Cần có sự đồng thuận, san sẻ từ các bên trong thực hiện chuỗi liên kết

Cập nhật ngày: 23/02/2017 09:24:34

ĐTO - Xác định thực hiện chuỗi liên kết là chìa khóa giúp nông dân chủ động hơn trong tiêu thụ lúa, thời gian qua ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đã có nhiều giải pháp thiết thực cho mô hình này.


Thu hoạch lúa đông xuân ở huyện Cao Lãnh

Cùng với nông dân ở nhiều tỉnh thành khác ở đồng bằng sông Cửu Long, hiện nay nông dân tỉnh Đồng Tháp đang vào giai đoạn cao điểm thu hoạch vụ lúa đông xuân 2016 - 2017. Mặc dù ảnh hưởng thời tiết, năng suất lúa năm nay giảm hơn so với cùng kỳ những năm trước nhưng bù lại  giá lúa năm nay khá cao và ổn định. Đây cũng là tiền đề giúp cho chuỗi liên kết tiêu thụ lúa ở các huyện thực hiện thuận lợi và hiệu quả hơn so với những năm trước.

Theo thống kê mới nhất của Trung tâm Khuyến nông Đồng Tháp, hiện đã có hơn 2.300ha lúa ở các huyện: Tân Hồng, Cao Lãnh, TX.Hồng Ngự được liên kết tiêu thụ với mức giá khả quan. Đặc biệt trong năm nay, các giống lúa cao sản được đánh giá có ưu thế hơn nhiều so với các giống lúa thường. Thời điểm hiện tại, giống  lúa VD - 20 được doanh nghiệp (DN) thu mua tại ruộng với giá dao động từ 6.800 - 7.000 đồng/kg, lúa Jasmine 85 từ 5.500 - 5.600 đồng/kg, trong khi đó lúa IR 50404 chỉ dao động ở mức giá 4.800 đồng/kg. Một số huyện thị khác cũng đang bước vào giai đoạn thu hoạch.

Trong vụ mùa này, phương thức liên kết sản xuất, tiêu thụ giữa DN và nông dân rất đa dạng như: thực hiện chuỗi liên kết từ đầu tư giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thu mua lúa; đầu tư vốn và tiêu thụ lúa; đầu tư chi phí đầu vào nhưng không bao tiêu lúa hoặc hình thức ngược lại...

Dù trong vụ lúa đông xuân 2016 - 2017, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp có nhiều DN tham gia chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa với nhiều hình thức đa dạng, tạo điều kiện thuận lợi cho người nông dân, các hợp tác xã liên kết, song mối liên kết này cũng chưa thật sự bền vững.

Ông Trần Văn Nhãn - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Đồng Tháp cho biết, nhìn chung việc thực hiện chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa năm nay có nhiều thuận lợi, song cũng như những năm trước, lợi ích giữa người nông dân và DN vẫn chưa thể hài hòa và đây vẫn là điểm nghẽn trong liên kết chuỗi ở ngành hàng lúa gạo hiện nay. Ở những trường hợp DN thực hiện liên kết cung ứng vật tư đầu vào thì vẫn chưa phù hợp với yêu cầu thực tế của nông dân. Cụ thể, giá bán vật tư của các công ty còn cao hơn so với giá thị trường hoặc nhiều trường hợp vật tư của công ty cung ứng không phù hợp với yêu cầu sử dụng của nông dân. Ở một số nơi vào thời điểm lúa thu hoạch rộ, giá lúa biến động theo hướng sụt giảm vẫn còn tình trạng cả nông dân lẫn DN không tuân thủ hợp đồng... Đây là một trong nhiều cái khó cho việc mở rộng mô hình liên kết chuỗi.

Bên cạnh những khó khăn trên, thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh cũng xác định một trong những vấn đề khó khăn của ngành hàng lúa gạo chính là tạo được sự đồng nhất về chất lượng, đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm. Do đó, bắt đầu từ vụ lúa đông xuân 2016 - 2017, ngành nông nghiệp tỉnh đã triển khai và nhân rộng các mô hình sản xuất lúa theo hướng an toàn, hướng dẫn nông dân tuân thủ các yêu cầu về cách ly và sử dụng thuốc hóa học đúng cách, bước đầu các mô hình sản xuất lúa an toàn đã được gắn kết với DN tiêu thụ.

Thông tin về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Đồng Tháp cho biết, việc tổ chức tập huấn và triển khai các mô hình về sản xuất lúa đảm bảo theo quy trình, đảm bảo đạt chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm là một trong những nhiệm vụ thường niên được ngành nông nghiệp triển khai ở các huyện, thị. Hiện nay trong các buổi tập huấn sản xuất, triển khai mô hình trình diễn, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, lồng ghép các nội dung liên quan đến vấn đề  sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, hướng dẫn cách nhận biết các danh mục thuốc và hoạt chất cấm sử dụng ở các thị trường nhập khẩu khó tính để nông dân chủ động hơn trong sản xuất. Ngoài ra, năm nay tỉnh cũng triển khai thí điểm mô hình sản xuất lúa an toàn gắn với liên kết tiêu thụ trên diện tích 300ha ở huyện Tháp Mười và Tam Nông. Trong các vụ mùa tới, tỉnh sẽ tiếp tục nhân rộng và phát triển mô hình này. Đây là giải pháp để từng bước nâng cao chất lượng hạt gạo của địa phương.

Phát triển mô hình liên kết là giải pháp tất yếu cho một nền nông nghiệp bền vững, song vấn đề hiện nay là cần có sự đồng thuận và tham gia nhiệt tình hơn nữa từ các bên trong chuỗi liên kết. Nông dân không thể tồn tại nếu không có DN và ngược lại DN sẽ không có sản phẩm chất lượng để bán khi người nông dân vẫn “cố thủ” cách làm cũ. Đã đến lúc DN và nông dân cùng ngồi lại, bắt tay và san sẻ những khó khăn, lợi ích để cùng nhau tồn tại.

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn