“Vòng tròn kết nối” - điểm hẹn mới của doanh nghiệp khởi nghiệp tỉnh Đồng Tháp

Cập nhật ngày: 14/10/2019 06:14:00

ĐTO - Nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp có cơ hội giao lưu, kết nối các DN, doanh nhân trong tỉnh, Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu tỉnh Đồng Tháp (LBC –D), phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, Hội Doanh nhân trẻ tổ chức chương trình họp mặt với chủ đề “Vòng tròn kết nối”. Với hình thức tổ chức mới mẻ, chương trình thật sự là điểm đến bổ ích thu hút cộng đồng startup của tỉnh.


Startup giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp tại “Vòng tròn kết nối”

Chương trình “Vòng tròn kết nối” lần này có sự góp mặt của hơn 40 DN, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh. Nhiều sản phẩm khởi nghiệp đa dạng cũng được trưng bày và giới thiệu tại buổi họp mặt như: các dòng sản phẩm chế biến từ trái cây đặc trưng của tỉnh, cá khô các loại, rượu đinh lăng, sản phẩm từ sen... Tại buổi họp mặt, nhiều startup cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay của các DN khởi nghiệp là việc đưa sản phẩm tiếp cận người tiêu dùng, khó khăn trong việc huy động vốn đầu tư, thiết kế bao bì phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng...

Với mong muốn giúp sản phẩm khởi nghiệp của các startup hoàn thiện hơn, các thành viên của LBC – D cũng chia sẻ nhiều kinh nghiệm về phát triển thị trường cho sản phẩm mới, bí quyết giúp DN đẩy mạnh doanh số bán hàng, nghệ thuật marketing... Bên cạnh những chia sẻ về nghệ thuật quản trị - bán hàng, các thành viên LBC – D cũng thẳng thắn cho rằng, hiện nay phần lớn các sản phẩm khởi nghiệp chỉ dừng lại là chế biến thô, sản phẩm còn trùng lắp, một số sản phẩm bao bì vẫn chưa được đầu tư đúng mức... Đây là một trong nhiều nguyên nhân khiến một số sản phẩm khởi nghiệp khó tiếp cận thị trường và cạnh tranh.

Để giải quyết những điểm nghẽn, các thành viên LBC – D cho rằng, DN khởi nghiệp cần quan tâm nhiều hơn đến chất lượng sản phẩm; cần phải xây dựng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn quy trình, kiểm soát chất lượng sản phẩm nghiêm ngặt; đặt mình vào vai trò của người tiêu dùng để có thể cung cấp sản phẩm đến tay người tiêu dùng một cách tốt nhất. Để tăng khả năng cạnh tranh và tiết kiệm được nhiều chi phí trong sản xuất, giới chuyên môn cho rằng các startup nên liên kết lại với nhau nhằm tạo ra sản phẩm ưu việt hơn và có thể vươn xa hơn.

Ngoài ra, LBC – D cũng lưu ý các DN khởi nghiệp, hiện nay thế giới đang “nói không” với bao bì nhựa và đây sẽ là xu thế tiêu dùng trong tương lai. Vì vậy, startup Đồng Tháp cũng nên cập nhập xu thế này để có những điều chỉnh thiết kế bao bì sản phẩm phù hợp để tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm. Dịp này, cũng có nhiều DN đã kết nối và hợp tác với nhau. Một số giao dịch đã được thực hiện thành công tại “Vòng tròn kết nối”.

Với mong muốn giúp cho các startup lựa chọn loại hình kinh doanh phù hợp, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Câu lạc bộ LBC - D tổ chức tọa đàm “Lựa chọn loại hình doanh nghiệp”. Các thành viên LBC – D cung cấp thông tin, so sánh ưu - khuyết điểm của các loại hình DN theo Luật DN 2014. Theo phân tích, hiện nay, đa phần đơn vị khởi nghiệp ở Đồng Tháp dừng lại ở loại hình hộ kinh doanh cá thể. Đây là loại hình đơn giản về thủ tục nhưng hạn chế về uy tín, khó huy động vốn và vay vốn mở rộng. Trong từng giai đoạn, startup có thể thay đổi và lựa chọn loại hình kinh doanh phù hợp nhằm giúp DN mở rộng được quy mô kinh doanh và hoàn thiện hơn bộ máy quản trị và có thể tiến xa hơn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn