Từng bước đầu tư phát triển cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo

Cập nhật ngày: 13/06/2012 14:41:55

Năm học 2011-2012, ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục đầu tư xây dựng mới các điểm trường, nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ giáo viên, từng bước hoàn thiện, phát triển giáo dục mầm non, mẫu giáo.

Hiện toàn tỉnh có 181 trường mầm non, mẫu giáo, nhà trẻ (tăng 3 trường), trong đó có 173 trường công lập, 2 trường dân lập, 6 trường tư thục với 2.295 nhóm, lớp (tăng 20 nhóm, lớp), trong đó mẫu giáo 5 tuổi có 1.085 lớp. Số giáo viên dạy lớp 5 tuổi là 1.203 người. Các huyện, thị, thành trong tỉnh đã tổ chức được 367 nhóm trẻ cộng đồng, lớp mẫu giáo cộng đồng, tạo điều kiện cho 6.434 cháu vùng sâu, vùng xa còn khó khăn đến tuổi nhà trẻ, mẫu giáo được đi học.


Trẻ em cấp mẫu giáo, mầm non tham gia hội thi vẽ tranh

Đến nay, 12/12 huyện, thị, thành trong tỉnh đã phê duyệt kế hoạch thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Phục vụ cho nhu cầu vui chơi của học sinh, các địa phương đã sử dụng nguồn ngân sách hơn 3 tỷ đồng để mua sắm thiết bị, tài liệu phục vụ cho nhu cầu giảng dạy.

Hiện 100% điểm trường lớp có công trình vệ sinh phù hợp cho trẻ sử dụng, có bếp ăn an toàn. 100% trường mầm non thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới, trang bị máy tính, hiện có 173 trường được kết nối Internet, 100% cán bộ quản lý ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác, trên 52% giáo viên sử dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, 100% giáo viên dự thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh đều sử dụng máy tính. UBND tỉnh cũng đã có công văn quy định định mức chi cho mô hình nhóm trẻ cộng đồng, lớp mẫu giáo cộng đồng, qua đó giáo viên và cấp dưỡng nhóm trẻ cộng đồng được tăng lương. Quy định trên giúp cho giáo viên đang làm việc tại các nhóm trẻ cộng đồng yên tâm gắn bó với nghề.

Sự đầu tư trên của ngành, chính quyền địa phương đã góp phần làm cho tỷ lệ huy động trẻ năm 2011-2012 tăng hơn so với năm học 2010-2011. Cụ thể đối với nhà trẻ tỷ lệ huy động tăng 0,52%, mẫu giáo tăng 2,1%, trẻ được học 2 buổi/ngày tăng 22%. Công tác đảm bảo an toàn cho trẻ được ổn định, toàn tỉnh không có trường hợp tai nạn, thất lạc, ngộ độc thực phẩm xảy ra tại các cơ sở giáo dục mầm non. Các điểm trường bán trú đảm bảo quy trình chế biến thức ăn, hợp đồng mua thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, thực hiện tốt vệ sinh an toàn thực phẩm.

Để chăm sóc sức khỏe cho trẻ tại các điểm trường, nhóm giữ trẻ, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo cho Phòng Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng các huyện, thị, thành mở các lớp tập huấn về công tác phòng, chống dịch bệnh cho cán bộ quản lý, nhân viên y tế học đường, giáo viên trực tiếp chăm sóc trẻ, thực hiện khám định kỳ, tiêm ngừa, uống vaccine, tổ chức bữa ăn dinh dưỡng, uống sữa giữa buổi, theo dõi sức khỏe của trẻ. Những giải pháp trên đã góp phần làm giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, trẻ nhẹ cân, thấp còi. Các trường cũng đã chủ động áp dụng thực hiện đổi mới quản lý giáo dục mầm non, đánh giá chuẩn giáo viên theo phương pháp mới.

Để quản lý mạng lưới giáo dục mầm non ngoài công lập, Sở đã thực hiện rà soát việc cấp phép hoạt động của các nhóm tư thục; phối hợp với địa phương xử lý các trường hợp không giấy phép, không đảm bảo an toàn cho trẻ, kiểm tra đột xuất, phân công các trường mầm non công lập giám sát, hỗ trợ chuyên môn cho các cơ sở tư thục. Ngoài các hoạt động về chuyên môn, các điểm trường mầm non còn công khai về chất lượng giáo dục, công khai thu chi tài chính trên bảng của trường... Hầu hết các điểm trường thực hiện tuyên truyền qua nhiều hình thức như: bản tin tuyên truyền, họp phụ huynh, trao đổi trực tiếp đến phụ huynh, qua các hội thi.

Việc thực hiện đổi mới, đầu tư cho giáo dục mầm non đã giúp người dân ý thức hơn việc học tập của con em, tạo điều kiện cho con em đến trường đúng độ tuổi, quan tâm chăm sóc trẻ, chú ý đến chất lượng bữa ăn hàng ngày, góp phần duy trì tỷ số trẻ đến trường ở độ tuổi này.

C.Phương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn