Nông dân Văn Công Dũng

“Khoác áo mới” cho kiệu Hội An Đông

Cập nhật ngày: 29/11/2016 13:39:07

ĐTO - Bằng tình yêu và niềm đam mê, ông Văn Công Dũng ở xã Hội An Đông, huyện Lấp Vò, đã giúp cây kiệu Hội An Đông có những bước đột phá trên thị trường.

Năm 2014, cây kiệu Hội An Đông được chính thức cấp chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa. Ông Dũng chia sẻ: “Khi cây kiệu được cấp chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa, nông dân trồng kiệu rất phấn khởi. Với kinh nghiệm hơn 3 đời trồng và kinh doanh kiệu, tôi hiểu rằng đây vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức. Bởi không riêng ở Hội An Đông, huyện Lấp Vò mới trồng được kiệu mà các địa phương khác đều có thể trồng được loại cây này. Vấn đề là làm sao phát triển được những sản phẩm chế biến từ cây kiệu thay vì cứ bán kiệu thô như trước nay”.


Ông Văn Công Dũng bên sản phẩm dưa kiệu tâm huyết của mình

Chính những trăn trở đó đã thôi thúc ông hướng tới quyết định mạnh dạn đăng ký thành lập Cơ sở Dũng Kiệu (ấp An Bình, xã Hội An Đông) vào năm 2015. Từ đây, ông Dũng bắt đầu tập trung đầu tư nhiều hơn vào khâu chế biến và món dưa kiệu được ông Dũng lựa chọn để khởi nghiệp, đây là món ăn truyền thống của gia đình cũng như của quê hương ông. Bằng công thức gia truyền và được sản xuất theo quy trình sạch, đảm bảo đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, sản phẩm dưa kiệu của cơ sở Dũng Kiệu dù mới đưa ra thăm dò thị trường, song đã chiếm được nhiều tình cảm của người tiêu dùng. Từ đầu năm đến nay, cơ sở cung cấp cho thị trường khoảng 8.000 hủ dưa kiệu các loại và sản lượng này dự kiến sẽ tiếp tục tăng gấp 3 lần vào dịp Tết Nguyên đán năm nay. Một trong nhưng bí quyết để sản phẩm được sự đón nhận mạnh mẽ của người tiêu dùng chính là uy tín và chất lượng. Ông Văn Công Dũng - chủ cơ sở sản xuất Dũng Kiệu tâm sự: “Dưa kiệu ở cơ Dũng Kiệu được làm theo công thức truyền thống của gia đình. Nguyên liệu chính là dấm gạo, đường và quan trọng nhất là cây kiệu của vùng đất Hội An Đông. Tất cả các nguyên liệu đó được phối trộn một cách hòa quyện, tạo ra hương vị đậm đà rất đặc trưng”.

Ngoài sản xuất dưa kiệu, cơ sở Dũng Kiệu cũng là đầu mối tiêu thụ sản phẩm kiệu tươi và kiệu giống rất lớn cho xã Hội An Đông. Hiện tại, kênh phân phối chính của cơ sở là các chợ đầu mối nông sản lớn ở TP.Hồ Chí Minh và một số chợ lớn ở đồng bằng sông Cửu Long. Trung bình mỗi tháng cơ sở Dũng Kiệu tiêu thụ khoảng 50 tấn kiệu cho nông dân ở huyện Lấp Vò. Vào những tháng cuối năm, sản lượng này tăng gấp 3 lần. Hiện tại, ông Văn Công Dũng đang nung nấu ý tưởng phát triển sản phẩm kiệu tươi sơ chế. Với sản phẩm này, kiệu sẽ được cắt tỉa, làm sạch vào cho vào bao bì hút chân không. Sản phẩm rất tiện lợi, chị em nội trợ chỉ cần về cắt bao bì và sử dụng ngay cho việc xào nấu, không cần phải tốn công nhặt rửa. Bên cạnh đó, phương pháp hút chân không cũng là giải pháp giúp kiệu được giữ tươi lâu hơn. Đây là một trong những định hướng mới mà ông Dũng đang ấp ủ.

Ngoài việc tìm được hướng đi mới cho cây kiệu quê nhà, cơ sở Dũng Kiệu còn là địa chỉ tạo nhiều việc làm thường xuyên cho người lao động. Trung bình mỗi tháng cơ sở giải quyết việc làm cho khoảng 50 nhân công với thu nhập thường xuyên từ  2,5 – 3 triệu đồng. Những tháng cuối năm số lượng lao động tăng gấp 3 lần ngày thường.

Sản phẩm dưa kiệu hay kiệu tươi hút chân không không mới, điều quan trọng là nông dân ở địa phương đã dám suy nghĩ khác đi cho con đường phát triển nông nghiệp của mình. Tin chắc rằng trong tươi lai, sản phẩm sau kiệu không chỉ dừng lại đó mà sẽ được chế biến đa dạng hơn và đây chính là cách để nông dân tự cứu lấy mình, mang lại giá trị gia tăng nhiều hơn từ sản xuất nông nghiệp.

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn