Nguyên nhân, hệ lụy của mất cân bằng dân số

Cập nhật ngày: 12/09/2016 16:17:40

Theo số liệu thống kê giữa kỳ (1/4 hàng năm) có thể nhận thấy rõ sự gia tăng tỷ lệ trẻ em trai khi sinh gần đây ở các vùng và địa phương trên toàn quốc, tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS) hiện nay là trên 112,2 bé trai/100 bé gái. Việc rà soát các nghiên cứu hiện có cho thấy biến động lớn của TSGTKS có liên quan tới những đặc trưng xã hội và nhân khẩu học. Tỷ lệ bé trai khi sinh cao hơn đặc biệt thấy rõ trong những lần sinh sau và trong các gia đình đã có đủ số con nhưng toàn là gái. Điều này cho thấy vai trò của sự ưa thích về giới trong việc quyết định lựa chọn giới tính.


Khoảng năm 2025, Việt Nam sẽ thiếu khoảng 2,3 - 4,3 triệu phụ nữ 

Sự gia tăng về lựa chọn giới tính khi sinh cũng là sản phẩm đồng thời của ba yếu tố. Thứ nhất, việc ưa thích có con trai là lý do chính của lựa chọn giới tính. Điều này dường như xuất phát trực tiếp từ yêu cầu nối dõi tông đường và cấu trúc hộ gia đình sống với nhà chồng, trong đó trẻ em gái và phụ nữ có vị trí mang tính biểu trưng với giá trị kinh tế - xã hội ở mức cận biên, bởi vậy họ có ít quyền hơn. Con trai thường được kỳ vọng về việc giúp đỡ bố mẹ trong suốt cuộc đời họ và có thể giữ vai thờ cúng cha mẹ sau khi họ qua đời theo những lý do tín ngưỡng.

 Thứ hai, công nghệ chẩn đoán trước khi sinh là yếu tố không thể thiếu, cho phép cha mẹ biết giới tính của trẻ trước khi sinh. Cùng với việc nạo phá thai, dù là hợp pháp hay bất hợp pháp, xác định được giới tính khi sinh đã dẫn tới việc nhiều cha mẹ phải phá thai để chọn lựa giới tính. Sự gia tăng TSGTKS ở một số địa phương hiện nay thường được kết nối với việc sử dụng công nghệ siêu âm rộng rãi ở hệ thống chăm sóc sức khỏe tư nhân. Những công nghệ mới, hiện đại, phát hiện sớm giới tính thai nhi sẽ khiến cho việc chọn lựa giới tính của các bậc cha mẹ trở nên dễ dàng hơn và sẽ lan rộng nhanh hơn trong tương lai.

Thứ ba, bên cạnh những yếu tố cung và cầu này, mức sinh thấp cũng là lý do làm trầm trọng hơn nhu cầu lựa chọn giới tính, thông qua việc giảm khả năng có con trai khi quy mô gia đình trung bình thu nhỏ lại. Những giới hạn về mức sinh ở địa phương cùng với sự giảm sinh diễn ra đồng thời dưới mức sinh thay thế, buộc những cặp vợ chồng muốn có con trai và một gia đình quy mô nhỏ thì phải tiến hành lựa chọn giới tính.

Với sự ảnh hưởng của 3 yếu tố này, xu hướng tương lai của tình trạng gia tăng TSGTKS sẽ dẫn tới những hệ lụy khó lường về mặt xã hội, kinh tế, thậm chí cả an ninh chính trị,... Khi các nam, nữ thanh niên bước vào độ tuổi kết hôn (theo dự báo, thời điểm này sẽ bắt đầu xảy ra vào khoảng năm 2025) trong tương lai, Việt Nam sẽ thiếu khoảng 2,3 - 4,3 triệu phụ nữ. Tình trạng “dư thừa” nam giới trong độ tuổi kết hôn có thể sẽ dẫn tới tan vỡ cấu trúc gia đình, một bộ phận nam giới sẽ phải kết hôn muộn và nhiều người trong số họ không có khả năng kết hôn. Việc gia tăng TSGTKS không những không cải thiện được vị thế của người phụ nữ mà thậm chí còn làm gia tăng thêm sự bất bình đẳng giới như: nhiều phụ nữ phải kết hôn sớm hơn, tỷ lệ ly hôn và tái hôn của phụ nữ sẽ tăng cao, tình trạng bạo hành giới, mua dâm, buôn bán phụ nữ sẽ gia tăng,... Vì thế, TSGTKS được coi là một trong những chỉ báo quan trọng để đánh giá mức độ bình đẳng giới.

Trước thực trạng này, từng bước khống chế tốc độ gia tăng TSGTKS, tiến tới đưa tỷ số này trở lại mức cân bằng tự nhiên càng sớm càng tốt là một yêu cầu cấp thiết. Điều đó đòi hỏi cần có hệ thống các giải pháp đồng bộ, quyết liệt, ngay từ bây giờ, sự cam kết vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, sự chung tay vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể và thiết thực hơn cả là từ chính các cặp vợ chồng sẽ mang lại kết quả của chương trình cao nhất.

Lê Hùng

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn