Bác sĩ Phượng và niềm đam mê với trà cỏ ngọt

Cập nhật ngày: 18/03/2021 09:54:12

ĐTO - “Trước đây, chưa bao giờ tôi nghĩ mình sẽ làm thêm công việc mới ở cái tuổi 40 thế này. Nhưng từ lúc biết đến cây cỏ ngọt và công dụng tuyệt vời của nó trong việc hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường, tôi đã mạnh dạn trồng thử nghiệm và chế biến loại thảo dược này. Tôi hi vọng sản phẩm trà cỏ ngọt của mình sẽ giúp cho ngày càng nhiều bệnh nhân có bệnh lý đái tháo đường được hỗ trợ điều trị bệnh hiệu quả và chi phí thấp hơn” - bác sĩ y học cổ truyền Trương Thị Hồng Phượng (SN 1981) ngụ xã Định Yên, huyện Lấp Vò kể.


Bác sĩ Trương Thị Hồng Phượng bên các sản phẩm của mình

Năm 2018, trong một lần tham dự buổi hội thảo chuyên đề về “Đái tháo đường” do Viện Y học Cổ truyền TP.Hồ Chí Minh tổ chức, bác sĩ Trương Thị Hồng Phượng được đồng nghiệp giới thiệu về tác dụng của cây cỏ ngọt trong việc hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường. Sau khi tìm hiểu những dược tính của loại thảo dược này, chị Phượng đã mang về quê nhà cho mẹ ruột mắc bệnh tiểu đường sử dụng thử. Sau khoảng 1 tháng sử dụng cỏ ngọt, không những giúp ổn định lượng đường huyết trong máu mà sức khỏe của bà cụ cũng có nhiều cải thiện so với trước.

Nhận thấy cỏ ngọt là một loại dược liệu quý và có nhiều dược tính phù hợp trong việc hỗ trị các loại bệnh thường gặp hiện nay như: cao huyết áp và tiểu đường, chị Phượng nảy ra ý tưởng sẽ mang cỏ ngọt về Đồng Tháp để trồng thử nghiệm. Song vì cỏ ngọt là loại cây ưa khí hậu mát mẻ ở những vùng ôn đới nên buổi đầu cỏ ngọt không thể thích nghi với điều kiện khí hậu của Đồng Tháp, cây không phát triển và chết hàng loạt khiến cho chị Phượng vô cùng lo lắng.

Sau thất bại buổi đầu, chị Phượng bắt đầu nghiên cứu kỹ hơn về đặc tính sinh trưởng của cỏ ngọt và điều chỉnh cách thức chăm sóc loại cây trồng mới này. Để giảm nhiệt độ và nắng nóng, chị Phượng tiến hành làm nhà lưới để che mát cho cỏ ngọt. Sau thời gian mài mò và chịu khó chăm sóc, cuối cùng cây cỏ ngọt đã bén rễ và phát triển tốt tại Đồng Tháp. Đầu năm 2019, những mẻ cỏ ngọt đầu tiên được chị Phượng thu hoạch, chế biến thành trà. Không chỉ dừng lại ở việc phục vụ cho gia đình, chị Phượng bắt đầu chia sẻ đến các phòng chẩn trị trực thuộc các Hội Đông y tại các huyện, thị, thành trên địa bàn tỉnh để góp phần giúp điều trị bệnh cho các bệnh nhân bị tiểu đường và huyết áp. Với những tác dụng mà cỏ ngọt mang lại, sản phẩm này không những được bệnh nhân tin tưởng mà còn được các phòng chẩn trị ở các huyện, thành tin dùng.

Bác sĩ Trương Thị Hồng Phượng cho biết, cỏ ngọt được nghiên cứu là có hàm lượng đường nhiều hơn gấp 300 lần so với đường mía, tuy nhiên sẽ không làm tăng lượng đường trong cơ thể đối với người sử dụng. Do vậy mà loại thảo dược này rất thích hợp với người bị tiểu đường, béo phì và huyết áp cao, có thể tận dụng những tác dụng của cỏ trong điều trị bệnh tiểu đường. Thành phần của cỏ ngọt sẽ thúc đẩy sự giải phóng insulin của tuyến tụy, tăng khả năng nhạy cảm của insulin với cơ thể và làm gan chậm sản xuất glucose. Chính vì vậy, việc sử dụng cỏ ngọt thay thế đường đối với những người bị bệnh tiểu đường sẽ giúp lượng đường trong máu giảm đi đáng kể, từ đó giúp ổn định lượng đường và tránh được những nguy hiểm do bệnh gây nên. Bên cạnh việc hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường, cỏ ngọt còn là vị dược liệu hữu ích được các thầy thuốc đông y dùng để trung hòa các vị thuốc đắng, giúp người bệnh uống thuốc được tốt hơn.

Hiện sản phẩm trà cỏ ngọt đóng túi Zepper hút chân không với thương hiệu Khang Thịnh của bác sĩ Trương Thị Hồng Phượng đã được Trung tâm Kiểm định và Kiểm nghiệm Đồng Tháp phân tích đạt tiêu chuẩn theo QCVN 8-2:2011 (Quyết định 46/2007/QĐ – BYT), đang được phân phối tại hầu hết các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh lân cận của khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Không chỉ dừng lại với sản phẩm trà cỏ ngọt, năm 2020, bác sĩ Phượng bắt đầu nghiên cứu và phát triển thêm một số dòng sản phẩm mới như: trà mãng cầu, bột nghệ đen, bột nghệ vàng được sử dụng trong việc hỗ trợ một số bệnh lý về dạ dày, thanh nhiệt cơ thể... Và, hiện chị Phượng cũng đang ấp ủ phát triển thêm một số dòng sản phẩm mới khác như: đường thẻ được tinh chế từ cây cỏ ngọt để phục vụ cho người có bệnh lý tiểu đường hoặc phục vụ cho người ăn kiêng...

Tâm sự về ngã rẽ khởi nghiệp của mình, chị Hồng Phượng trải lòng: “Khởi nghiệp không phải là chuyện dễ dàng dù có chuyên môn và am hiểu về dược liệu. Để bào chế một sản phẩm và trở thành sản phẩm thương mại thì không đơn giản. Khi khởi nghiệp phải học hỏi nhiều thứ hơn, vừa nghiên cứu vừa phải bán hàng, phát triển thị trường, tất cả đều rất mới mẻ đối với tôi. Dù khởi nghiệp gian nan, nhưng tôi thấy mình may mắn khi được sự giúp sức và hỗ trợ nhiệt tình từ các sở, ngành và địa phương. Nhờ sự tư vấn từ các đơn vị này nên tôi hiểu sản phẩm của mình cần cải tiến bao bì, cần làm thương hiệu và bán nó như thế nào. Nhờ tham gia các chương trình xúc tiến thương mại do Sở Công Thương tổ chức mà ngày càng có nhiều người tiêu dùng biết đến các sản phẩm của tôi”.

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn