Thi đua xây dựng xã hội học tập và đẩy mạnh học tập suốt đời

Cập nhật ngày: 25/01/2024 13:46:21

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240125014905dt3-2.mp3

 

ĐTO - Phong trào “Thi đua xây dựng xã hội học tập (XHHT), đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030” (gọi tắt là Phong trào thi đua) được UBND tỉnh phát động thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (2023 - 2025), triển khai thực hiện Phong trào thi đua hiệu quả, thiết thực; sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm ở cấp huyện và cấp tỉnh vào năm 2025. Giai đoạn 2 (2026 - 2030), tiếp tục triển khai Phong trào thi đua theo hướng dẫn của Trung ương và tổng kết vào năm 2030.


Học sinh Trường THPT Lấp Vò 2 tham gia học tập theo nhóm ngoài giờ học chính thức

NỘI DUNG VÀ TIÊU CHÍ THI ĐUA

Các cấp ủy, chính quyền, đơn vị, địa phương trong tỉnh tập trung tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và hiệu quả công tác khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời, xây dựng XHHT và mô hình học tập trong điều kiện nền kinh tế số, xã hội số; thi đua học tập suốt đời; phát huy sáng kiến, giải pháp khuyến khích và phát triển văn hóa học tập trong cộng đồng. Xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ và đẩy mạnh hoạt động của các thiết chế giáo dục chính quy và không chính quy, thiết chế văn hóa, các trung tâm văn hóa - học tập cộng đồng, tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi cho các đối tượng học tập suốt đời. Đồng thời triển khai toàn diện, đồng bộ các giải pháp, tập trung nguồn lực, huy động sự tham gia, phối hợp của các tổ chức, cá nhân trong việc thúc đẩy học tập suốt đời và xây dựng XHHT, hoàn thành các mục tiêu Kế hoạch số 278 ngày 11/9/2021 của UBND tỉnh về thực hiện Đề án “Xây dựng XHHT giai đoạn 2021 - 2030”. Thi đua nâng cao năng lực sử dụng các công nghệ học tập hiện đại, chuyển đổi số trong các hoạt động học tập suốt đời; nâng cao năng lực số và năng lực sử dụng ngoại ngữ cho người dân, thực hiện học tập mọi lúc, mọi nơi bằng mọi phương pháp để phục vụ công việc. Thi đua đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị và xây dựng mô hình công dân học tập; xây dựng văn hóa học tập. Thi đua tiếp cận kịp thời các xu thế và kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực giáo dục người lớn, học tập suốt đời, học tập trực tuyến trong hệ thống giáo dục mở, học tập từ xa, tích cực tham gia thành phố học tập toàn cầu.

Các tổ chức, đơn vị, địa phương trong tỉnh xây dựng, ban hành các chính sách khuyến khích sự tham gia của các tổ chức, cá nhân vào công tác xây dựng XHHT; chính sách hỗ trợ người học có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật... Xây dựng, triển khai hiệu quả công tác xây dựng XHHT; đề ra các nội dung, giải pháp sáng tạo, đặc thù, thiết thực, phù hợp tình hình và điều kiện của địa phương. Có nhiều giải pháp, sáng kiến hiệu quả trong thực hiện Phong trào thi đua. Được công nhận “Cộng đồng học tập” cấp tỉnh theo tiêu chí do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp và tổ chức xã hội cấp tỉnh tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên, người dân và tiên phong thực hiện Phong trào thi đua, tạo sự đồng thuận, lan tỏa trong toàn xã hội. Triển khai hiệu quả các giải pháp huy động đoàn viên, hội viên tham gia công tác khuyến học, khuyến tài; tham gia chuyển giao công nghệ, học tập ngoại ngữ, hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, phổ biến kiến thức cho người dân.

Các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị cấp tỉnh kịp thời tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền xây dựng, ban hành các chính sách thúc đẩy học tập suốt đời, xây dựng XHHT. Quan tâm đầu tư các nguồn lực về tài chính, cơ sở vật chất, trang thiết bị và những điều kiện đáp ứng nhu cầu học tập của công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị. Tổ chức các phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả với nội dung, hình thức phong phú, đa dạng để tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị về học tập suốt đời, xây dựng XHHT trong nền kinh tế số, xã hội số, chính phủ số; củng cố và hình thành thói quen chủ động, tự giác học tập, cập nhật kiến thức trên môi trường công nghệ với phương châm lấy tự học là chính. Có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng các đối tượng thuộc quyền quản lý; cung ứng các dịch vụ học tập, chương trình và tài liệu học tập theo chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

Các huyện, thành phố thực hiện đầy đủ các chính sách thúc đẩy khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời, xây dựng XHHT do Trung ương và tỉnh ban hành. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng về học tập suốt đời, xây dựng XHHT. Có nhiều sáng kiến, giải pháp hiệu quả trong triển khai thực hiện Phong trào thi đua. Được công nhận “Cộng đồng học tập” cấp huyện theo tiêu chí do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Đối với cấp xã, thực hiện đầy đủ các chính sách thúc đẩy học tập suốt đời, xây dựng XHHT do tỉnh và cấp huyện ban hành. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về học tập suốt đời, xây dựng XHHT. Có nhiều sáng kiến, giải pháp hiệu quả trong triển khai thực hiện Phong trào thi đua. Được công nhận “Cộng đồng học tập” cấp xã theo tiêu chí do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Đối với hộ gia đình, dòng họ phấn đấu đạt danh hiệu “Gia đình học tập” và “Dòng họ học tập” theo tiêu chí do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Hội Khuyến học Việt Nam ban hành. Có nhiều đóng góp về công sức, trí tuệ, vật chất xây dựng khóm, ấp, Tổ nhân dân tự quản trở thành “Cộng đồng học tập” trên địa bàn cấp xã.

Đối với doanh nghiệp (hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã) có những đóng góp cụ thể, thiết thực trong xây dựng XHHT và được cấp có thẩm quyền ghi nhận. Ban hành quy định cụ thể về học tập, bồi dưỡng thường xuyên cho công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, đơn vị. Có chế độ, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, kỹ sư, chuyên gia, nhân viên và công nhân kỹ thuật học tập nâng cao trình độ. Các tổ chức trong doanh nghiệp được công nhận “Đơn vị học tập” theo tiêu chí do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Đối với cá nhân được công nhận danh hiệu “Công dân học tập” theo tiêu chí do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Hội Khuyến học Việt Nam ban hành. Có nhiều đóng góp về công sức, trí tuệ, vật chất xây dựng XHHT ở địa phương, đơn vị.

Các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài, các hội, doanh nhân, trí thức, nhà khoa học, gia đình, cá nhân trong và ngoài nước, người Việt Nam định cư nước ngoài... có nhiều đóng góp công sức, trí tuệ, vật chất xây dựng XHHT ở địa phương.


Học sinh Trường THCS Nguyễn Thị Lựu (TP Cao Lãnh) tham gia vệ sinh khuôn viên Khu Di tích Nguyễn Sinh Sắc (Ảnh: P.L)

GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM

Để Phong trào thi đua đạt hiệu quả thiết thực cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, cơ quan, đơn vị trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện; sơ kết, tổng kết và biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các gương điển hình tiên tiến, nhân rộng mô hình tốt, cách làm hay, sáng kiến có giá trị trong phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT. Rà soát, xây dựng, ban hành các chính sách thúc đẩy công tác xây dựng XHHT, học tập suốt đời; có chính sách thu hút, khuyến khích sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong xây dựng XHHT. Triển khai hiệu quả các chương trình, đề án được ban hành về xây dựng XHHT; đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng; các hoạt động phục vụ học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa đến năm 2030 và xây dựng mô hình công dân học tập.

Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các ngành, các cấp và các tầng lớp nhân dân trong thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời, xây dựng XHHT, gắn với sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Tăng cường tuyên truyền các điển hình tiêu biểu, phổ biến những mô hình hay, cách làm hiệu quả, tạo sự lan tỏa trong xã hội về tinh thần tự học, học tập thường xuyên, suốt đời. Khuyến khích, nhân rộng những tấm gương kiên trì, sáng tạo và say mê học tập. Xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, tổ chức; phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên về tinh thần tự học và khuyến học, khuyến tài, ý thức vận động toàn xã hội thực hiện có hiệu quả Phong trào thi đua. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong tổ chức thực hiện Phong trào thi đua, phát triển các nền tảng, tài nguyên giáo dục dùng chung phù hợp trên không gian mạng và hỗ trợ công tác giám sát, đánh giá kết quả triển khai Phong trào thi đua.

Triển khai thực hiện tốt Phong trào thi đua là góp phần thực hiện thành công chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, học tập suốt đời, xây dựng XHHT.

Phú TRỌNG

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn