Cần đẩy mạnh tìm đầu ra cho nông sản Đất Sen hồng?

Cập nhật ngày: 25/07/2016 13:16:04

ĐTO - Trong chuyến về thăm và làm việc tại Đồng Tháp gần đây, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đến thăm một số mô hình nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh. Một trong những vấn đề mà đồng chí Nguyễn Thiện Nhân còn băn khoăn và đặc biệt quan tâm là tìm đầu ra cho nông sản Đất Sen hồng.


Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân (thứ 4 bên phải qua) tham quan Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao

Cùng với lúa gạo, xoài, cá tra, vịt thì hoa kiểng cũng được xác định là ngành hàng chủ lực trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Đồng Tháp. Thời gian qua, tỉnh đã quan tâm đầu tư, vực dậy nghề trồng hoa kiểng truyền thống. Ngành hàng hoa kiểng có những bước tiến dài trong việc ứng dụng công nghệ cao. Nhiều cán bộ kỹ thuật được cử sang Hà Lan để nghiên cứu, học tập những tiến bộ kỹ thuật của nước bạn trong nghề trồng hoa kiểng để về hướng dẫn lại cho dân quê mình. Sự ra đời của Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao mở ra cơ hội phát triển cho nông nghiệp nói chung và hoa kiểng nói riêng.

Theo ông Phạm Hữu Phước - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Đồng Tháp, Trung tâm nghiên cứu, Ứng dụng, chuyển giao công nghệ cao vào sản xuất và cung ứng giống hoa kiểng, giống lúa, cây căn trái, rau màu, cây lâm nghiệp. Trung tâm có hệ thống nhà lưới, nhà màng theo công nghệ Hà Lan và Israel, khu trung bày hoa kiểng và dịch vụ sản xuất công nghệ cao rộng hơn 1ha. Gia đoạn 2016 - 2020, dự kiến mở rộng ra khoảng 5ha. Có phòng nuôi cấy mô và hệ thống nhà màng được trang bị khá hiện đại; trên 420ha đất chuyên sản xuất lúa giống...

Trung tâm đã lai tạo ra những giống lúa, rau màu... có chất lượng. Nhiều giống hoa kiểng mới, lạ, độc đáo cũng được Trung tâm cung ứng cho thị trường. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, những công nghệ cao mà Đồng Tháp thực hiện thì nhiều nơi cũng đã làm, nhất là TP.Hồ Chí Minh. Vấn đề là Đồng Tháp phải tạo ra những giống lúa, hoa kiểng phù hợp, đặc trưng để phục vụ nhu cầu của người dân trong và ngoài tỉnh. Trung tâm nên hướng đến việc bảo đảm đầu ra cho sản phẩm. Xây dựng Trung tâm trở thành nơi sản xuất, bán hoa kiểng, sản phẩm nông nghiệp, chứ không đơn thuần là bán giống. Ý tưởng bán đấu giá hoa kiểng (có thể thông qua mạng internet) là rất tốt, cần sớm triển khai.


Nhiều nông dân rất mong lúa được liên kết tiêu thụ

Sau hơn 10 năm thành lập, hiện nay, Hợp tác xã (HTX) hoa kiểng Tân Quy Đông (TP.Sa Đéc) hoạt động khá hiệu quả, xóa dần tập quán sản xuất hộ gia đình, nhỏ lẻ. HTX phối hợp xây dựng 5 tổ hợp tác gồm: sản xuất cây công trình; kiểng lá; hoa hồng... nhằm tổ chức mối liên kết ngang, tạo sản phẩm đồng đều về chất lượng, số lượng nhiều, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân mong muốn HTX hỗ trợ tích cực hơn nữa cho bà con về giống, quy hoạch, kỹ thuật, đặc biệt là giúp nông dân trong khâu tiêu thụ hoa kiểng.

“Chừng nào HTX chưa lo bán hoa cho bà con là chưa đáp ứng được mong muốn lớn nhất của xã viên. Tỉnh cần có hội nghị chuyên đề bàn bạc thành lập liên hiệp HTX hoa kiểng, hoặc liên kết với công ty kinh doanh hoa kiểng hỗ trợ nông dân tiêu thụ, thông qua các hình thức mở hội chợ, lập website quảng bá và bán hoa kiểng trực tuyến. Việc tiêu thụ sản phẩm tuy khó nhưng phải đặt lên hàng đầu để HTX hoạt động lâu dài. Sa Đéc muốn trở thành thành phố hoa thì phải có công nghệ tiêu thụ đặc thù, không thể để nông dân tự lo. Địa phương cũng cần hướng tới xây dựng thương hiệu hoa kiểng” - Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân lưu ý.

Tại HTX nông nghiệp Tân Bình (huyện Thanh Bình), vấn đề mà đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đặc biệt quan tâm cũng là cần có những giải pháp hữu hiệu trong việc giải quyết đầu ra cho sản phẩm. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, nông dân “khoái” HTX nhất ở chỗ: giúp họ có đầu vào tốt (giống, vật tư nông nghiệp giá rẻ, chất lượng...); tạo đầu ra sản phẩm ổn định. Thực tế việc tiêu thụ nông sản cho xã viên còn hạn chế. Vì vậy, tỉnh cần bàn bạc ráo riết hơn nữa việc tiêu thụ những cây, con chủ lực gắn với mô hình HTX để có hướng đi lâu dài, bền vững, nếu không thì sức phát triển HTX sẽ chựng lại.

Đẩy mạnh hợp tác liên kết thị trường, đặc biệt là liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ, giảm giá thành được xem là tinh thần cốt lõi của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Với truyền thống bao đời của người nông dân Việt Nam - cần cù, chịu khó, nay thêm sự hỗ trợ của Nhà nước, cơ quan chuyên môn về vốn, khoa học kỹ thuật thì việc sản xuất ra những nông sản có chất lượng, năng suất là điều trong tầm tay. Tuy nhiên, lời giải cho “bài toán” đầu ra của nông sản (hoa kiểng, trái cây, lúa gạo...) đòi hỏi phải có thời gian. Dù vậy, việc tiêu thụ cũng đã đạt những kết quả phấn khởi, một số diện tích lúa được liên kết tiêu thụ; xoài, nhãn, chanh “xuất ngoại”...

N.AN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn