Tổ hợp lạ không hút thí sinh

Cập nhật ngày: 01/05/2018 13:58:20

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa công bố số liệu về kỳ thi THPT Quốc gia 2018 cũng như số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào các trường đại học trên cả nước của thí sinh. Nhìn vào các số liệu thống kê, có thể nhận diện xu hướng chọn ngành nghề của thí sinh năm nay.


Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia 2018 từ ngày 1/4

Thí sinh chủ yếu chọn 5 tổ hợp truyền thống

Năm 2018, cả nước có 688.641 thí sinh đăng ký xét tuyển đại học trong tổng số 925.961 thí sinh dự thi THPT quốc gia. Năm 2018, tổng chỉ tiêu các trường ĐH-CĐ trong cả nước tăng không đáng kể, ở mức 1,2%. Cụ thể, tổng chỉ tiêu năm 2018 là 455.174 so với chỉ tiêu của năm 2017 là 449.559. Tổng số nguyện vọng đăng ký xét tuyển là hơn 2,75 triệu nguyện vọng, vào 7 khối ngành. Với 688.641 thí sinh đăng ký xét tuyển trong khi tổng chỉ tiêu của các trường chỉ là 455.174 trong năm 2018 thì nhiều chuyên gia tuyển sinh dự báo sẽ là một năm dồi dào nguồn tuyển cho các trường. Còn về tỷ lệ phân bổ nhóm ngành, tổ hợp xét tuyển mà thí sinh cả nước đã đăng ký do Bộ GD-ĐT công bố, có thể thấy, thực tế thí sinh cũng không “mặn mà” với các tổ hợp mới. Trong 2 năm gần đây, 5 tổ hợp truyền thống thường chiếm tới khoảng 90% tổng số nguyện vọng đăng ký dự thi của thí sinh. 

Cụ thể, sau lộ trình 3 năm, các trường được tự chủ xác định tổ hợp tuyển sinh, năm 2018 không còn quy định bắt buộc chỉ tiêu tối thiểu để xét tuyển cho các tổ hợp truyền thống nữa. Tuy nhiên, theo thống kê đăng ký xét tuyển năm 2018, về cơ bản các trường và thí sinh vẫn sử dụng tổ hợp truyền thống để xét tuyển. Tương tự như năm 2017, năm nay tổ hợp có lượng thí sinh chọn đăng ký nhiều nhất là: A00: Toán, Lý, Hóa (gần 31%); D01: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh (27%); A01: Toán, Lý, Anh (12,8%); B00: Toán, Hóa, Sinh (9,5%); C00: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý (10%).

Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT, quy chế tuyển sinh cho phép các trường được bổ sung thêm các tổ hợp bài thi/môn thi mới để xét tuyển và quy định “các bài thi/môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển phải gắn với yêu cầu của ngành đào tạo”. Về lý thuyết, có 9 môn thi và một số môn thi năng khiếu có thể thiết kế tới hơn 400 tổ hợp. Tuy nhiên, kết quả thống kê cho thấy số thí sinh đăng ký xét tuyển chọn các tổ hợp mới được bổ sung rất ít: có hơn 100 tổ hợp chỉ có dưới 10 thí sinh chọn và có khoảng 100 tổ hợp không có trường hoặc thí sinh nào chọn. Vì vậy, có thể thấy không phải cứ nhiều tổ hợp sẽ có nhiều thí sinh đăng ký xét tuyển. Tổng số của 3 mã tổ hợp A00, A01 và C00 đã chiếm đến gần 1,5 triệu nguyện vọng (gần 57%). 

Có sự dịch chuyển về tư duy chọn ngành, nghề

Bộ GD-ĐT cũng đã công bố rất rõ chỉ tiêu theo nhóm ngành và số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển theo nhóm ngành. Trong số 7 khối ngành, khối VII (nhân văn, khoa học xã hội và hành vi, báo chí và thông tin, dịch vụ xã hội, khách sạn, du lịch, thể thao và dịch vụ cá nhân, dịch vụ vận tải, môi trường và bảo vệ môi trường, an ninh, quốc phòng) có tỷ lệ chọi cao nhất, 7,88 nguyện vọng trên mỗi chỉ tiêu. Khối ngành VII có 783.703 nguyện vọng xét tuyển, trong khi chỉ có 99.439 chỉ tiêu đại học. Tiếp đó là khối III (ngành kinh doanh, quản lý và pháp luật) có số lượng nguyện vọng xét tuyển cao nhất là 832.684 nguyện vọng, trong khi chỉ có 121.183 chỉ tiêu đại học. Khối ngành VI (ngành sức khỏe) với 215.173 nguyện vọng với 31.331 chỉ tiêu đại học…

Đáng chú ý, trong mùa tuyển sinh năm nay, dù sụt giảm nguyện vọng tới 38%, nhưng do chỉ tiêu cũng có sự điều chỉnh giảm tương đương nên tỷ lệ chọi vào đại học các ngành khối I (nhóm ngành khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên) vẫn ở mức cao với 5,64 nguyện vọng mỗi chỉ tiêu. Hệ đào tạo cao đẳng nhóm ngành khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên có tỷ lệ chọi rất thấp; chỉ có 1,9 nguyện vọng mỗi chỉ tiêu. Đặc biệt, hệ đào tạo trung cấp của nhóm ngành này chỉ có 727 nguyện vọng đăng ký, trong khi chỉ tiêu là hơn 5.000. Có thể thấy, đã có một sự dịch chuyển khá rõ nét trong tư duy chọn ngành, chọn nghề của thí sinh. Các tổ hợp xét tuyển và nhóm ngành thí sinh lựa chọn - tương ứng với các ngành nghề mà nhu cầu nhân lực trong tương lai đang rất cần như: dịch vụ xã hội, khách sạn - du lịch - thể thao và dịch vụ cá nhân, dịch vụ vận tải, máy tính và công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật, kỹ thuật, sản xuất và chế biến… 

Nhiều chuyên gia đánh giá, ý thức chọn ngành gắn với nghề của học sinh đã thay đổi rất rõ, không còn chọn ngành theo xu hướng, tâm lý đám đông, không quá tập trung ngành “hot”. Điển hình: nhóm ngành dịch vụ, sản xuất và chế biến, kiến trúc và xây dựng, nông lâm và thủy sản, thú y đã được lựa chọn nhiều hơn năm 2017.

LÂM NGUYÊN (SGGPO)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn