Chinh phục thị trường nội địa trước khi vươn ra biển lớn

Cập nhật ngày: 05/09/2019 09:35:41

ĐTO - Trước thực trạng nông sản ngoại đang dần lấn sân và chi phối người tiêu dùng nội địa tại các kênh phân phối hiện đại, đồng thời nhận thức sâu sắc tiềm năng tại thị trường trong nước, một số nông dân, hợp tác xã (HTX) đã bắt đầu thay đổi phương thức sản xuất để “chinh phục” người tiêu dùng trong nước.


Người tiêu dùng góp phần quan trọng để nông sản nội được “lên ngôi”

Chinh phục thị trường nội địa bằng chất lượng

Cũng như nhiều nhà vườn trồng xoài ở tỉnh Đồng Tháp, trước khi sản xuất xoài theo hướng hữu cơ, vườn xoài của ông Nguyễn Phú Hiệp ở xã Mỹ Hội, huyện Cao Lãnh cũng không có nhiều khác biệt so với vườn các vườn xoài khác. Xoài của ông Hiệp vẫn bán trôi nổi ngoài thị trường và thường xuyên bị ùn ứ vào chính vụ.

Tuy nhiên, năm 2013, sau khi tham dự một khóa học về sản xuất xoài theo hướng VietGAP, ông Hiệp bắt đầu có sự thay đổi. Khóa học giúp ông Hiệp hiểu hơn về thị trường nội địa và quyết tâm thay đổi.

“Tham dự các lớp tập huấn về sản xuất xoài an toàn, tôi nghe các chuyên gia thường nhắc câu “Nước đến chân rồi, nếu không thay đổi cách làm, bà con sẽ thua ngay trên sân nhà”. Rồi tôi tự hỏi tại sao mình không thay đổi để thắng trên sân nhà mà cứ ngồi chờ chết”, ông Hiệp bộc bạch.

Từ nền tảng sản xuất VietGAP, ông Hiệp mạnh dạn sản xuất xoài theo hướng hữu cơ. Nhờ thay đổi cách làm và không ngừng học hỏi nên ông Hiệp đã sớm được doanh nghiệp để ý và bao tiêu sản phẩm. Không những làm một mình, ông còn “rủ rê” những nhà vườn lân cận cùng sản xuất theo hướng hữu cơ để bán cho doanh nghiệp. Năm 2014, toàn bộ sản lượng xoài của Tổ hợp tác (THT) sản xuất dịch vụ xoài Bà Két, xã Mỹ Hội, huyện Cao Lãnh do ông Hiệp làm Tổ trưởng đã được Công ty Đại Thuận Thiên, TP.Cần Thơ bao tiêu với mức giá cao hơn gấp 2 – 3 lần so với mức giá ngoài thị trường.

Ông Hiệp tâm sự: “Chất lượng của xoài sản xuất theo hướng hữu cơ hoàn toàn khác biệt so với trái xoài trồng bình thường. Do không bón phân hóa học, không phun xịt chất tăng trưởng, hương vị trái xoài đậm đà và ít hư thúi hơn. Tôi có thể mạnh dạn bảo hành cho doanh nghiệp xoài của tôi không hư thúi trong vòng 3 – 5 ngày, đây là điều mà không phải nhà vườn nào cũng dám mạnh dạn cam kết”.

Nhằm nỗ lực chứng minh chất lượng trái xoài của mình làm ra, ngoài chuyện bảo hành ngày sử dụng, ông Hiệp và các tổ viên còn tính đến chuyện gắn tem truy xuất nguồn gốc lên từng trái xoài. Các thành viên trong THT sản xuất dịch vụ xoài Bà Két mong muốn thông qua chiếc tem truy xuất nguồn gốc, khách hàng sẽ tin tưởng hơn đối với trái cây nội địa. Và, họ cũng muốn thể hiện sự cầu thị và dám chịu trách nhiệm với sản phẩm mình làm ra.

Không riêng ở THT sản xuất dịch vụ xoài Bà Két, hiện nay, nhiều nhà vườn cũng bắt đầu thay đổi tâm lý, vì họ hiểu rằng sản xuất sạch không chỉ vì lợi ích cộng đồng, sức khỏe cho chính mình mà còn vì lòng tự tôn của dân tộc.

Đột phá để thắng trên sân nhà

Năm 2013, cùng chung số phận với nhiều loại nông sản khác, sản phẩm quýt đường của THT quýt đường xã Vĩnh Thới (tiền thân của HTX nông sản sạch Vĩnh Thới, huyện Lai Vung) dù được chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP nhưng vẫn bị thị trường đánh đồng về chất lượng và giá cả với sản phẩm quýt đường bình thường. Song, nhờ kiên trì đi theo con đường sản xuất sạch, đến năm 2016, sản phẩm quýt đường của THT này chính thức được Công ty VinEco của Tập đoàn Vingroup bao tiêu toàn bộ sản lượng.


Nhiều nhà vườn đang nỗ lực thay đổi cách làm để chinh phục thị trường nội địa. 
Ảnh: M.LÝ

Nhờ đảm bảo được uy tín với đối tác nên không những mặt hàng quýt đường được bao tiêu với mức giá ổn định mà ngày càng có nhiều mặt hàng trái cây của đơn vị đều được doanh nghiệp bao tiêu. Theo thống kê của HTX trái cây sạch xã Vĩnh Thới, năm 2018 đã có trên 5 loại trái cây của HTX được Công ty VinEco thu mua, với tổng sản lượng trên 700 tấn. Dự kiến của HTX, trong năm 2019, tổng sản lượng tiêu thụ tại các kênh siêu thị sẽ tăng lên 1.000 tấn. Hiện tại, ngoài làm nhà cung cấp cho Công ty VinEco, trái cây của HTX này còn có mặt tại hệ thống siêu thị Big C, dự kiến sắp tới sẽ tiếp tục có mặt tại hệ thống siêu thị Coopmart. Từ chỗ nông sản sạch làm ra không biết bán cho ai, bán ở đâu, thì hiện nay nông sản của HTX này gần như đã chen chân vào được phần lớn các hệ thống và kênh phân phối hiện đại. Vậy điều gì đã khiến cho HTX này trở thành lựa chọn trong mắt nhiều “ông lớn” tại thị trường nội địa. Theo ông Tống Văn Phong, Giám đốc HTX nông sản sạch Vĩnh Thới: “Bây giờ đất nước tiến bộ rồi, xu hướng tiêu dùng hiện nay cũng thay đổi. Để tồn tại thì bắt buộc mình phải sản xuất sạch và minh bạch. Đừng nghĩ nông sản xuất khẩu mới có yêu cầu khắt khe, thị trường nội địa bây giờ cũng gắt gao không kém. Để tồn tại thì sản xuất sạch có truy xuất nguồn gốc là yêu cầu đầu tiên, yêu cầu tiếp theo là phải không ngừng đổi mới nắm bắt xu hướng của người tiêu dùng để kịp thời cung cấp sản phẩm phù hợp...”.

Dù được nhiều “ông lớn” lựa chọn làm đối tác, song để chinh phục thị trường nội địa, đơn vị này cũng gặp không ít rào cản. Sau khi bán hàng cho doanh nghiệp, HTX cũng theo chân sản phẩm của mình đến tận các siêu thị. “Đến siêu thị mình mới thấy vì sao người tiêu dùng trong nước vẫn khá ưu ái nông sản nhập khẩu. Đầu tiên là nông sản ngoại có mùi vị mới lạ với người tiêu dùng trong nước. Thứ hai là các nhà bán lẽ khá ưu ái cho trái cây nhập khẩu khi lên kệ, so với trái cây nội địa cách trưng bày trái cây ngoại bắt mắt hơn. Sau đợt ghi nhận đó, chúng tôi đã mạnh dạn phản ánh với đối tác để trái cây của đơn vị chúng tôi nói riêng và trái cây nội nói chung được chăm chút tốt hơn và được doanh nghiệp ghi nhận” - anh Đỗ Hiếu Nghĩa, thành viên HTX nông sản sạch Vĩnh Thới chia sẻ.

Suy cho cùng, để nông sản nội có thể cạnh tranh tốt thì bản thân người sản xuất cố gắng thay đổi, đột phá vẫn là chưa đủ. Trái cây nội muốn tạo được vị thế trong lòng người tiêu dùng trong nước vẫn rất cần có sự chung tay của các doanh nghiệp và sự thay đổi về nhận thức, thói quen mua sắm của người tiêu dùng.

Theo thống kê của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng giá trị mặt hàng rau quả nhập khẩu là gần 1 tỷ USD, tăng trên 35% so với cùng kỳ năm 2018.

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn