Nhìn nhận nguyên nhân của hiện tượng bạo lực học đường từ góc độ gia đình

Cập nhật ngày: 25/03/2024 10:28:47

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240325102953dt2-8.mp3

 

ĐTO - Chúng ta đang sống trong một thế giới V.U.C.A(1), chứa đựng nhiều biến động và bất ổn. Cuộc sống luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, xã hội ngày càng ít an toàn hơn, nhưng vì mục tiêu phát triển bền vững, hãy giữ cho môi trường học đường được lành mạnh và an toàn, bởi vì từ nơi đây, xã hội mới đang hình thành.


Học sinh tham quan, đọc sách tại Đường sách TP Cao Lãnh (Ảnh: Mỹ Xuyên)

Việt Nam đang trong giai đoạn quá độ lên Chủ nghĩa xã hội, vận hành nền kinh tế theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, sự năng động của mô hình kinh tế này tạo ra nhiều giá trị vật chất cho xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống của người dân. Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế cũng đang tác động tiêu cực đến văn hóa, đặc biệt là sự lệch lạc về hệ giá trị văn hóa dân tộc. Một số giá trị đang bị xếp sai vị trí, trở thành ngụy giá trị. Lối sống vị kỷ, vụ lợi, thực dụng qua bệ phóng của mặt trái nền kinh tế thị trường đã làm biến đổi tư duy, nhận thức của con người và xã hội. Biểu hiện bề ngoài của hệ giá trị méo mó chính là hiện tượng xuống cấp về đạo đức, lối sống, tha hóa con người, chênh lệch về đời sống văn hóa và xuyên tạc giá trị truyền thống. Hiện nay, dưới sự phát triển của kinh tế - xã hội, sự phân hóa giàu nghèo ngày càng sâu sắc và tiềm ẩn những nguy cơ bất ổn xã hội mà đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất là giới trẻ.

Xã hội công nghiệp rất năng động nhưng dần mất đi những giá trị truyền thống của nền văn hóa nông nghiệp chứa đựng tình làng, nghĩa xóm, văn hóa chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Trong xã hội công nghiệp, con người trở nên tự do hơn nhưng lại vô cảm hơn, guồng máy công nghiệp chiếm hết thời gian và sức lực của người công nhân nên dần họ lãng quên đi sự tồn tại của mình trong cộng đồng, tất bật với công việc và những vấn đề mưu sinh, việc dạy dỗ con cái, cha mẹ chủ yếu giao cho nhà trường. Đây là một lỗ hổng giá trị mà hậu quả của nó là bạo lực, là xu hướng trẻ hóa tội phạm, là sự xuống cấp đạo đức xã hội, là lối sống vô cảm, ích kỷ, hưởng thụ trong giới trẻ.

Bạo lực học đường là một hiện tượng nổi lên như một trào lưu trong thế hệ trẻ những năm gần đây. Ngày 7/11/2023, trả lời chất vấn tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, thống kê từ ngày 1/9/2021 đến đầu tháng 11/2023, cả nước xảy ra 699 vụ bạo lực học đường liên quan đến hơn 2.000 học sinh. Bình quân cứ 50 cơ sở giáo dục thì xảy ra 1 vụ việc, xã hội đang đặt trách nhiệm vào nhà trường trong việc xảy ra bạo lực học đường. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực học đường. Trong đó, có 3 nhóm nguyên nhân chính: nhóm nguyên nhân từ gia đình; nhóm nguyên nhân từ xã hội và nhóm nguyên nhân từ nhà trường. Nhà trường giữ vai trò quan trọng trong kiểm soát, kiềm chế bạo lực học đường, nhưng với cách tiếp theo góc nhìn từ phía gia đình, có thể thấy môi trường học đường là nơi diễn ra các sự vụ, sự việc bạo lực nên theo quán tính, xã hội quy trách nhiệm lớn nhất ở nhà trường. Để đi đến tận cùng của câu chuyện bạo lực học đường, có lẽ tùy theo cách tiếp cận khác nhau, người ta sẽ có cách lý giải khác nhau. Trong bài viết này, chúng tôi nhìn nhận nguyên nhân bạo lực học đường từ góc độ gia đình trong bối cảnh hiện nay để lý giải.

Gia đình là môi trường đầu tiên mà con người tiếp xúc và hình thành nhân cách. Cha mẹ là những người thầy đầu tiên của con, dạy con về đạo đức, lòng nhân ái, sự trung thực và các giá trị tốt đẹp khác. Gia đình là nơi nuôi dưỡng tình yêu thương, sự quan tâm và hỗ trợ giúp con phát triển trí tuệ, từ môi trường này, các em sẽ học tập, khám phá thế giới xung quanh và phát triển khả năng tư duy độc lập, hình thành những kỹ năng sống cần thiết như: giao tiếp, hợp tác, giải quyết vấn đề, quản lý thời gian và tự lập thông qua công việc nhà, tự chăm sóc bản thân và biết cách ứng xử trong các tình huống khác nhau.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến xây dựng công tác gia đình, Người nói: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội. Gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn”; Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), nhấn mạnh: “Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách”. Có thể thấy tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng đều khẳng định vai trò quan trọng của gia đình trong việc giáo dục, nuôi dạy và phát triển con người.

Chúng tôi phân tích sự tác động của các yếu tố xã hội hiện nay đến giáo dục gia đình, từ đó làm rõ nhóm nguyên nhân bạo lực học đường từ phía gia đình.

Xu hướng đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ làm biến dạng cấu trúc gia đình truyền thống. Sự giao lưu, chia sẻ giữa các gia đình nông thôn đã ít dần đi, khuôn viên tường rào, vách ngăn đã ngăn cách sự chia sẻ, hỗ trợ giúp đỡ nhau trong tình làng nghĩa xóm, thay vào đó là tính độc lập tương đối giữa các gia đình; văn hóa làng xã ngày một mất đi thay vào đó là văn hóa đô thị. Gia đình hầu hết chỉ có 1 - 2 con, sự chăm sóc, chiều chuộng thái quá của một bộ phận cha mẹ, sự can thiệp thô bạo vào công tác giáo dục của nhà trường, từ đó tạo cho con thói ỷ lại, trẻ trở nên ích kỷ, đề cao giá trị bản thân, đây chính là nguyên nhân căn cốt trong xung đột giữa những học sinh với nhau, khi lợi ích, cái tôi bị tác động, tổn hại, phần con trong các em trổi dậy, các em hành động theo bản năng và bạo lực là tất yếu.

Cơ chế thị trường, áp lực kinh tế đã tạo một gánh nặng rất lớn lên cha mẹ trong gia đình, hầu hết thời gian của họ dành cho công việc, không có thời gian nuôi dạy con cái; một bộ phận cha mẹ ở nông thôn phải rời bỏ gia đình đi làm ở các thành phố lớn, con cái ở lại quê nhà, các cặp vợ chồng hôn nhân đổ vỡ, vợ chồng ly tán... các con sống cùng ông bà nên các cháu trở nên tự do hơn, thiếu kiểm soát chặt chẽ; có trường hợp mang con theo học tập ở các trường gần nơi làm việc, hoặc các cháu sống cùng cha dượng, mẹ kế, sự thay đổi môi trường sống và học tập, sự tất bật của cha mẹ trong công việc nên không thể chăm sóc, quan tâm con đúng mực, các em dễ rơi vào khủng hoảng. Chính những điều này đã tác động mạnh mẽ đến sự phát triển nhân cách của trẻ, các em trở nên dễ cáu gắt, hung hăng, có khuynh hướng bạo lực trong xử lý xung đột trong các mối quan hệ.

Các luồng văn hóa ngoại lai đang tác động mạnh mẽ vào nhận thức của giới trẻ, sự du nhập của các phong cách thời trang, các dòng nhạc, phim ảnh và các xu hướng (trend) từ các quốc gia phát triển vào Việt Nam đã tác động mạnh mẽ đến lối sống, các nhu cầu của đa số bạn trẻ. Ngày càng nhiều bạn trẻ muốn thể hiện bản thân thông qua việc học tập những phong cách, xu hướng ngoại lai mà không quan tâm đến các giá trị văn hóa truyền thống và hoàn cảnh sống cụ thể. Trào lưu xăm mình, nhuộm tóc, trang điểm đậm khi đến trường học tập và tham gia các hoạt động giáo dục ngày càng nhiều, lối sống hưởng thụ, thích thể hiện bản thân đang ăn mòn những giá trị văn hóa truyền thống của người Việt, đây không phải là nguyên nhân trực tiếp nhưng cũng là yếu tố gián tiếp tạo ra những mâu thuẫn trong quan hệ bạn bè trong học đường, từ đó dẫn đến nguy cơ bạo lực.

Cuộc sống gia đình trong thời đại công nghệ trở nên đơn điệu và buồn chán, các thành viên trong gia đình ít tương tác với nhau, ai cũng có thế giới riêng trên không gian ảo, các trang cá nhân trên Facebook, Zalo lại trở thành không gian chính cho các thành viên trong gia đình. Không khó để bắt gặp những gia đình buổi tối các thành viên mỗi người 1 smart phone, ngồi ở một góc riêng, lướt điện thoại, nhắn tin và cười với cái điện thoại của mình. Nhu cầu thỏa mãn cái tôi được mạng xã hội thỏa mãn nên các thành viên quên đi rằng phải tương tác, chia sẻ với nhau để xây dựng văn hóa gia đình. Game online cũng là nhân tố nguy hiểm tác động xấu đến chất lượng thế hệ tương lai, tình trạng nghiện game, chơi các game mang tính bạo lực sẽ kích động giới trẻ khuynh hướng bạo lực và có nguy cơ giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực. Thế giới ảo rất khó kiểm soát, phía sau cánh cửa phòng của các con là một thế giới đầy rủi ro và khó kiểm soát, hầu hết các vụ bạo lực học đường đều xuất phát từ mâu thuẫn trên môi trường mạng, một comment khiếm nhã, một dòng tâm trạng vô ý, một sự khiêu khích qua tin nhắn là nguyên nhân ban đầu, mầm móng mâu thuẫn, nếu không can thiệp kịp thời của nhà trường, gia đình thì bạo lực sẽ diễn ra.

Các yếu tố trên tạo ra một gia đình thiếu kết nối, rời rạc và dễ vụn vỡ, các thành viên thiếu sự chia sẻ. Lúa muốn tốt phải chịu khó chăm bón nhưng cỏ dại tự lớn lên, cái tốt như cây lúa, phải chăm sóc, bồi dưỡng mới thành, cái xấu như cỏ dại, không trồng vẫn mọc hoang, tự nhiên tập nhiễm. Vai trò của thế hệ trước và trong việc định hướng phát triển nhân cách của thế hệ sau trong gia đình là rất quan trọng, là yếu tố giúp duy trì các giá trị truyền thống và điều chỉnh những lệch lạc trong quá trình phát triển đó. Một khi cha mẹ không còn thời gian cho con cái thì sự phát triển nhân cách của các con dễ lệch lạc, mất phương hướng. Sự thiếu quan tâm của gia đình đã đẩy những đứa trẻ vào thế giới của những người xấu, bạn bè xấu, đối tượng xấu lôi kéo, các em tham gia các nhóm bạn có khuynh hướng bạo lực, ỷ lại vào bạn bè nên khi mâu thuẫn xảy ra, các em thường có khuynh hướng dùng bạo lực để giải quyết. Đây là nguyên nhân ban đầu cũng là nguyên nhân cơ bản gây ra bạo lực học đường trong thời gian qua.

Văn hóa gia đình tác động trực tiếp và có vị trí vô cùng quan trọng trong việc định hình tính cách, xu hướng ứng xử và định vị nhân cách của trẻ. Sự lệch chuẩn nói chung và hiện tượng bạo lực học đường nói riêng xuất hiện ngày càng nhiều trong giới trẻ, nguyên nhân đầu tiên là yếu tố giáo dục gia đình. Do đó, các bậc cha mẹ phải nhận thức đúng điều này để có sự quan tâm, kết nối và giáo dục con em tốt hơn. Mỗi gia đình tốt sẽ tạo ra cộng đồng tốt, xã hội tốt và một xã hội mới tốt đẹp trong tương lai.


(1) VUCA đại diện cho bốn khái niệm cơ bản Volatility (Biến động); Uncertainty (Không chắc chắn); Complexity (Phức tạp); Ambiguity (Mơ hồ). Thuật ngữ này đề cập đến sự hỗn loạn của thế giới ngày nay.

Huỳnh Văn Mến

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn