấn nạn đối với người trồng nhãn và đặc biệt với người dân Châu Thành - huyện có diện tích nhãn lớn nhất tỉnh. Để giảm bớt thiệt hại, UBND tỉnh, huyện đã họp bàn đưa ra giải pháp, hỗ trợ nhằm giúp người dân dập dịch đạt hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn...


Dịch bệnh chổi rồng trên cây nhãn

Theo thống kê từ năm 2011 đến cuối tháng 4-2012, toàn huyện Châu Thành có 230,6ha nhãn đã bị đốn do dịch bệnh chổi rồng. Hiện nay, UBND tỉnh đã tiếp sức với nông dân trồng nhãn bằng việc hỗ trợ thuốc phun xịt dập dịch. Cụ thể, cấp cho huyện 5.304,33 lít thuốc Suprex 73 EC để triển khai dập dịch chổi rồng hại nhãn. Song song đó, tỉnh tiến hành hỗ trợ tiền cho những hộ bị thiệt hại do bệnh chổi rồng theo Quyết định 142 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, đối với phòng trị thì tỉnh chỉ hỗ trợ một lần phun xịt, trong khi theo tính toán việc phun xịt triệt để nhằm dập dịch chổi rồng là khoảng 10 lần. Trong điều kiện thực tế, người dân đang phải đối mặt với nguồn thu sản phẩm bị mất do dịch xảy ra thì nay phải tốn kém thêm một phần chi phí lớn để dập dịch nên khiến người trồng nhãn thêm áp lực.

Tại các cuộc họp liên quan đến vấn đề này, các đơn vị sở, ngành đều có ý kiến thống nhất, để dập dịch hiệu quả phải đẩy mạnh sự đồng bộ từ các nhà vườn, nhằm tránh sự lây nhiễm từ đối tượng này sang đối tượng khác. Với điều kiện trên, người nông dân phải cắt cành tạo đọt theo thời gian quy định. Tuy nhiên để làm được việc đó, toàn huyện cần phải có một lượng nhân công khá lớn, trong khi nhân công tại địa phương chỉ có hạn.

Trước tình hình dịch bệnh bùng phát, các nhà khoa học, nghiên cứu đã bắt tay vào công tác dập dịch qua những mô hình thí điểm, trình diện mở hướng đi mới trong việc dập dịch để người dân an tâm sản xuất nhưng hiệu quả mang lại chưa cao.

Theo đánh giá từ Ban chỉ đạo, công tác dập dịch chổi rồng thời gian qua chưa mang lại hiệu quả. Khi cây ra cơi đọt I tỷ lệ bệnh có giảm mạnh, nhưng khi ra cơi đọt II tỷ lệ bệnh tăng lên, đến khi ra tiếp cơi đọt sau hoặc cho bông thì tỷ lệ lại tăng mạnh trên 50%. Ông Huỳnh Minh Phụng - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho hay, hiện nay có một số nông dân họ chỉ cho ra một cơi đọt để làm bông (khuyến cáo làm 2 cơi đọt), mặc dù năng suất cho trái ít hơn nhưng dịch bệnh được giảm sút. Tuy nhiên, điều này cần theo dõi giám sát, ghi nhận cụ thể để đúc kết kinh nghiệm và tổ chức hội thảo nhân rộng mô hình.

Theo Ban chỉ đạo huyện, thời gian tới huyện sẽ tiếp tục tập trung tổ chức thực hiện kế hoạch của tỉnh, huyện về dập dịch chổi rồng. Theo đó, tuyên truyền nông dân thực hiện tốt quy trình phòng trừ bệnh và chăm sóc quản lý dinh dưỡng để cây nhãn phát triển tốt; tiếp tục triển khai công tác dập dịch trên toàn huyện, phấn đấu tất cả các vườn nhãn bị nhiễm bệnh trong huyện đều thực hiện quy trình dập dịch. Trong công tác trên, huyện cũng lưu ý đến việc không để bỏ sót vườn cây nào, nhằm tránh lưu tồn mầm bệnh và lây lan sang vườn khác.

Tuy nhiên, đây vẫn còn là bài toán khó đối với công tác dập dịch chổi rồng. Do công tác này cần thực hiện đồng loạt trong khi hầu hết nhãn tại địa bàn huyện đã trồng lâu năm có tán lá rộng nhiều tầng nên rất khó phun xịt để thuốc tiếp xúc toàn bộ với nhện trong vườn. Trong khí đó, để tiến hành làm những công việc trên thì lượng nhân công tại địa phương lại khá hạn chế, ngoài ra trên cùng một cây việc ra đọt, ra bông cũng không đồng loạt nên gây khó khăn rất nhiều trong việc phun xịt... dẫn đến nhện có cơ hội sống sót và tiếp tục lây lan.

Ông Huỳnh Minh Phụng - Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện cho biết: “Hiện nay, công tác dập dịch đồng loạt đang là vấn đề khó có nhiều yếu tố khác nhau. Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền vận động để người dân tham gia đồng loạt nhưng người dân có đồng hành với chính quyền địa phương không thì vẫn còn bỏ ngõ, do ngành Nông nghiệp không có cơ sở để chế tài bắt buộc họ thực hiện”.

K.D

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn