Cô Nguyễn Huỳnh Thu Thủy - “Điểm tựa” vui tươi của học sinh khuyết tật

Cập nhật ngày: 20/11/2018 05:34:07

http://baodongthap.com.vn/database/video/2018112005380119-11 Co Nguyen Huynh Thu Thuy-Diem tua-Ngan Nguyen.mp3

ĐTO - Năm 2003, khi vào Trường Nuôi dạy trẻ Khuyết tật Đồng Tháp (TP.Sa Đéc) làm công tác văn thư và đợi ngày ôn thi đại học lại, cô Nguyễn Huỳnh Thu Thủy (SN 1983) không ngờ mình lại có “duyên” với những em học sinh (HS) khuyết tật ở ngôi trường này. Và 15 năm trôi qua là ngần ấy thời gian cô Thủy gắn bó với công tác giáo dục đặc biệt, trở thành “điểm tựa” tinh thần cho các em HS khuyết tật.


Cô Thủy phát động cho học sinh tham gia cuộc thi Sân chơi ý tưởng trẻ thơ trong buổi sinh hoạt đầu tuần

“Cái duyên” đến với Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật

Trong 3 ngày từ 13-15/11/2018, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Tập đoàn Thiên Long tổ chức Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2018 để tuyên dương những thầy giáo, cô giáo dạy HS khuyết tật trong cơ sở giáo dục chuyên biệt, Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập và Trung tâm bảo trợ xã hội thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cô Nguyễn Huỳnh Thu Thủy là 1 trong 48 giáo viên tiêu biểu trên toàn quốc được vinh danh ở chương trình năm nay.

Tại chương trình, Ban Tổ chức tặng Bằng khen của Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Kỷ niệm chương của Chương trình và Sổ tiết kiệm 10 triệu đồng cho những nhà giáo được tuyên dương.

“Tôi thích học ngành y sĩ và điều dưỡng chứ chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm giáo viên, nhưng chắc là do “có duyên” với mấy em nhỏ ở trường này nên qua mỗi ngày tiếp xúc rồi mình thương các em lúc nào không hay. Sau 2 năm công tác, tôi chọn đi học lớp Trung cấp Giáo dục mầm non (hệ tập trung) để được tiếp tục giảng dạy, chăm sóc các em HS khuyết tật ở đây” - cô Thủy nhớ lại thời điểm “quyết định” gắn bó với nghề giáo của mình.

Quê ở xã Tân Phú Trung, huyện Châu Thành, nhà cách trường không xa, theo cô Thủy, đó là điều kiện thuận lợi giúp cô công tác tốt hơn. Năm 2007, sau khi học xong lớp Trung cấp, cô về lại Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật Đồng Tháp và đảm nhận nhiệm vụ Bí thư chi đoàn đồng thời là giáo viên Tổng phụ trách Đội của trường.

“Công tác ở một lĩnh vực mới mẻ, nên tôi luôn cố gắng rèn luyện chuyên môn, học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp đi trước để hoàn thành công việc được giao. Năm 2008, tôi tiếp tục đăng ký học lớp Cao đẳng sư phạm Giáo dục, đặc biệt là ngành Tật học tại Trường Đại học Đồng Tháp để vững chuyên môn và giáo dục các em tốt hơn” - cô Thủy cho biết.

Năm học 2018 - 2019, Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật Đồng Tháp có 245 HS bậc Tiểu học với tổng số 24 lớp, gồm 13 lớp khiếm thính và 11 lớp khuyết tật trí tuệ. Ngoài dạy kiến thức cơ bản, tùy tình hình từng năm học, nhà trường chủ động mở các lớp dạy nghề thủ công như may, thêu, xỏ hạt... cho các em HS khuyết tật. Đồng thời việc tổ chức các hội thi, hoạt động phong trào được nhà trường chú trọng thực hiện, trong đó phải kể đến vai trò đầu tàu của cô Thủy trong công tác tham mưu, tổ chức và vận động HS tích cực tham gia các hoạt động phong trào của trường.

Được nhà trường tạo điều kiện, cô Thủy đã tổ chức thành công nhiều hội thi cấp trường như: thi làm lồng đèn, cắm hoa, thả diều, vẽ tranh,... thu hút nhiều HS tham gia. Cô còn tham mưu thành lập nhiều Câu lạc bộ năng khiếu về các môn cờ vua, bơi lội, mỹ thuật giúp các em có cơ hội học tập kỹ năng sống, phát huy tài năng và ngày một tiến bộ. Cô Thủy cho biết, thời gian tới sẽ tăng cường tham mưu lãnh đạo nhà trường tổ chức nhiều buổi giao lưu, dã ngoại hơn, đồng thời động viên các em HS hăng hái tham gia các hội thi do cấp trên phát động. Vì qua các hoạt động sẽ giúp các em yêu đời hơn, xua tan mặc cảm, được kết bạn nhiều nơi, từ đó giúp các em tự tin hòa nhập tốt với cuộc sống.

“Điểm tựa” vui tươi của học sinh kém may mắn

Cô Trần Thị Lệ - giáo viên Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật Đồng Tháp cho biết: “Cô Thủy vui vẻ, có khiếu hài hước và rất phù hợp với vai trò Bí thư chi đoàn, giáo viên Tổng phụ trách Đội. Những tiết sinh hoạt dưới cờ có cô Thủy sinh hoạt luôn tạo không khí vui tươi, các em HS ở trường rất yêu quý cô Thủy”.


 Cô Thủy luôn vui vẻ và “truyền lửa” cho học sinh khuyết tật

Có thể thấy, với các em HS ở Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật Đồng Tháp, cô Thủy như người mẹ, người chị và người bạn lớn của các em. Là “điểm tựa” tinh thần mang đến sự vui tươi, phấn khởi cho các em sau những giờ học chính khóa. Dù ít khi chủ nhiệm lớp, nhưng trường có hơn 240 HS thì hàng trăm cái tên (ngôn ngữ ký hiệu) của các em đều được cô Thủy thuộc nằm lòng. Tính nết mỗi em khi tham gia phong trào, cô Thủy cũng đều nắm rõ. Bởi với sự kiên nhẫn và tình yêu thương, mỗi ngày từng chút một, cô luôn gần gũi, quan tâm và tìm cách thấu hiểu các em, giúp các em tin tưởng và mở lòng ra với cuộc sống thông qua nhiều trò vui chơi, sinh hoạt tập thể. Và nhiều thành tích, giải thưởng phong trào hàng năm mang về cho trường là minh chứng cho những nỗ lực không ngừng của cô Thủy để giúp các em dần hoàn thiện, trưởng thành hơn.

Theo cô Võ Thị Ngọc Ảnh - Hiệu Trưởng Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật Đồng Tháp: “Cô Thủy rất tâm huyết, nhiệt tình trong công việc. Nhà trường luôn ghi nhận những đóng góp tích cực của cô Thủy giúp mang lại nhiều thành tích trong hoạt động phong trào hàng năm cho trường, hơn hết là giúp các em HS mạnh dạn, tự tin hòa nhập cộng đồng”.

Nghề giáo là nghề đòi hỏi mỗi người làm công việc phải thật sự yêu nghề, tâm huyết với nghề. Với những nhà giáo làm công tác giáo dục đặc biệt thì càng phải có tấm lòng yêu thương HS, sự bao dung, nhẫn nại và hy sinh rất nhiều thì mới có thể bám trụ với nghề. Nhưng cô Thủy chia sẻ, cô không cảm thấy mình gặp khó khăn trong công việc hay nản lòng, bởi xung quanh cô luôn có sự giúp đỡ, tạo điều kiện hết mình từ những đồng nghiệp và Ban lãnh đạo nhà trường. Hơn hết, với cô, việc được giảng dạy, chăm sóc các em HS khuyết tật của trường là niềm vui lớn lao. Mỗi ngày nhìn các em tiến bộ dần, không còn tự ti hay tự cô lập bản thân mà ngày càng có ý chí nỗ lực học tập tốt, tích cực tham gia phong trào, sống vui tươi khỏe mạnh, đó chính là hạnh phúc và động lực để cô gắn bó với nghề.

Ngày 20/11 lại đến, ở ngôi trường này không khí lại càng đong đầy cảm xúc hơn bao giờ hết. Bởi, nhờ sự hướng dẫn của cô Thủy, các em HS khuyết tật đã biết cách thể hiện trọn vẹn tình cảm và sự biết ơn đến những người thầy, người cô của mình bằng một nụ hoa hồng cài lên ngực áo. Cử chỉ nhỏ nhưng cũng làm ấm lòng những nhà giáo làm công tác giáo dục đặc biệt trong ngày kỷ niệm.

NGÂN NGUYỄN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn