Một số khó khăn trong công tác đào tạo nghề

Cập nhật ngày: 31/08/2012 09:49:52

8 tháng đầu năm 2012, các cơ sở dạy nghề trong tỉnh đã tuyển mới 11.896 học viên vào học nghề, đạt 59,48% kế hoạch năm (Cao đẳng nghề 433, Trung cấp nghề 523, sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng 10.840 học viên); trong đó dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg có 8.590 học viên. Bên cạnh những thuận lợi, các trường, trung tâm đào tạo nghề đang gặp một số khó khăn trong công tác tuyển sinh, đào tạo nghề.


Lao động phổ thông đăng ký tham gia học nghề

Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp có thế mạnh đào tạo các nghề gắn với lĩnh vực nông nghiệp, nổi bật là nghề chế biến thủy sản, thú y, công nghiệp cung cấp nguồn nhân lực cho các địa phương. Mỗi năm, trường đều được phân bổ chỉ tiêu đào tạo trình độ trung cấp nghề. Năm 2011, trường được phân bổ 400 triệu đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia để mua sắm trang thiết bị dạy nghề nhưng cơ sở vật chất chưa đáp ứng nhu cầu đào tạo. Thầy Phạm Hữu Ngãi - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng cộng đồng cho biết: Trường không có bộ phận trung tâm dạy nghề (trước đây có, nay đã giải thể), chỉ tiêu hệ chính quy được giao nhiều, trong khi cơ sở vật chất chưa đảm bảo vì vậy trường khó đạt. Các đơn vị tuyển sinh nghề còn gặp khó khăn trong việc tuyển sinh hệ trung cấp nghề. Nguyên nhân do năm nay các trường Đại học, Cao đẳng có thời gian tuyển sinh kéo dài nên học sinh THPT vẫn còn tiếp tục làm hồ sơ xét tuyển. Cùng thời điểm này các trường, trung tâm dạy nghề lại tuyển sinh, vì vậy lượng thí sinh đăng ký vào trường khá thấp. Ông Lê Vũ Hoàng - Phó Giám đốc Trung tâm dạy nghề Lấp Vò cho biết, năm nay việc tuyển sinh của trung tâm gặp khó hơn các năm trước, do các trường THPT chưa có báo cáo học sinh trúng tuyển, nên học sinh vẫn còn tâm lý đợi kết quả vào học chuyên nghiệp, chưa đăng ký học nghề. Tai huyện hiện nay đa số học sinh lớp 9 vào lớp 10 đều theo học hệ giáo dục thường xuyên ít vào trường học nghề, các trường THPT cũng chưa dành thời gian ngoại khóa nhiều cho công tác tư vấn tuyển sinh vào các lớp nghề nên trung tâm cũng gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh. Huyện Thanh Bình hiện có 140 học sinh lớp 9 không dự thi vào lớp 10 mà đi làm nghề phổ thông nên việc huy động số học sinh trên vào học nghề cũng không dễ dàng.

Trước những khó khăn trong công tác tuyển sinh, đào tạo nghề, ông Đỗ Minh Triết - Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH chia sẻ: “Các đơn vị cần chú ý hơn đến công tác phối hợp giữa các Trung tâm dạy nghề, Trường cao đẳng nghề. Các Trung tâm giáo dục thường xuyên nên nhờ UBND huyện có chỉ đạo để tháo gỡ khó khăn. Để tạo thương hiệu cho trường, đơn vị nên liên kết với các trường có uy tín, thương hiệu, nên mở rộng địa bàn tuyển sinh ra các huyện lân cận. Các trường phát phiếu thăm dò học viên sau khi ra trường, chú ý hơn nữa đến hiệu quả sau đào tạo...”.

C.P

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn