Cần phát triển nông nghiệp theo nhu cầu thị trường

Cập nhật ngày: 07/07/2017 18:03:21

ĐTO - Đó là đề nghị của Bí thư Tỉnh Ủy Lê Minh Hoan đến các sở, ngành, địa phương tại hội nghị trực tuyến thường kỳ tháng 6 được tổ chức vào ngày 7/7, tại UBND tỉnh Đồng Tháp.


Quang cảnh hội nghị

Trong 6 tháng đầu năm 2017, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục có bước phát triển, giá trị nông sản, sản phẩm công nghiệp chủ lực đều tăng so với cùng kỳ. Theo số liệu thống kê của UBND tỉnh, 6 tháng đầu năm 2017 ước tăng trưởng GRDP đạt 5,4%. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp tăng gần 6,4%; thương mại - dịch vụ tăng 8,8%; xây dựng tăng gần 4,7%. Riêng lĩnh vực nông nghiệp có mức tăng trưởng khá thấp, đạt 1,64%, thấp hơn mức tăng trưởng 2,65% của cả nước.

Ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, mức tăng trưởng của ngành nông nghiệp trong 6 tháng đầu năm đạt thấp do nhiều nguyên nhân như ảnh hưởng từ diễn biến thời tiết, việc các ngành hàng chủ lực có khuynh hướng giảm diện tích sản xuất đã làm ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng chung của tỉnh.

Dù vậy nhưng ngành nông nghiệp đã mang lại những điểm sáng thông qua việc đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ như sử dụng phân bón thông minh; mô hình cài vùi phân bón; cấy lúa bằng máy, giảm giá thành sản xuất, đẩy mạnh cơ giới hoá… từ đó đã góp phần giảm giá thành sản xuất lúa từ 300 - 600 đồng/kg, tăng lợi nhuận cho người nông dân.


Đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp giúp nông dân giảm chi phí, tăng lợi nhuận

Đối với ngành Công Thương, nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ để tạo ra các sản phẩm giá trị gia tăng từ nông sản như chiết xuất tinh dầu cám gạo, chiết xuất tinh chất từ cây sen để làm dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng; đa dạng hóa sản phẩm chế biến từ nông sản (sữa sen, nấm rơm sạch, xoài sấy, bánh tráng xoài, mãng cầu xiêm sấy...) góp phần đưa giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng gần 6% trong 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, khó khăn đối với ngành Công Thương hiện nay là tình hình xuất khẩu hàng hóa giảm 1,9% so với cùng kỳ. Cụ thể là mặt hàng gạo xuất khẩu chỉ đạt 44,5% kế hoạch.

Đến dự và phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho rằng, cần thiết phải chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp. Theo đó, các mô hình khuyến nông cần có sự đổi mới, cán bộ khuyến nông không chỉ dừng lại ở việc hướng dẫn nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất mà họ còn phải khuyến cáo nông dân về thị trường, tiếp sức với bà con trong việc nâng cao giá trị nông sản. Ngoài ra, việc phát triển nông nghiệp phải dựa trên nhu cầu thị trường, tiến tới khai thác giá trị gia tăng nông sản thông qua các hình thức chế biến sau thu hoạch. Đây được xem là nền tảng thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp chế biến tỉnh nhà.

Cùng chung quan điểm trên, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dương còn đề nghị các ngành, địa phương cần tiếp tục hỗ trợ cho phong trào khởi nghiệp; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các công trình xây dựng cơ bản; rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh,…

Mỹ Lý

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn