Sức hút từ cuộc thi Sáng tạo Thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh Đồng Tháp

Cập nhật ngày: 25/11/2020 15:24:06

ĐTO - Cuộc thi Sáng tạo Thanh, thiếu niên, nhi đồng (STTTNNĐ) tỉnh Đồng Tháp dành cho các em từ 6-19 tuổi. Đây được xem là sân chơi bổ ích, trí tuệ nhằm thỏa mãn đam mê sáng tạo cho các em học sinh. Cuộc thi STTTNNĐ tỉnh lần thứ 13 năm 2020 với những mô hình, sản phẩm được đầu tư cao, giàu tính nhân văn, giải quyết những vấn đề được xã hội quan tâm...


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp ấn tượng với các mô hình, sản phẩm tham gia cuộc thi

“Sân chơi” hấp dẫn cho học sinh

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp (Liên hiệp Hội) được UBND tỉnh giao nhiệm vụ là cơ quan thường trực cùng các Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh đoàn và một số ngành hữu quan phối hợp tổ chức Cuộc thi STTTNNĐ.

Để cuộc thi đạt được kết quả cao, Liên hiệp Hội trình UBND tỉnh ký ban hành Quyết định thành lập Ban tổ chức Cuộc thi STTTNNĐ lần thứ 13 năm 2020. Bên cạnh đó, Liên hiệp Hội còn ban hành công văn triển khai cuộc thi lần thứ 13 năm 2020 đến các huyện, thị, thành trong toàn tỉnh. Xác định công tác tuyên truyền có vai trò quan trọng cho sự thành công của cuộc thi, Ban tổ chức cuộc thi tích cực tuyên truyền mục đích, ý nghĩa, kế hoạch, thể lệ đến đông đảo các đối tượng trên địa bàn tỉnh với nhiều hình thức phong phú.

Đối với cuộc thi cấp huyện, được sự quan tâm của lãnh đạo các địa phương đã tác động mạnh đến tinh thần sáng tạo của tuổi trẻ. Qua đó, có 1.251 mô hình, sản phẩm tham gia dự thi. Kết quả có 216 mô hình, sản phẩm được trao giải thưởng.

Sau cuộc thi cấp huyện, các địa phương đã chọn lọc được 127 mô hình, sản phẩm tham gia cuộc thi cấp tỉnh thuộc 5 lĩnh vực: phần mềm tin học; dụng cụ sinh hoạt gia đình và đồ chơi trẻ em; sản phẩm thân thiện với môi trường; các giải pháp kỹ thuật nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế; đồ dùng học tập.

Theo Ban Tổ chức cuộc thi, các mô hình, sản phẩm dự thi năm nay có sự tham gia của cả ba cấp học với 98 đơn vị trường học thuộc 12 huyện, thị, thành phố. Để đánh giá các mô hình, sản phẩm dự thi đảm bảo tính chính xác, khoa học, khách quan, Ban tổ chức cuộc thi quyết định thành lập Hội đồng Giám khảo gồm các nhà khoa học, quản lý, chuyên môn đại diện cho các sở, ban, ngành, trường đại học trong tỉnh.

Hội đồng Giám khảo cuộc thi tiến hành chấm vòng sơ khảo, vòng chung khảo và phỏng vấn các mô hình sản phẩm. Với tinh thần tích cực, nhiệt tình, trách nhiệm, Hội đồng Giám khảo đánh giá, lựa chọn và đề nghị xếp giải 7 mô hình đạt giải Ba, 21 mô hình đạt giải Khuyến khích. Ngoài ra, Hội đồng Giám khảo lựa chọn 7 mô hình, sản phẩm tham gia dự thi Cuộc thi STTTNNĐ toàn quốc lần thứ 16 năm 2019 - 2020.

Theo Ban Tổ chức cuộc thi, đạt được kết quả trên là do UBND tỉnh quan tâm, tạo điều kiện thực hiện và sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành hữu quan. Đặc biệt là giữa Liên hiệp Hội với Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh đoàn, Sở Khoa học và Công nghệ, cơ quan truyền thông. Ngoài ra, sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các Ban Giám hiệu nhà trường, giáo viên và sự tích cực, nhiệt huyết của các tổ chức Đoàn trường trong việc tổ chức, triển khai hướng dẫn tới các học sinh, đoàn viên, đội viên là yếu tố dẫn đến sự thành công của “sân chơi” này.

Bên cạnh những kết quả đạt được, cuộc thi vẫn còn một số hạn chế như một số sản phẩm vẫn còn trùng lắp; mô hình, sản phẩm dự thi của các em học sinh các trường THPT trên địa bàn tỉnh còn ít, chiếm 8%. Ngoài ra, thời gian qua, tình hình của dịch Covid -19 cũng ảnh hưởng đến việc sáng tạo các mô hình, sản phẩm dự thi của các em học sinh.


Sản phẩm “máy lột vỏ tràm gia đình” cho năng suất cao

Nhiều mô hình, sản phẩm ấn tượng

Tại Ngày hội Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Tháp, với nội dung tổng kết Cuộc thi STTTNNĐ tỉnh Đồng Tháp lần thứ 13 năm 2020, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho rằng, cuộc thi năm nay thu hút nhiều mô hình, sản phẩm dự thi được các em đầu tư rất kỹ về tính thẩm mỹ, kỹ thuật hơn so với năm trước. Quan trọng hơn, việc tổ chức cuộc thi qua các năm đã tác động mạnh mẽ đến các tầng lớp Nhân dân, ươm mầm ý tưởng đổi mới sáng tạo, gắn với tạo ra sản phẩm khởi nghiệp, góp phần nâng cao hình ảnh của địa phương.

Thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của người dân. Đồng hành cùng cả nước chung tay phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng, em Hồ Huỳnh Trọng Nhân (lớp 6A7) và em Nguyễn Xuân Thùy (lớp 8A2) - Trường THCS Tràm Chim, huyện Tam Nông chế tạo bộ máy rửa tay ở nhà và ở trường (đạt giải Ba) mang tính thời sự cao. Sản phẩm này với ưu điểm có loa báo nhắc nhở các em rửa tay, bơm lượng dung dịch xà phòng vừa đủ nhằm chống lãng phí. Ngoài ra, thiết bị hỗ trợ nhận biết rửa tay đúng thời gian quy định bằng đèn led, tạo hứng thú cho các bạn học sinh.

Tham gia với cuộc thi năm nay, em Trần Lê Mỹ Duyên - lớp 4/6, Trường Tiểu học Lê Văn Tám, TP.Cao Lãnh sáng tạo bộ muỗng ăn cơm hỗ trợ người tàn tật, mang giá trị nhân văn sâu sắc (đạt giải Ba). Theo em Mỹ Duyên, trong một lần đi chợ với gia đình, em thấy một chú bị tật ở tay phải nhờ người khác hỗ trợ đút thức ăn. Với mong muốn giúp các cô, chú bị khuyết tật có thể “tự chủ” trong bữa ăn, em Mỹ Duyên đã mày mò, nghiên cứu chế tạo ra sản phẩm bộ muỗng ăn cơm đặc biệt này. Nguyên tắc vận hành thiết bị, phần ống dùng để đưa phần khủy tay vào trong thay thế như một cánh tay, bàn tay. Phần muỗng được gắn cố định trên đầu ống giúp múc thức ăn dễ dàng, hạn chế bị rơi đổ.

Với “sân chơi” đầy hấp dẫn, cuộc thi năm nay còn thu hút các em học sinh lớp 1 thử sức với cuộc thi. Đó là 2 em Đặng Nguyễn Khánh Bình (lớp 1A7) và em Dương Phú Khang (lớp 1B1), Trường Tiểu học An Thạnh 2, TP.Hồng Ngự với sản phẩm đế cắm viết đa năng, thông minh (giải Khuyến khích). Sản phẩm này sở hữu nhiều chức năng hữu dụng như: đèn thắp sáng, đèn ngủ, lịch vạn niên, đồng hồ xem giờ...

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa, đối tượng thanh niên, sinh viên, học sinh là lực lượng nòng cốt, có tri thức mới, năng động luôn khao khát cống hiến. Để Cuộc thi STTTNNĐ năm 2021 đạt kết quả tốt hơn và tạo sức lan tỏa rộng khắp, ngoài các em học sinh đang cắp sách đến trường thì cần quan tâm đến nhóm đối tượng là các em nằm trong độ tuổi tham gia cuộc thi nhưng đã nghỉ học; các em tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; trung tâm giáo dục thường xuyên của địa phương...

Y DU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn