Góp phần định hướng giá trị cho sinh viên trong đào tạo theo hệ thống tín chỉ

Cập nhật ngày: 30/09/2015 12:34:45

Triết lý của phương thức đào tạo theo hệ thống tín chỉ ở các trường đại học, cao đẳng hiện nay là tôn trọng người học, lấy người học làm trung tâm và đa dạng hóa chương trình học của mỗi ngành.


Sinh viênTrường Đại học Đồng Tháp trong giờ học với giảng viên đến từ Trường Đại học Sư phạm Hyogo, Nhật Bản

Từ việc chú trọng dạy cách học và phát huy vai trò chủ động của sinh viên (SV), và trước những yêu cầu của xã hội đặt ra hiện nay là cần xác định được những giá trị và hệ thống giá trị chuẩn mực nhằm giáo dục, định hướng cho đội ngũ trí thức kế cận, góp phần hình thành nhân cách mới, con người mới xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ hội nhập, thì vấn đề định hướng giá trị cho SV trong đào tạo theo hệ thống tín chỉ là một nội dung cần được quan tâm.

Là thành phần cấu tạo của ý thức cá nhân, định hướng giá trị được hình thành thông qua quá trình cá nhân gia nhập vào các mối quan hệ xã hội, tiếp thu kinh nghiệm xã hội – lịch sử. Định hướng giá trị đóng vai trò mắt xích liên kết giữa môi trường xã hội khách quan và ý thức cá nhân của con người, giữa nhận thức với hoạt động và hành vi cá nhân. Quá trình định hướng giá trị của cá nhân dựa trên quá trình cơ bản là: nhận thức (lựa chọn) đến cảm xúc (cân nhắc, đánh giá) và hành động (định hướng, xác định giá trị). Tiếp cận định hướng giá trị cho SV chủ yếu tập trung vào những biểu hiện chung nhất qui định sự tồn tại của nhân cách và hoạt động sống của SV. Một là những biểu hiện về định hướng của SV đối với mục đích, ý nghĩa của cuộc sống. Hai là những biểu hiện về định hướng của SV đối với hoạt động học tập. Ba là những biểu hiện về định hướng của SV trong mối quan hệ giữa con người với con người. Những biểu hiện về định hướng của SV được xem xét trên 3 yếu tố: nhận thức, thái độ và hành động. Các yếu tố này được đặt trong hệ quy chiếu và đối sánh ở các bình diện: tính truyền thống và hiện đại; khuynh hướng cá nhân với tập thể, cộng đồng, xã hội; tính phù hợp và không phù hợp cho sự phát triển.

Sẽ có nhiều giá trị cần định hướng cho SV nhưng định hướng về mục đích cuộc sống, về quan niệm và thái độ học tập, về mối quan hệ giữa con người và con người là những định hướng cơ bản nhất. Những định hướng giá trị này là tiền đề tốt để hình thành quy tắc ứng xử văn hóa chuẩn mực cho SV trong các mối quan hệ của quá trình học tập và các mối quan hệ xã hội khác. Khi nhận thức, thái độ và hành động thống nhất theo định hướng giá trị tích cực, SV đã sẵn sàng tham gia vào quá trình đào tạo tín chỉ với tâm thế, tư thế chủ động và vững vàng. Điều đó sẽ giúp cho việc tổ chức và quản lý đào tạo theo hệ thống tín chỉ đạt được hiệu quả tốt nhất.

Để góp phần định hướng giá trị cho SV, trước hết, giảng viên cần dành sự quan tâm đến công việc này, tuân thủ nguyên tắc dạy kiến thức kết hợp với dạy người, thông qua việc áp dụng các phương pháp sư phạm tích cực. Thứ hai, công tác đánh giá kết quả rèn luyện và các phong trào thi đua dành cho SV cần được thực hiện một cách thiết thực, tiếp cận với các tiêu chí cụ thể, thang điểm đánh giá và quy chuẩn đánh giá cần tiệm cận với các yêu cầu của định hướng giá trị, nhằm tạo động lực phấn đấu. Thứ ba, đổi mới và tăng cường hiệu quả của công tác thông tin, truyền thông trong nhà trường; chú trọng đến khả năng nắm bắt tình hình tư tưởng SV, khả năng định hướng và tư vấn; đầu tư có chiều sâu cho công tác này ở các khoa. Thứ tư, tổ chức đa dạng hơn các hoạt động giáo dục thái độ và động cơ học tập đúng đắn (SV đi học đúng giờ, mùa thi nghiêm túc, tuyên dương những SV tiêu biểu trên bảng vàng danh dự với những thành tích cụ thể...). Thứ năm, phát huy tối đa vai trò tích cực của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hội SV Việt Nam của trường trong việc định hướng giá trị cho SV, nâng cao sức mạnh của “trường phủ sóng Đoàn - Hội” đối với đoàn viên, hội viên và SV, tổ chức các hoạt động phù hợp và có đủ “sức hấp dẫn” để tập hợp SV vào tổ chức; nghiên cứu và đề xuất mô hình sinh hoạt Đoàn - Hội thật sự hiệu quả trong điều kiện đào tạo theo hệ thống tín chỉ - vốn dĩ không còn giống như điều kiện tổ chức hoạt động phong trào trong mô hình đào tạo theo niên chế, chú trọng đến chất lượng hoạt động của cấp chi đoàn và liên chi đoàn, các câu lạc bộ, đội, nhóm. Thứ sáu, công tác quản lý SV cũng cần kịp thời có những giải pháp mới trong điều kiện đào tạo theo hệ thống tín chỉ; nâng cao hiệu quả công tác đoàn kết, tập hợp và định hướng giá trị cho SV ngoại trú. Thứ bảy, nâng cao chất lượng hoạt động của các câu lạc bộ học thuật đã thành lập ở các khoa, đổi mới nội dung và hình thức sinh hoạt; thành lập thêm các câu lạc bộ sở thích theo nguyện vọng của SV.

Đồng thời, một trong những yêu cầu của các đề kiểm tra, đề thi các môn khoa học giáo dục, tâm lý giáo dục, khoa học xã hội và nhân văn... cũng cần chú trọng tích hợp vào các nội dung định hướng giá trị cho SV, hoặc có nội dung yêu cầu chú trọng đến việc rèn luyện và bồi dưỡng kỹ năng sống, kỹ năng mềm của SV. Bên cạnh sự chỉ đạo mang tính đồng bộ của lãnh đạo trường về định hướng giá trị cho SV, sự quyết tâm, đồng thuận và phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả của các đơn vị và cá nhân trong việc triển khai các giải pháp mang tính chiến lược có ý nghĩa then chốt tạo nên thành công.

NGUYỄN VĂN NGHIÊM

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn