Ước mơ đổi đời bằng con đường học vấn

Cập nhật ngày: 13/02/2013 05:52:38

Xã vùng sâu Tân Phước, huyện Tân Hồng có 3 ấp, trên 2.900 hộ sinh sống thì có đến gần 50% hộ nghèo, cận nghèo, đại đa số người dân sống bằng nghề nông. Dù nhiều hộ gia đình còn lắm khó khăn nhưng vẫn tạo điều kiện cho con ăn học. Sau kỳ thi đại học, cao đẳng hàng năm, nhiều em học sinh (HS) vùng sâu này đã có được tờ giấy báo trúng tuyển trong tay, không phụ lòng chăm lo của ba mẹ.


Học sinh xã Tân Phước nhận học bổng

Đưa chúng tôi xem danh sách HS trúng tuyển đại học năm 2012 trên địa bàn xã Tân Phước, ông Trần Hoài Việt - Chủ tịch Hội Khuyến học xã Tân Phước phấn khởi cho biết, trong số 21 HS của xã trúng tuyển năm nay nhiều em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, thuộc diện hộ nghèo nhưng tất cả đều quyết tâm theo con đường học vấn với ước mơ đổi đời. Nhà này có con học đại học thì nhà khác lấy đó làm gương. Nhiều nhà nghèo nhưng có từ 2 con học đại học trở lên.

Năm học 2010 - 2011, toàn xã cũng có gần 30 HS thi đậu đại học, cao đẳng. Nhiều HS trúng tuyển với điểm số cao tại các trường: Đại học Y dược TP.HCM, Đại học Giao thông vận tải, Đại học Đồng Tháp,... Đây là những con số đáng mừng của một xã còn nhiều khó khăn như Tân Phước.

Chiều cuối năm, chúng tôi tìm đến nhà cô Nguyễn Thị Khoảnh, ấp Hoàng Việt, xã Tân Phước. Trong căn nhà lá đơn sơ, cô Khoảnh cho biết, nhà cô cất trên 20 năm nay, nhiều lần muốn xây mới nhưng mỗi khi nhìn thấy 4 đứa con cắp sách đến trường, vợ chồng cô đều thay đổi ước mơ cất lại “tổ ấm”. Ngay sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, lần lượt 4 người con cô thi đậu vào 3 trường đại học và 1 trường cao đẳng tại TP.HCM.

Trò chuyện cùng chúng tôi, cô Nguyễn Thị Khoảnh bộc bạch: “Vợ chồng suốt ngày làm ruộng, nuôi từng con gà, con vịt đem đi bán để lo mấy đứa con đi học. Vất vả lắm nhưng tôi rất vui khi thấy con mình học hành thành đạt. Vợ chồng tôi học không nhiều, làm lụng cực khổ, cố gắng cho con ăn học để không khổ như mình.


Cô Nguyễn Thị Khoảnh bên tấm ảnh lưu niệm ngày con tốt nghiệp đại học

Ở Tân Phước, chuyện những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ba mẹ làm thuê, làm mướn nuôi con ăn học không còn là chuyện lạ. Vừa trở về nhà sau một ngày cấy lúa thuê cách trên chục cây số, chị Nguyễn Thị Ngọc Son, ngụ ấp Tân Bảnh có người con đang học ngành Công nghệ sinh học, Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP.HCM cho biết: “Chồng bỏ đi suốt 18 năm nay. Để có tiền nuôi con ăn học, ngoài thời gian đi bán vé số, chị còn cắt lúa, nhổ cỏ, cấy lúa mướn. Ngày con mang giấy báo trúng tuyển đại học về báo tin vui, tôi rối cả lên vì nhà không có tiền. Sợ con không được đi học nên tôi đã mang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nền nhà đi cầm 5 triệu đồng đưa con đóng tiền học phí. Sau đó địa phương biết tin đã quan tâm giúp đỡ”. Hiện Dương Nguyễn Việt Bằng - con chị Son đã nhận được học bổng từ Quỹ Khuyến học Nguyễn Sinh Sắc và tìm được chỗ làm thêm, giúp mẹ bớt khó khăn.

Theo ông Trần Hoài Việt, để khơi dậy tinh thần ham học của các em HS, Hội Khuyến học xã phối hợp với Hội Nông dân và Hội Phụ nữ xã tuyên truyền, trao đổi trực tiếp với cha mẹ các em nhằm định hướng các em có thái độ học tập đúng đắn. Hàng năm Hội còn vận động các đơn vị tài trợ và trích một phần kinh phí từ ngân sách địa phương trao tặng quà, học bổng cho các em HS nghèo vượt khó. Trường THPT Giồng Thị Đam mỗi năm đều tổ chức họp mặt HS về ăn Tết, động viên các em, giao lưu, định hướng cho HS đang học chọn trường, ngành học hợp lý và noi gương học tập của anh chị đi trước.

Chuẩn bị chào đón năm mới, người dân xã Tân Phước vẫn miệt mài mưu sinh. Nỗi vất vả ấy được bù đắp khi các em thành công trên con đường học tập.

Hữu Nghĩa

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn