Chính sách khuyến khích hoạt động khoa học và công nghệ tại cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Cập nhật ngày: 16/04/2024 09:54:02

ĐTO - Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Tháp xây dựng dự thảo chính sách khuyến khích hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) tại cơ sở giáo dục (CSGD), CSGD nghề nghiệp và hỗ trợ hoạt động sáng tạo của đối tượng không chuyên trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

1. Mục đích xây dựng văn bản

Cần có chính sách khuyến khích nghiên cứu khoa học trong lực lượng học sinh, sinh viên, học viên tại CSGD, giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm: nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, góp phần phát hiện và bồi dưỡng nhân tài; phát huy tính năng động, sáng tạo, khả năng nghiên cứu khoa học độc lập của học sinh, sinh viên; hình thành năng lực nghiên cứu khoa học cho học sinh, sinh viên, học viên; góp phần tạo ra tri thức, sản phẩm mới cho xã hội trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Cần có chính sách về hỗ trợ các hoạt động sáng tạo không chuyên, nhằm thúc đẩy hoạt động lao động sáng tạo của các cá nhân, tổ chức trong lĩnh vực khoa học công nghệ (KHCN), thúc đẩy việc áp dụng có hiệu quả các giải pháp kỹ thuật mới vào lao động, sản xuất và đời sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Tháp.

2. Phạm vi điều chỉnh

Nghị quyết này quy định một số chính sách khuyến khích hoạt động KH&CN tại CSGD, CSGD nghề nghiệp và hỗ trợ hoạt động sáng tạo của đối tượng không chuyên trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

3. Đối tượng áp dụng

Nghị quyết này áp dụng đối với:

1. Các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề tài KHCN hoặc dự án sản xuất thử nghiệm (đề tài, dự án); cơ quan quản lý đề tài, dự án, cơ quan phê duyệt hỗ trợ hoạt động sáng tạo của đối tượng không chuyên; các tổ chức được giao chủ trì thực hiện đề tài, dự án được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

2. Đối tượng hoạt động KH&CN được điều chỉnh theo Quy định này bao gồm: học sinh (THCS, THPT, học sinh đang học chương trình trung cấp), học viên, sinh viên (không bao gồm sinh viên trong CSGD đại học) đang học tập tại các cơ sở đào tạo và CSGD nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh.

3. Đối tượng hoạt động sáng tạo không chuyên được điều chỉnh theo Quy định này bao gồm: cá nhân, nhóm cá nhân chưa có bằng tốt nghiệp từ cao đẳng trở lên; cá nhân, nhóm cá nhân có bằng tốt nghiệp (bằng) từ cao đẳng trở lên có hoạt động sáng tạo không cùng lĩnh vực chuyên môn với ngành nghề được đào tạo.

4. Nội dung cơ bản của chính sách

Nội dung dự thảo Nghị quyết được xây dựng với 6 Chương và 15 Điều, tập trung thực hiện 2 chính sách gồm: Chính sách khuyến khích hoạt động KH&CN tại CSGD, CSGD nghề nghiệp; Chính sách hỗ trợ hoạt động sáng tạo của đối tượng không chuyên trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp với nội dung cơ bản được thể hiện qua các Điều sau:

Điều 4. Nội dung hoạt động KH&CN tại CSGD, CSGD nghề nghiệp được hỗ trợ

Hoạt động KH&CN tại CSGD, CSGD nghề nghiệp được triển khai bằng hình thức đề tài KHCN hoặc dự án sản xuất thử nghiệm (đề tài, dự án) gồm các nội dung sau:

1. Nghiên cứu, triển khai ứng dụng các nội dung thuộc khung chương trình giáo dục, đào tạo, dạy nghề đã được ban hành.

2. Nghiên cứu, phát triển ứng dụng sản phẩm đã đạt giải tại các Hội thi sáng tạo kỹ thuật; Cuộc thi sáng tạo Thanh, Thiếu niên Nhi đồng; Cuộc thi khoa học kỹ thuật học sinh trung học từ cấp tỉnh trở lên.

3. Nghiên cứu hình thành và phát triển sản phẩm có tính ứng dụng thuộc chuyên môn đào tạo được giao.

4. Thực hiện các hoạt động về thông tin khoa học, tổ chức hội nghị hội thảo khoa học giới thiệu, công bố công trình khoa học từ kết quả hoạt động khoa học và công nghệ của CSGD, CSGD nghề nghiệp đã thực hiện.

Điều 7. Định mức hỗ trợ thực hiện đề tài, dự án tại CSGD, CSGD nghề nghiệp

Đề tài, dự án tại các CSGD, CSGD nghề nghiệp được hỗ trợ tối đa 300 triệu đồng đối với hình thức triển khai là đề tài và hỗ trợ tối đa 150 triệu đồng đối với hình thức triển khai là dự án.

Điều 9. Giải pháp sáng tạo của đối tượng không chuyên

1. Giải pháp kỹ thuật:

Giải pháp kỹ thuật là cách thức kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nhằm giải quyết một nhiệm vụ, một vấn đề xác định, bao gồm:

a) Sản phẩm dưới các dạng: vật thể (ví dụ: dụng cụ, máy móc, thiết bị, linh kiện); chất (ví dụ: vật liệu, chất liệu, thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm); hoặc giống cây trồng, giống vật nuôi.

b) Quy trình (ví dụ: quy trình công nghệ; quy trình chẩn đoán, dự báo, kiểm tra, xử lý, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt...).

2. Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, đời sống:

Giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật là phương pháp, cách thức hoặc biện pháp áp dụng một giải pháp kỹ thuật đã biết vào thực tiễn.

Điều 11. Nội dung và định mức hỗ trợ hoạt động sáng tạo của đối tượng không chuyên

Giải pháp sáng tạo của đối tượng không chuyên được hỗ trợ (thông qua hợp đồng giữa cơ quan phê duyệt hỗ trợ hoạt động sáng tạo của đối tượng không chuyên và đối tượng sáng tạo không chuyên) tối đa 300 triệu đồng.

Quý tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia góp ý, Chi tiết xem tại Trang thông tin điện tử Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Tháp. https://skhcn.dongthap.gov.vn

Ngọc Đào

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn