Xây dựng chiến lược quản lý và phát triển đội ngũ giảng viên đáp ứng mục tiêu đổi mới

Cập nhật ngày: 22/05/2019 10:00:57

Nhiều nhà quản lý giáo dục tiến bộ ủng hộ quan điểm của R.Roysingh – Chuyên gia giáo dục của Unesco: “Chất lượng của một nền giáo dục không vượt quá tầm chất lượng những giáo viên làm việc cho nó” và cho rằng: “Chấn hưng tương lai dân tộc là ở giáo dục, chấn hưng tương lai giáo dục là ở người thầy”. Vì vậy, ngay từ ngày thành lập, Trường Đại học (ĐH) Đồng Tháp đã tập trung quy hoạch, tuyển dụng, bồi dưỡng và sử dụng đội ngũ giảng viên. Thực tế cho thấy, làm tốt công tác quản lý và phát triển đội ngũ giảng viên là khâu then chốt đảm bảo chất lượng giáo dục bậc đại học.


Nhiều viên chức trẻ có năng lực phù hợp được bổ nhiệm các chức danh quản lý

Công tác phát triển đội ngũ giảng viên được triển khai theo quy trình chặt chẽ, từ khảo sát, đánh giá thực trạng đội ngũ về số lượng, chất lượng, cơ cấu và dự báo quy mô đào tạo từng ngành cụ thể; trên cơ sở đó, xác định số lượng, chất lượng và cơ cấu đội ngũ giảng viên cho từng giai đoạn phát triển của nhà trường, của từng đơn vị; xây dựng quy trình và tiêu chí tuyển dụng đội ngũ giảng viên một cách khoa học, rõ ràng, minh bạch; ấn định việc xem xét, điều chỉnh quy hoạch hàng năm và lập kế hoạch hiện thực hóa quy hoạch.

Tính đến tháng 5/2019, Trường ĐH Đồng Tháp có 585 công chức, viên chức; với 92% giảng viên có trình độ sau đại học; trong đó có 10 phó giáo sư, 80 tiến sĩ, 328 thạc sĩ (với 79 người đang học nghiên cứu sinh), cùng với nhiều nhà khoa học, nhà giáo, các chuyên gia trên nhiều lĩnh vực tham gia cộng tác, giảng dạy. Đây là sự nỗ lực và thành công vượt bậc của tập thể nhà trường, khi vào năm 2003, trường chỉ có 165 cán bộ, giảng viên, với 21 người có trình độ sau đại học.

Đặc biệt, nhà trường đang sở hữu nhiều giảng viên có trình độ sau đại học tốt nghiệp ở nước ngoài, tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như: Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Đài Loan, Liên bang Nga, Bỉ, Hà Lan, Trung Quốc, Thái Lan, Anh và Mỹ. Đây là sự phấn đấu của tập thể nhà trường, “mùa quả ngọt của hơn 16 năm vun trồng và chăm bón”. Những giảng viên có trình độ tiến sĩ tu nghiệp ở nước ngoài của Trường ĐH Đồng Tháp đều là những viên chức đang ở độ tuổi rất trẻ và có tinh thần say mê học tập, nghiên cứu, với tinh thần cầu tiến và tiềm năng phát triển. Sau thời gian học tập và nghiên cứu ở nước ngoài, khi trở về trường công tác, những giảng viên này đều có những đóng góp thiết thực trong hoạt động chuyên môn và quản lý.

 Những thạc sĩ, tiến sĩ trẻ tốt nghiệp ở nước ngoài đã kịp thời “bổ khuyết” cho những điều “còn thiếu” của giảng viên nhà trường; đồng thời tạo nên “sự cộng hưởng, lan tỏa và chia sẻ” những phương pháp dạy học và nghiên cứu mới, phương pháp tiếp cận mới cho người học và đồng nghiệp của mình. Những giảng viên này đã có nhiều đóng góp hữu dụng cho việc phát triển chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, biên soạn và xuất bản nhiều giáo trình, bài giảng có giá trị khoa học và giá trị ứng dụng cao.

Bên cạnh đó, những giảng viên này đã góp phần tạo nên phong trào học tập ngoại ngữ trong giảng viên, sinh viên và có những đóng góp quan trọng và cụ thể cho các lớp học theo chương trình chất lượng cao. Nhiều tiến sĩ trẻ tốt nghiệp ở nước ngoài được bổ nhiệm các chức danh quản lý phù hợp, đã tạo nên thành công trong công tác quản lý với những nét mới: hiện đại, năng động và thân thiện.

Trong bối cảnh mới với nhiều cơ hội và thách thức đan xen, Trường ĐH Đồng Tháp ưu tiên kiến tạo động lực dạy học, đầu tư cho công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, tin học và năng lực quản trị, quản lý của đội ngũ giảng viên; tổ chức các lớp bồi dưỡng về phương pháp dạy học hiện đại và gắn với thực tiễn đời sống, phương pháp kiểm tra đánh giá, phương pháp nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao năng lực giảng dạy và nghiên cứu của đội ngũ giảng viên.

Đồng thời, Trường ĐH Đồng Tháp thực hiện cơ chế, chính sách thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao theo hướng tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp và thân thiện, trọng dụng nhân tài, mức thu nhập của giảng viên tương ứng với năng lực nghiên cứu khoa học, hiệu quả giảng dạy, năng lực quản trị và quản lý, cùng hướng đến với mục tiêu phát triển của nhà trường là trở thành trung tâm đào tạo và nghiên cứu chất lượng cao ở đồng bằng sông Cửu Long.

HIẾU TRI

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn