Chọn hướng đi phù hợp để phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương

Cập nhật ngày: 07/04/2021 06:07:45

ĐTO - Ngày 6/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp trực tuyến thường kỳ tháng 3/2021 với chuyên đề “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp (TCCNN) gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM)”. Phiên họp do Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Tấn Bửu đồng chủ trì.


Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa phát biểu chủ trì cuộc họp

Tại cuộc họp, ông Trương Hòa Châu, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thông tin, quý I năm nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới và xuất hiện trở lại, lây lan trong cộng đồng do biến thể mới của vi-rút ở một số địa phương trong nước vào cuối tháng 1 đã tác động và ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân. Nhờ sự chủ động, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cùng với sự chung tay, góp sức của cộng đồng doanh nghiệp (DN) và Nhân dân tỉnh nhà trong việc thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) trong trạng thái bình thường mới với tinh thần “chống dịch như chống giặc” nên tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh những tháng đầu năm vẫn duy trì đà phát triển và có những điểm sáng.

Sản xuất nông nghiệp tiếp tục duy trì đà phát triển. Tinh thần tự nguyện, tự lực, tự quản trong Nhân dân tiếp tục được duy trì nhờ sự kết nối của mô hình Hội quán nông dân, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác. Đến nay, toàn tỉnh có 110 Hội quán được thành lập với 5.945 thành viên. Toàn tỉnh hiện có 180 HTX nông nghiệp đang hoạt động ổn định với 28.800 thành viên.

Sản xuất công nghiệp giữ đà phát triển trong tình hình nhiều khó khăn; môi trường đầu tư, kinh doanh, hoạt động DN được quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển. Đến cuối tháng 3, có 143 DN thành lập mới với tổng vốn đăng ký 1.189 tỷ đồng (tăng 5,93% so với cùng kỳ 2020). Tổng số DN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh là gần 4.200 DN. Công tác xúc tiến đầu tư được tập trung thực hiện; hoạt động tài chính, tín dụng đạt kết quả khả quan. Đến nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh được kiểm soát tốt, chưa ghi nhận trường hợp nhiễm bệnh trong cộng đồng. Tình hình an ninh biên giới và an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội toàn tỉnh tiếp tục được giữ vững ổn định...

Trình bày tham luận về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong TCCNN gắn với ngành hàng chủ lực và xây dựng NTM năm 2021, ông Nguyễn Phước Thiện, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, trong quý 1, việc triển khai thực hiện TCCNN gắn với xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh tiếp tục đạt một số kết quả tích cực. Ước giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản (giá so sánh năm 2010) đạt 16.652 tỷ đồng (bằng 36,37% kế hoạch năm 2021 và tăng 0,69% so cùng kỳ, tương ứng 115 tỷ đồng). Trong đó, tái cơ cấu đối với 5 ngành hàng chủ lực tiếp tục được quan tâm. Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM đạt nhiều kết quả tích cực. Ông Nguyễn Phước Thiện cũng trình bày những đề xuất và các nhóm giải pháp cụ thể của ngành NN&PTNT nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu TCCNN gắn với xây dựng NTM năm 2021...

Tại các điểm cầu trong tỉnh, cuộc họp cũng nhận được nhiều ý kiến, tập trung thảo luận, phân tích sâu đề cập đến công tác phòng, chống dịch Covid-19; vấn đề phá thế độc canh cây lúa, việc chọn các ngành hàng phù hợp trong thực hiện đề án TCCNN, sản xuất nông nghiệp phải đi đôi với bảo vệ môi trường; giải pháp để phát triển, nâng cao chất lượng ngành hàng lúa gạo; liên kết tiêu thụ lúa gạo; duy trì và phát triển các thương hiệu đặc sản của địa phương; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức nhằm tạo được sự đồng thuận của người dân trong xây dựng NTM...

Cuộc họp cũng đề ra 11 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm quý 2 năm nay. Theo đó, tỉnh bám sát diễn biến của dịch Covid-19, tiếp tục phòng, chống dịch với tinh thần “vắc-xin + 5K”; theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, dịch bệnh phát sinh trên cây trồng, vật nuôi, kịp thời có giải pháp phòng trừ hiệu quả; thường xuyên đối thoại, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tăng cường công tác kiểm soát, phòng, chống dịch tại khu vực biên giới; đẩy nhanh tiến độ cấp thẻ căn cước công dân...

Chủ trì cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa ghi nhận các ngành, các cấp trong tỉnh thời gian qua đã có nhiều nỗ lực, tập trung phát huy được những tiềm năng, lợi thế của Đồng Tháp. Đáng ghi nhận là việc tập trung tháo gỡ khó khăn, thiết lập được môi trường kinh doanh thu hút đầu tư và tạo được niềm tin trong Nhân dân và cộng đồng DN...

Đề cập đến chuyên đề chính của phiên họp liên quan đến thực hiện TCCNN gắn với xây dựng NTM, Chủ tịch nhấn mạnh, Đồng Tháp là tỉnh nông nghiệp, mục tiêu xuyên suốt hướng đến của tỉnh trong thời gian tới là phát triển nông nghiệp phải đi vào chiều sâu và chiều rộng, nâng cao giá trị và tăng thu nhập người sản xuất; kinh tế đi theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế số...Chủ tịch yêu cầu, thời gian tới, từ nền tảng 5 ngành hàng chủ lực, các địa phương trong tỉnh phải chọn hướng đi phù hợp để phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương một cách bền vững. Việc xây dựng NTM, phải chú trọng phát huy vai trò chủ thể của người dân...

Chủ tịch Phạm Thiện Nghĩa đề nghị các ngành, địa phương chú trọng tháo gỡ khó khăn cho các DN; tạo điều kiện phát huy được nhiều ý tưởng để hướng đến xây dựng một địa phương khởi nghiệp không ngừng vươn lên. Chủ tịch cũng lưu ý, ngành nông nghiệp phải quan tâm công tác phòng, chống hạn phục vụ cho sản xuất nông nghiệp khi mùa khô đang đến; Công ty Cổ phần Cấp nước và Môi trường đô thị Đồng Tháp chủ động có phương án đảm bảo nguồn nước sạch sinh hoạt cho người dân trong tỉnh. Đặc biệt, các ngành, các cấp phải tập trung quan tâm, thực hiện tốt công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Chủ trì cuộc họp, Chủ tịch Phạm Thiện Nghĩa cũng nhắn nhủ các sở, ngành, địa phương phải giữ tâm thế chủ động, vững vàng, đổi mới, sáng tạo trong phương thức lãnh đạo, điều hành. Đặc biệt, phải phát huy sự đoàn kết, thống nhất của cả hệ thống chính trị trong triển khai, thực hiện nhiệm vụ để đạt được hiệu quả cao nhất trên mọi phương diện.

Thanh Hiền

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn